Những đám cháy ở phần lớn lãnh thổ của Nga tại Bắc Cực càng nêu bật sự cấp thiết phải cắt giảm khí thải do hoạt động của con người gây ra.
Tình trạng nắng nóng cực đoan ở vùng Siberia của Nga đang phát đi tín hiệu cảnh báo về những gì có thể đang chờ đợi thế giới trong tương lai. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ đo được tại thị trấn Verkhoyansk ở Siberia là hơn 38 độ C hôm 20-6. Con số này vẫn đang được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) kiểm chứng.
Nhưng ngay cả khi không có sự xác nhận nào, các chuyên gia tại WMO không khỏi lo ngại khi chứng kiến phần lớn lãnh thổ của Nga tại Bắc Cực chìm trong sắc đỏ trong các ảnh vệ tinh mới chụp. Theo Reuters, tình trạng nắng nóng cực đoan đang làm gia tăng quy mô các vụ cháy rừng ở khu vực hẻo lánh này. Lửa sau đó đã lan rộng ra các vùng đất than bùn vốn ngập nước ở điều kiện bình thường.
Giới khoa học lo ngại các đám cháy này là dấu hiệu sớm của tình trạng khô hạn hơn trong thời gian tới. Hỏa hoạn thường xuyên sẽ "giải phóng" carbon từ đất than bùn và rừng, từ đó làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong không khí. "Đây là điều đợt nắng nóng này đang làm. Nó không chỉ biến thực vật mà cả đất đai thành nhiên liệu cho đám cháy. Đây là một trong những vòng luẩn quẩn đang xảy ra tại Bắc Cực làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu" - chuyên gia Thomas Smith của Trường Kinh tế London (Anh), nhận định với Reuters.
Ảnh chụp từ vệ tinh của Công ty Maxar Technologies (Mỹ) cho thấy khói bốc lên từ các đám cháy rừng ở gần sông Berezovka ở Nga hôm 23-6 Ảnh: MAXAR TECHNOLOGIES
Theo ông Smith, dữ liệu vệ tinh về khu vực thu thập từ năm 2003 cho thấy sự tăng vọt của lượng khí nhà kính do các đám cháy ở Bắc Cực trong hai mùa hè qua. Cụ thể, tổng lượng khí thải của tháng 6-2019 và tháng 6-2020 đã vượt tổng lượng khí thải ghi nhận trong các tháng 6 của giai đoạn 2003-2018. Trong khi đó, dữ liệu khí quyển thu thập từ hơn 100 năm trước đến nay cũng cho thấy nhiệt độ không khí tại Bắc Cực không ngừng phá kỷ lục trong những năm gần đây.
Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng biến đổi khí hậu đang khiến Bắc Cực ấm nhanh gấp đôi phần còn lại của thế giới. Riêng đợt nắng nóng bắt đầu từ tháng 5 ở vùng Siberia là điển hình của xu hướng đó. Chuyên gia Walt Meier thuộc Trường ĐH Colorado (Mỹ), cho rằng nắng nóng cực đoan đang dần trở thành một hiện tượng thường thấy.
Khi nhiệt độ tăng khiến băng tan tại Bắc Cực, nhiều vùng sẽ trở nên tối hơn và hấp thụ nhiệt nhanh hơn, góp phần khiến khí hậu thêm nóng. Không dừng lại ở đó, hiện tượng khí hậu ấm lên được cho là khiến mùa cháy rừng ở Bắc Cực kéo dài hơn. Mùa cháy rừng này thường diễn vào tháng 7 và tháng 8 các năm trước nhưng năm nay hỏa hoạn đã xuất hiện từ tháng 5.
Những đám cháy ở Siberia càng nêu bật sự cấp thiết phải cắt giảm khí thải do hoạt động của con người gây ra. Các nhà khoa học cảnh báo những thay đổi rộng lớn hơn ở Bắc Cực đều có thể tác động nghiêm trọng hơn lên hệ thống khí hậu toàn cầu.
Tại châu Âu, nắng nóng cực đoan những ngày qua còn khiến chính quyền nhiều nơi đau đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều khu vực ở Tây Ban Nha ghi nhận nhiệt độ dao động ở mức 40 độ C trong tuần này. Còn Anh vừa trải qua ngày nóng nhất từ đầu năm với nhiệt độ đạt mức 33 độ C tại sân bay Heathrow ở thủ đô London hôm 25-6. Cùng ngày, nhà chức trách Bournemouth, một thị trấn ven biển ở miền Nam nước Anh, phải tuyên bố tình trạng sự cố nghiêm trọng khi nhiều người đổ xô đến các bãi biển địa phương phớt lờ hướng dẫn y tế công cộng về dịch Covid-19.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời