Việc siêu tàu vận tải Ever Given thoát khỏi điểm mắc kẹt trên kênh đào Suez có công lớn từ vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất: mặt trăng.
Là một trong những yết hầu của giao thương đường biển toàn cầu, kênh đào Suez đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại quốc tế. Hàng hóa đi qua con kênh đa dạng, từ giấy vệ sinh tới xe hơi hay gia súc…. Việc con kênh bị vô hiệu hóa trong gần 1 tuần do tàu Ever Given mắc kẹt đã gây ra tâm lý hoang mang trên quy mô toàn cầu.
Suốt 6 ngày, con tàu dài 400m chắn ngang dòng kênh khiến hơn 400 tàu phải xếp hàng chờ tới lượt. Lượng hàng hóa ùn ứ có giá nhiều tỷ USD. Trong khi đó, những chiếc máy nạo vét công suất lớn đang miệt mài bới bùn đất để giải cứu con tàu lại tạo ra một hình ảnh khá "tuyệt vọng" bởi chúng trở nên bé xíu khi nằm cạnh Ever Given.
Rõ ràng, con người không chuẩn bị tốt cho những vụ tai nạn khổng lồ trong cuộc sống của chính mình. Không chỉ ở trái đất, sự cố với Ever Given còn mang tầm "vũ trụ" khi các phi hành gia trên trạm vũ trụ Quốc tế ISS cũng hướng về sự cố. Phi hành gia Nga Sergey Kud-Sverchkov, người đã ở trên ISS suốt 10 tháng qua, đã chia sẻ những hình ảnh chụp vị trí vụ tai nạn từ không gian.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng công bố hình ảnh từ vệ tinh Copernicus Sentinel-1 để so sánh giao thương hàng hải trên Kênh đào Suez trước và trong vụ tai nạn. Người ta dự đoán rằng các đội giải cứu sẽ mất nhiều ngày để có thể giải cứu con tàu dù nó chắn ngang huyết mạch hàng hải toàn cầu.
Tuy nhiên, chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ thiên nhiên. Dù là kênh đào nhưng việc nối giữa các đại dương khiến Suez chịu tác động của thủy triều như nhiều vùng nước khác. Quá trình tương tác giữa trái đất và vệ tinh tự nhiên duy nhất, mặt trăng, tác động trực tiếp đến thủy trên địa cầu.
Triều cường đạt cực đại nhất khi trái đất nằm thẳng hàng với mặt trời và mặt trăng. Đây cũng là hai vật thể có lực hấp dẫn mạnh nhất với trái đất. Nước là nhân tố phản ứng mạnh nhất với các lực hấp dẫn này mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Vào ngày rằm (28/3 dương lịch), thủy triều dâng cao tốt cho con tàu mắc cạn. Sau đó, mặt trăng sẽ đạt tới điểm gần trái đất nhất vào ngày 29/3 (trăng 16). Ở điểm gần nhất, lực hấp dẫn của mặt trăng tác động với nước trên trái đất là cao nhất. Đó là tất cả những gì Ever Given và những người giải cứu nó cần.
Theo New York Times, kênh đào Suez có mực nước triều 2m vào tối 28/3, cao hơn thủy triều thông thường khoảng 46cm nhờ siêu mặt trăng. Nỗ lực giải cứu con tàu bước vào thời khắc quyết định. Nhờ triều cường cao và các tàu kéo công suất lớn, phần đuôi của con tàu đã được di chuyển khỏi vị trí mắc kẹt sau đó là phần mũi.
Điều này cũng đã được Peter Berdowski, Giám đốc điều hành của Boskalis - công ty cứu hộ chịu trách nhiệm giải phóng Ever Given, chia sẻ.
"Chúng tôi được hỗ trợ rất lớn bởi thủy triều. Nhờ lực đẩy khổng lồ của tự nhiên, vượt xa sức của 2 chiếc tàu kéo công suất lớn mới được đưa tới hỗ trợ, chúng tôi có thể đưa con tàu thoát khỏi vị trí mắc kẹt", ông Berdowski nói.
Khi nước triều lên cao, phần đuôi con tàu đã được kéo ra khỏi vị trí mắc kẹt. Nó tạo thành một "đòn bẩy khổng lồ" dài 400m để những người cứu hộ giải cứu phần mũi tàu, vốn đang kẹt trong lớp đất sét ở một bờ kênh. 2.000 tấn nước dằn được bơm vào phía sau con tàu nhằm nâng mũi tàu lên khi đuôi tàu bị đẩy xuống.
Triều cường dâng cao vào buổi trưa nhưng rút mạnh vào những giờ tiếp theo. Nó tạo ra một bàn tay vô hình để đẩy ở phần đầu con tàu. Trong khi đó, các tàu kéo tiếp tục kéo đuôi con tàu xuôi theo hướng nước rút ra, giúp lực tác động được gia tăng mạnh mẽ.
Khoảng 3h chiều ngày 29/2, nỗ lực giải cứu thành công. Con tàu được kéo ra giữa dòng kênh, kết thúc gần một tuần thảm họa của thương mại toàn cầu. Tuyến đường biển huyết mạch, với 6 đến 10 tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua lại mỗi ngày, được khai thông.
"Chúng tôi không còn phải sử dụng kế hoạch B (hút thêm cát) hay kế hoạch C (bốc dỡ hàng hóa khổng lồ khỏi con tàu). Chúng tôi hy vọng kế hoạch A sẽ phát huy hiệu quả và nó đã thành công", Berdowski chia sẻ.
Giải cứu thành công Ever Given là kết quả của những hoạt động phối hợp nhuần nhuyễn, có tính toán kết hợp với công sức của thiên nhiên. Nếu không có siêu mặt trăng đầu tiên của năm 2021, có lẽ người ta cũng vẫn đưa được con tàu khổng lồ khỏi vị trí mắc kẹt nhưng sẽ mất nhiều ngày hơn. Cùng với đó là những thiệt hại nặng nề mà thương mại toàn cầu, vốn đã rất tổn thương vì Covid-19, sẽ phải gánh chịu.
Kênh đào Suez không phải con đường duy nhất nhưng nó là con đường ngắn nhất để các tàu có thể đi từ châu Á tới châu Âu và châu Mỹ. Các tàu có thể lựa chọn con đường khác là đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi. Tuy nhiên, đó là con đường dài hơn 6.000km và khá rủi ro đối với các tàu hàng.
Hiện tại, người ta vẫn tiếp tục đánh giá tác động của sự cố với thương mại toàn cầu. Việc kênh đào được khai thông trở lại khiến nhiều người vẫn phải chờ đợi để có được hàng hóa mong muốn. Điều khác biệt duy nhất là họ không còn phải chờ đợi trong vô vọng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời