(Tổ Quốc) - Theo một mô phỏng siêu máy tính mới về các mảng kiến tạo trôi dạt của Trái đất, tuổi thọ của Thái Bình Dương đang giảm dần song song với sự hình thành của một lục địa mới.
Thái Bình Dương, Đại dương lâu đời nhất hành tinh vẫn còn khoảng 300 triệu năm tồn tại nữa theo ước đoán của các nhà khoa học. Nếu gặp may, Thái Bình Dương thậm chí có thể kỷ niệm sinh nhật lần thứ một tỷ của mình trước khi biến mất hoặc hòa tan vào các Đại dương khác.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Curtin ở Australia, trong những năm cuối cùng, Thái Bình Dương sẽ khó có được diện tích rộng lớn như ngày nay. Mỗi năm, đại dương này co lại vài cm, giống như đã từng xảy ra kể từ khi nó còn là một siêu đại dương bao quanh siêu lục địa Pangea.
Đại dương cổ đại này là nơi có nhiều vùng hút chìm, nơi các mảng kiến tạo va chạm và đè lên nhau. Ở Thái Bình Dương, các khu vực này được gọi một cách thông tục là "Vành đai lửa", chúng hoạt động gần giống như một hệ thống thoát nước của đáy đại dương.
Mỗi năm, mảng kiến tạo Thái Bình Dương trượt vài cm, chủ yếu ở mảng Á-Âu và mảng Ấn-Australia, thu hẹp khoảng cách giữa Bắc Mỹ, châu Á và Australia.
Các nhà khoa học trên thế giới chưa thống nhất với nhau về diện mạo của siêu lục địa tiếp theo, nhưng hầu hết đều đồng ý về ước đoán Thái Bình Dương sẽ bị diệt vong.
Trong khi đó, một số nghiên cứu cho rằng Đại Tây Dương, đang mở rộng ngày nay, có thể bắt đầu thu hẹp trong tương lai, từ đó tạo ra suy luận về sự hình thành của một siêu lục địa trong đó Bắc Mỹ va chạm với châu Á, có tên là Amasia.
Các mô phỏng gần đây của các nhà nghiên cứu dựa trên các thông số địa chất và lớp phủ thực tế từ hiện tại và quá khứ, sau đó dùng tới phép tính toán của một siêu máy tính để dự đoán tương lai.
Trong hai tỷ năm qua, các lục địa trên Trái đất đã va chạm với nhau để tạo thành một siêu lục địa cứ sau 600 triệu năm, đây được gọi là chu kỳ siêu lục địa.
Bằng cách mô phỏng cách các mảng kiến tạo của Trái đất dự kiến sẽ phát triển bằng cách sử dụng siêu máy tính, nhóm nghiên cứu có thể chứng minh rằng trong khoảng thời gian chưa đầy 300 triệu năm nữa, Thái Bình Dương sẽ đi tới hồi kết, cho phép hình thành siêu lục địa Amasia.
Trái ngược với một số mô phỏng siêu lục địa khác, mô phỏng mới này cho thấy Thái Bình Dương, chứ không phải Đại Tây Dương hay Biển Caribe, sẽ bị phá hủy khi Amasia hình thành.
Trái đất sẽ khác đi đáng kể khi Amasia hình thành. Mực nước biển dự kiến sẽ thấp hơn và phần bên trong rộng lớn của siêu lục địa sẽ rất khô cằn với biên độ nhiệt độ cao hàng ngày.
Tuy nhiên, đây không phải là mô hình duy nhất dự đoán sự sụp đổ của Thái Bình Dương, nó cũng chỉ là nghiên cứu mới nhất trong một chuỗi dài các mô phỏng siêu lục địa, tất cả đều cố gắng dự đoán hành tinh của chúng ta sẽ trông như thế nào trong tương lai.
Trong một kịch bản, khi một siêu lục địa có tên là Novopangaea hình thành, châu Mỹ va chạm với Nam Cực trước khi đâm vào Âu-Á và châu Phi. Việc này sẽ cắt đứt Thái Bình Dương theo một cách khác nhưng mang lại kết quả tương tự.
Trong một kịch bản siêu lục địa khác, được gọi là Aurica, cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đều diệt vong, và một lưu vực đại dương mới xuất hiện để thay thế cho cả hai.
Dù kết quả thế nào, có một điều chắc chắn là: Trái đất và các đại dương sẽ không bao giờ giống hệt như ngày nay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple phát hành iOS 18 chính thức: Nhiều tùy chỉnh mới, khóa ứng dụng bằng Face ID... nhưng chưa có AI
iOS 18 mang tới nhiều tính năng, nhưng vẫn chưa có Apple Intelligence, bộ tính năng AI được người dùng iPhone mong chờ.
Công ty Trung Quốc nộp bằng sáng chế công nghệ độc quyền của ASML