Siêu thị điện máy "đau đầu" vì bị mạo danh để lừa đảo người mua

    PV,  

    Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện máy, di động như Trần Anh, Media Mart, Thế Giới Di Động, Điện máy xanh, Pico… đều bị nhiều cá nhân, doanh nghiệp mạo danh thương hiệu trắng trợn để bán hàng lừa đảo người tiêu dùng.

    Mới đây, trong tháng 7/2016, hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh tại Hà Nội đã có văn bản gửi tới cơ quan công an và các cơ quan chức năng để vào cuộc xử lý hành vi lừa đảo của một nhóm người mạo danh thương hiệu của doanh nghiệp này sử dụng xe tải để đi bán hàng rong các mặt hàng như điều hòa, tivi, bếp từ… không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các khu vực ngoại thành như Thanh Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức…

     Thông tin quảng cáo khuyến mãi trên mạng nhái logo, nhận diện thương hiệu của Thế Giới Di Động.

    Thông tin quảng cáo khuyến mãi trên mạng nhái logo, nhận diện thương hiệu của Thế Giới Di Động.

    Thậm chí các đối tượng còn in thông tin quảng cáo có logo và slogan "Chuyên gia điện máy" y hệt nhận diện thương hiệu của hệ thống bán lẻ này để hoạt động.

    Trao đổi với ICTnews, đại diện một doanh nghiệp điện máy cho hay, trong thời gian qua, không chỉ riêng Trần Anh mà còn có hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh điện máy, điện thoại khác cũng trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo, giả mạo thương hiệu trắng trợn do các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện.

    Như trường hợp Media Mart, cách đây vài tháng trung tâm dịch vụ khách hàng của hệ thống siêu thị điện máy này tiếp nhận một số trường hợp khách hàng mang đến bảo hành những sản phẩm không phải do Media Mart kinh doanh, cũng không có hợp đồng nhận bảo hành với hãng như bình đun nước siêu tốc, nồi cơm điện...

     Phiếu bảo hành ấm đun nước mạo danh Media Mart.

    Phiếu bảo hành ấm đun nước mạo danh Media Mart.

    Phía Media Mart cho hay những sản phẩm này được khách hàng mua trên mạng hoặc tại những cửa hàng nhỏ lẻ, trên phíếu bảo hành sản phẩm đã mạo danh trung tâm bảo hành của MediaMart để lừa đảo lòng tin của người tiêu dùng đối với xuất xứ sản phẩm.

    Tương tự, hồi tháng 12/2015, siêu thị điện máy Pico đã phải tiếp nhận hai trường hợp khách hàng đến yêu cầu bảo hành điện thoại iPhone 6 và iPhone 6 Plus, kèm theo giấy bảo hành từ Pico. Tuy nhiên, đây là phiếu bảo hành giả, do một người rao bán trên mạng với nội dung “bán lại iPhone mới 99% được mua tại Pico” và cam kết là hàng chính hãng, sử dụng giấy bảo hành giả mạo của Pico để lừa đảo người mua hàng.

     Chiếc iPhone 6 bị một cá nhân mạo danh Pico bán cho người tiêu dùng trên mạng.

    Chiếc iPhone 6 bị một cá nhân mạo danh Pico bán cho người tiêu dùng trên mạng.

    Đáng chú ý, chưa dừng lại ở đó, tình trạng lợi dụng tên tuổi của các thương hiệu lớn còn diễn ra ở mức ở mức độ nghiêm trọng hơn khi xuất hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp lập website có tên gọi giống như thương hiệu nổi tiếng, hoặc thậm chí mở cửa hàng bán lẻ nhái cả logo, biển hiệu.

    Thegioididong.com và Dienmayxanh.com bị mạo danh khá nhiều trong suốt thời gian qua, là nạn nhân của các website giả mạo như thegioididongonline.divivu.com, thegioididong.sanmua.vn…

    Trắng trợn hơn, một số website còn sử dụng hình ảnh biển hiệu và nhân viên của chính thegioididong.com trong các thông tin quảng bá dịch vụ, in chương trình khuyến mãi của nhiều sản phẩm rồi "tiện thể" đóng luôn logo của Thế Giới Di Động để người tiêu dùng nhẹ dạ sẽ tin tưởng.

     Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nhận diện thương hiệu của thegioididong.com cũng bị một số cửa hàng bán lẻ đạo trắng trợn.

    Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nhận diện thương hiệu của thegioididong.com cũng bị một số cửa hàng bán lẻ "đạo" trắng trợn.

    Sau khi phát hiện các vụ việc mạo danh, lừa đảo, các doanh nghiệp cho hay đều đã phản ánh tới các cơ quan chức năng, cơ quan công an để vào cuộc can thiệp, xử lý các hành vi.

    Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi online mua sắm trước hết cần tỉnh táo tìm hiểu về website của doanh nghiệp bán hàng. Nếu truy cập vào website đáng ngờ hoặc phát hiện gian lận, thắc mắc trong quá trình mua bán hãy gọi ngay cho các doanh nghiệp qua số hotline để kiểm chứng thông tin, không bị mắc bẫy đối tượng lừa đảo.

    Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lưu ý các doanh nghiệp điện máy lớn nói trên không thực hiện các chương trình "bán dạo" bằng xe tải, việc kinh doanh luôn được thực hiện tại các siêu thị.

    Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nghiêm cấm hành vi “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

    Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng nêu rõ hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày