'Siêu ứng dụng' WeChat: Tích hợp nhiều tính năng chưa từng có, từ Elon Musk đến Mark Zuckerberg đều ôm mộng ấp ủ
(Tổ Quốc) - Siêu ứng dụng là gì và tại sao lại thu hút các gã khổng lồ công nghệ đến vậy?
- Chuyên gia phát hiện ra nguyên nhân Elon Musk "bỏ cọc" Twitter: Cả thương vụ chỉ là cái cớ để bán 8,5 tỷ USD cổ phiếu Tesla
- Ưu thế tuyệt đối của chip lượng tử ánh sáng: Rút ngắn 9.000 năm tính toán xuống còn 36 phần triệu giây
- Harvard phát triển thành công chip sóng âm, tương thích cả với máy tính lượng tử
Các siêu ứng dụng, đúng như tên gọi, đã được xây dựng trong khoảng thời gian dài để có thể thỏa mãn người dùng. Nhiều công ty công nghệ mới nổi đang tiếp thu ý tưởng này, từ Uber, Spotify, PayPal, Snap đến ứng dụng Block của Jack Dorsey. Tỷ phú Elon Musk cũng đã đề cập đến khái niệm siêu ứng dụng trong bài phát biểu về kế hoạch thâu tóm nền tảng mạng xã hội Twitter.
Theo WSJ, định nghĩa “siêu ứng dụng” hiện còn mờ nhạt. Nó được các công ty và nhiều nhà lãnh đạo sử dụng để mô tả trạng thái nhồi nhét thật nhiều các tính năng trong cùng một ứng dụng và chúng khác biệt hẳn so với những chức năng cốt lõi.
Ví dụ, một siêu ứng dụng công nghệ tài chính có thể bắt đầu bằng các khoản thanh toán hoặc mua ngay trả sau… Đối với các phương tiện truyền thông xã hội, đây có thể là nơi tích hợp nhiều tính năng mua sắm. Còn trong lĩnh vực giao hàng và gọi xe, siêu ứng dụng lại ám chỉ các phương thức vận tải và hàng hóa mới.
Lịch sử đã chứng minh được rằng không một công ty nào có thể xây dựng thành công một siêu ứng dụng có thể thực hiện tất cả các chức năng, song những nỗ lực này được cho là có thể định hình lại cách hàng triệu người dùng tương tác. Siêu ứng dụng cũng có ý nghĩa sâu sắc đối với bản thân công ty đó, cách nó tạo ra doanh thu cũng như xây dựng mô hình kinh doanh.
Đối với nhiều thương hiệu, việc xây dựng siêu ứng dụng nhằm mục đích duy trì tăng trưởng, bất chấp những khó khăn kinh tế hiện tại và sự đổi thay trong cách tạo ra doanh thu. Đây cũng chính là cách để các ông lớn giành được lợi thế trong cuộc đua thu hút người dùng, với mong muốn chiếm được nhiều thời gian, sự chú ý và tiền bạc nhất có thể.
Các siêu ứng dụng đa chức năng giúp người dùng tiếp cận nhiều tiện ích. Chúng cũng có thể củng cố hơn nữa quyền lực các tập đoàn công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử và dữ liệu.
NGUỒN GỐC
WeChat, được ra mắt vào năm 2011 bởi gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent, được coi là một siêu ứng dụng nguyên mẫu. Đây là sự giao thoa giữa ứng dụng nhắn tin và phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm gọi xe, thanh toán di động đến các dịch vụ chính phủ. Hiện tại, WeChat sở hữu gần 1,3 tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc.
Theo Kevin Shimota, cựu Giám đốc tiếp thị toàn cầu và quan hệ đối tác tại WeChat, ngay từ đầu, nền tảng này không hề đặt ra mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng. Bản thân WeChat chỉ trở nên nổi tiếng thông qua việc bổ sung thêm nhiều tính năng, bắt đầu bằng thanh toán trực tuyến. Một nền tảng cho “các ứng dụng nhỏ” trong chính WeChat cũng ra đời, và vào thời điểm đó, không ai biết liệu chúng có thành công hay không.
Ngày nay, WeChat chiếm lĩnh thị trường ngách với hơn một triệu ứng dụng có thể truy cập. Đây được coi là hình mẫu để các ứng dụng tại châu Á học tập, song cho đến nay, vẫn chưa có cái tên nào thực sự thành công, từ Alipay (Trung Quốc), Gojek-Grab (Đông Nam Á) đến Line (Nhật Bản). Sự thống trị khiến các giám đốc điều hành công nghệ Mỹ vô cùng ghen tị.
Nhiều giả thuyết đã được đặt ra, rằng tại sao một siêu ứng dụng lại không xuất hiện ở phương Tây, bởi thời điểm các công ty như Tencent còn đang bước những bước đi chập chững, những quốc gia thuộc khu vực này đã có một hệ sinh thái phát triển tốt, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau.
Tại Trung Quốc, trải nghiệm đầu tiên của hầu hết người dùng đối với Internet là trên thiết bị di động. Theo Feifei Liu, nhà nghiên cứu thuộc công ty tư vấn trải nghiệm người dùng Nielsen Norman Group, người dùng khi đó không hề kỳ vọng về một siêu ứng dụng, song sự bùng nổ của WeChat cũng như những chiếc điện thoại thông minh tại đại lục đã làm nên kỳ tích.
GIẤC MƠ SIÊU ỨNG DỤNG
Để đuổi kịp WeChat, các công ty công nghệ Mỹ và châu Âu đang biến những ứng dụng của họ thành một siêu ứng dụng toàn năng.
Hồi tháng 6, Elon Musk tuyên bố tham vọng biến Twitter trở thành một siêu ứng dụng như WeChat. Ý tưởng này được nhiều chuyên gia đánh giá cao, trong đó có Giám đốc điều hành Evan Spiegel của Snap. Trước đó, Giám đốc điều hành của Block, Nick Molnar cũng chia sẻ kế hoạch biến sự kết hợp giữa ứng dụng tiền mặt và dịch vụ mua ngay trả sau trở thành một siêu ứng dụng. Tham vọng này cũng được Giám đốc điều hành PayPal ấp ủ.
Theo Yoram Wurmser, chuyên gia phân tích công nghệ tại Insider Intelligence, rất nhiều công ty đã công bố thêm nhiều tính năng hoặc kế hoạch đối với việc xây dựng các siêu ứng dụng toàn năng, trong đó có Meta. Tập đoàn này đang tích cực bổ sung các tính năng mới cho Instagram, giúp người dùng có thể mua sắm ngay trên ứng dụng. Mạng xã hội Facebook cũng có động thái tương tự khi ra mắt tính năng Trò chơi (hồi năm 2018), Hẹn hò (hồi năm 2019) và Podcast (hồi năm 2021).
Theo WSJ, Meta được coi là một ví dụ điển hình cho nỗ lực xây dựng tiện ích cho siêu ứng dụng. Gã khổng lồ này chưa bao giờ có ý định tích hợp Instagram hoặc WhatsApp vào mạng xã hội Facebook và kết quả là, cả 3 đã tiếp tục phát triển nhanh chóng và thu hút được một lượng đông người dùng trẻ và người dùng quốc tế. Vào năm 2014, Facebook thậm chí còn tách ứng dụng nhắn tin Messenger khỏi nền tảng. Tập đoàn này không chỉ muốn tạo ra một mà là thật nhiều siêu ứng dụng, trong đó, các tính năng mới ngày càng khiến chúng trở nên giống WeChat hơn.
Trong khi đó, đối thủ TikTok đang thử nghiệm tính năng Shop tại một số quốc gia và cho phép người dùng gửi tiền trực tiếp cho người sáng tạo nội dung. Những đổi mới này có thể dẫn đến một số hình thức thanh toán mới và tính năng thương mại điện tử.
Uber mới đây cũng tuyên bố kế hoạch tạo ra một siêu ứng dụng ở Anh bằng cách tích hợp vé tàu, xe buýt và máy bay và tiền thuê xe hơi. Tại Mỹ, Uber cũng bổ sung thêm tính năng cửa hàng tạp hóa và cung cấp thuốc theo chỉ định bác sĩ.
“Tôi nghĩ một siêu ứng dụng chắc chắn có thể hoạt động ở Mỹ, ông Shimota, cựu Giám đốc điều hành WeChat cho biết, đồng thời khẳng định sẽ mất khá nhiều thời gian để những ứng dụng này phát triển và đợi người dùng thích ứng.
Điều này đúng với WeChat khi ứng dụng đã phải trải qua một khoảng thời gian dài đánh giá và thử nghiệm. Dần dần, nó mới được coi là một siêu ứng dụng tích hợp nhiều tiện ích mà một nền tảng mạng xã hội phân mảnh và ứng dụng truyền thống không thể làm được.
Theo: WSJ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"