Mạng xã hội bùng nổ, các luồng thông tin chúng ta nhận được thì quá nhiều và không thể kiểm soát. Hệ quả là đại dịch tin fake đã lên ngôi.
"Fake" - từ này mang ý nghĩa gì với bạn? Trong tiếng Việt, "fake" có nghĩa là giả mạo, và nó thường được gắn liền với các loại vật dụng, sản phẩm mua sắm được làm giả, làm nhái theo các thương hiệu nổi tiếng.
Nhưng từ "fake" còn được gắn vào một nhóm thông tin mà chúng ta nhận được mỗi ngày. Chúng được gọi là fake news - một khái niệm chỉ mới xuất hiện và trở nên phổ biến từ năm 2016.
Fake news hiểu đơn giản là tin tức được giả mạo, chưa được kiểm chứng, hay còn gọi là tin vịt. Chỉ 1 thập kỷ trước, thông tin được lan truyền vẫn chỉ được xếp vào hai dạng: tin mới và tin không mới. Vậy mà giờ đây, chúng ta có thêm "tin giả" - fake news - thứ đã trở thành một đại dịch khiến cả thế giới phải đau đầu cảnh giác.
Vai trò của thông tin, fake news có từ rất sớm
Thông tin từ lâu đã là một thứ vũ khí cực kỳ hữu dụng để tăng sức ảnh hưởng cho những người đang nắm giữ quyền lực. Đặc biệt là trong chính trị, đó là một cuộc chơi mà bên nào nắm giữ, kiểm soát thông tin tốt cũng gần như cầm chắc thắng lợi.
Và với những cuộc chơi như thế, các thông tin được bóp méo sự thật sẽ là con bài tẩy không thể thiếu. Như thời La Mã cổ đại, Octavian - con nuôi của Julius Caesar - đã lợi dụng một chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch để loại bỏ Marc Anthony, sau đó đổi tên thành Augustus và lên ngôi Hoàng đế.
Augustus có thể xem là một... bậc thầy truyền thông thời Hy Lạp cổ đại
Trong thế kỷ 20, khả năng kiểm soát thông tin phát triển mạnh hơn nhờ điện tín và các chiến dịch tuyên truyền, cổ động. Nó khiến cho thông tin trở thành một thứ đặc biệt quan trọng, nhất là trong 2 kỳ Thế chiến. Dĩ nhiên, các thông tin thường sẽ bị biến tướng khá nhiều, phụ thuộc vào mục đích của tổ chức đứng đằng sau.
Sau này khi phương tiện truyền thông đại chúng trở nên phát triển và khách quan hơn, dân chúng dễ dàng nhìn ra đâu là tin giả, đâu là tin đáng tin cậy. Các "fake news" vì thế cũng ít có đất dụng võ.
Nhưng mọi chuyện cũng chỉ yên bình cho đến khi internet và mạng xã hội bùng nổ.
Internet mạng xã hội - những nhân tố thay đổi cuộc chơi
Trước khi Internet xuất hiện và trở thành một công cụ phổ cập trên phạm vi toàn cầu, không dễ để lan truyền một luồng thông tin. Các chiến dịch tuyên truyền đều hao tổn rất nhiều tiền của, và bạn cũng sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng lòng tin, trong khi việc kiếm soát truyền thông cũng đơn giản, không gặp nhiều khó khăn.
Trong những năm đầu của Internet, mọi chuyện cũng không đến mức quá phức tạp. Chỉ đến khi mạng xã hội xuất hiện và bủng nổ, mọi rào cản mới bị phá vỡ. Facebook, Twitter, Instagram, Flickr, thậm chí là cả WordPress... tất cả đã trở thành nền tảng để thông tin được trao đổi với một lưu lượng lớn hơn trước rất nhiều.
nternet và mạng xã hội đã trở thành nền tảng để fake news bùng nổ
Bất kỳ ai cũng có thể khởi tạo một thông tin và lan truyền nó. Các luồng thông tin xuất hiện nhiều đến mức không thể kiểm soát. Và chỉ cần một phần thông tin trong đó bị bóp méo sự thật, chúng sẽ trở thành các "fake news" với tốc độ lan truyền cực kỳ nhanh.
Khái niệm "fake news" và sự "thiên biến vạn hóa"
Năm 2016 trong kỳ bầu của tổng thống, giới báo chí bắt đầu nhận ra có một làn sóng các câu chuyện bịa đặt được chia sẻ cực kỳ nhiều trên Facebook. Điều kỳ lạ là rất nhiều trang dường như được đăng bởi những người đến từ vùng Balkan tại châu Âu. Và sau khi BuzzFeed đưa ra báo cáo, mọi đầu mối đã dẫn đến Veles - một thị trấn nhỏ tại Macedonia.
"Người ta thích những câu chuyện của tụi này, còn tụi này kiếm tiền nhờ họ," - một "faker" vẫn đang trong độ tuổi "trẻ trâu mới lớn" trả lời BBC. "Ai quan tâm chúng là đúng hay sai sự thật chứ?"
Các thông tin lan truyền rất nhanh, nói về những thương vụ phi pháp của Hillary Clinton, về việc bà mắc rất nhiều bệnh tật. Tất nhiên, chúng đều là tin giả, nhưng hệ quả thì là thật. Đến tháng 12/2016, Hillary Clinton đưa ra khái niệm "fake news", nhắc đến chúng như một đại dịch truyền thông.
Không rõ ý của bà khi đề cập đến "fake news" là gì. Chỉ biết là sau đó vài tuần, cụm từ này được chính tổng thống đương nhiệm Donald Trump sử dụng để tuyên chiến với CNN, để rồi từ đó "fake news" trở thành một chủ đều cực kỳ gây tranh cãi trong giới truyền thông. Và hiện nay, khái niệm "fake news" được hiểu theo khá nhiều nghĩa.
Về cơ bản, fake news - tin giả - là các thông tin không đúng sự thật, nhưng biết vậy thôi thì chưa đủ. Vấn đề là ở chỗ các tin fake có thể xuất hiện ở rất nhiều dạng, với nhiều mục đích khác nhau mà không có bất kỳ giới hạn nào. Theo tác giả James Carson của Telegraph, có thể tạm chia nội dung fake news thành các loại như dưới đây:
- Tin tức định hướng thương mại: Những câu chuyện không phải để định hướng tư tưởng, nhưng cũng không phải sự thật. Chủ yếu là để tăng lưu lượng tiếp cận cho một website, từ đo gia tăng doanh thu đến từ quảng cáo.
- Tin tức sai lệch chính trị: Mục đích không phải để kiếm tiền, mà là tăng sự ảnh hưởng. Các tin tức thường được trộn lẫn một phần sự thật. Tuy nhiên, một nửa sự thật thì không phải sự thật.
- Tin tức fake trên mạng xã hội: Những bức ảnh kèm câu chuyện sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội hoặc Youtube.
- Tin châm biếm, hài hước: Mục đích chỉ để cho vui, nhưng vì tính chất không rõ ràng nên dễ bị lợi dụng, gây hậu quả nghiêm trọng.
... Và nhiều loại tin khác chưa liệt kê.
Đó là còn chưa tính đến những câu chuyện đến từ các luồng tin chính thống, nhưng rốt cục lại là tin sai lệch.
Điểm chung của các tin fake là những tin mang tính chất giật gân, với chủ đề và hình ảnh gợi tính đau xót, hoặc gây kích động. Cảm xúc bốc đồng từ người đọc bị lợi dụng, là nguồn cơn cho những cú click chia sẻ thiếu trách nhiệm, khiến sự lan tỏa của tin fake ngày càng mạnh hơn.
Ảnh hưởng của fake news đến mức nào?
Rất khó để biết chính xác, nhưng có thể nói là rất lớn. Facebook có 2 tỉ người dùng, Twitter tuy nhỏ bằng 1/10 nhưng cũng đến hơn 330 triệu tài khoản. Thời lượng chúng ta đang sử dụng mạng xã hội mỗi ngày chắc chắn là đủ để tiếp nhận cực kỳ nhiều luồng thông tin, và rủi ro tồn tại tin tức giả là rất cao.
Tin fake lan truyền trên mạng ảo, nhưng hậu quả chúng gây ra là thật. Một tin tức không được kiểm chứng đã vội lan truyền có thể dễ dàng hủy hoại danh dự của một người, gây ra những vụ đánh hội đồng, đập phá tài sản của người vô tội vì nghi ngờ người này có thể "thôi miên" và "bắt cóc". Hay bà hàng nước nọ, quán nước của bà suýt bị kéo đến sập tiệm chỉ vì một clip "Dùng nước rửa chân pha trà cho khách" được dàn dựng một cách công phu bởi những kẻ có mưu đồ xấu.
Nhưng ảnh hưởng của các tin fake không chỉ dừng lại ở đó. Mark Zuckerberg đã từng một lần cho rằng ý tưởng các tin fake trên Facebook gây ảnh hưởng đến kết quả chính trị là "điên rồ", nhưng sau đó đã phải rút lại câu bình luận này. Bởi lẽ, sức ảnh hưởng của mạng xã hội ở thời điểm hiện tại là không thể coi thường.
Theo thống kê của ĐH Stanford vào năm 2016, các website lan truyền tin fake tại Mỹ nhận được lượng tiếp cận cao kỷ lục - 159 triệu trong tháng diễn ra các sự kiện chính trị. Và theo một bài phân tích từ CNN thì bi kịch thay, tin fake và tin không được kiểm chứng lại là những thông tin nhận được sự lan tỏa mạnh mẽ nhất.
Biết rằng, sức lan tỏa và độ tiếp cận không đồng nghĩa với tầm ảnh hưởng cũng như lòng tin của công chúng. Tuy nhiên, James Carson cho rằng tin fake xuất hiện càng nhiều, lòng tin của người dân với các luồng thông tin chính thống sẽ giảm sút. Bởi lẽ, họ sẽ chẳng còn biết phải tin vào điều gì nữa cả.
Thế giới đã và đang làm gì trước "đại dịch tin fake"?
Trong những năm gần đây, Twitter, Facebook và Google nhận được vô số những chỉ trích vì không thể kiểm soát được sự lan tỏa của tin fake, cũng như để quá nhiều website lan truyền tin tức bịa đặt tồn tại. Trước sức ép của dư luận và chính phủ, họ cũng đưa ra được một số giải pháp.
Facebook - mạng xã hội được xem là quyền lực nhất hiện nay - cho biết họ đã tối ưu chức năng gắn cờ (flag) để người dùng tố cáo các thông tin thiếu kiểm chứng. Doanh thu quảng cáo của những trang đăng tin fake cũng sẽ bị cắt giảm, và cải thiện hệ thống rà soát các đường link định hướng.
Facebook đang cố gắng xóa bỏ "nghệ danh" xấu mà nhiều người đang đặt cho mình - Fakebook
Twitter thì đưa ra các giải pháp xử lý bot - hay robot mạng - là các ứng dụng phần mềm chạy tác vụ tự động hóa trên mạng. Các bot có thể được lập trình để lan truyền thông tin với tốc độ cực nhanh, nên đây có thể coi là nhân tố chính cho vô số các thông tin fake xuất hiện trên mạng xã hội này.
Và cuối cùng là Google, với lời hứa phát triển thuật toán phát hiện tin giả trên Youtube ngày càng tốt hơn.
Thế nhưng, chỉ trích vẫn ngày càng tăng lên, cho rằng các công ty công nghệ đang can thiệp chưa đủ. Theo James Carson, họ vẫn ngần ngại hành động, muốn giữ một vị trí trung lập, thay vì dấn quá sâu để rồi bị nhìn nhận là một công ty truyền thông. Như hiện tại, Facebook dù là một nền tảng truyền thông hết sức quyền lực, nhưng họ vẫn luôn từ chối danh xưng một công ty truyền thông để tránh một số ràng buộc về pháp lý.
Còn với thế giới, chính phủ các quốc gia cũng buộc phải có giải pháp để giải quyết bài toán "fake news" đang quá ngập tràn trong thời buổi kỹ thuật số phát triển quá mạnh. Bởi vậy, nhiều nước đã quyết định thông qua Luật an ninh mạng .
Luật an ninh mạng có thể xem là một tấm khiên pháp lý, mục đích là để bảo vệ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và chính phủ trên môi trường mạng internet. Hiện tại, có ít nhất 138 quốc gia trên thế giới đã thông qua đạo luật này, trong đó có Đức (7/2015), Mỹ (10/2015), Singapore (2017)...
Còn chúng ta, làm sao để sống sót giữa đại dịch tin fake thời 4.0?
Luật pháp, chế tài, hay bất kỳ thuật toán công nghệ nào cũng chẳng bằng được việc bạn phải tự bảo vệ mình. Chỉ là, làm được điều đó không dễ.
Một nghiên cứu vào năm 2017 của ĐH Stanford đã chỉ ra hiện thực đáng buồn, đó là sinh viên của trường hóa ra rất kém trong việc phân biệt, đánh giá các nguồn tin trên internet. Thông tin đó là quảng cáo, là lừa đảo, hay có hợp pháp hay không? Hầu hết đều cho điểm số dưới trung bình.
Nhưng dù khó đến đâu, chúng ta vẫn phải học được cách để tồn tại mà không biến thành con bò bị những kẻ tung tin đồn nhảm dắt mũi. Dưới đây là một số bước và dấu hiệu mà bạn nên nhìn vào để biết thông tin được chia sẻ có đáng tin cậy hay không.
1. Tiêu đề bài viết: Tiêu đề của các tin fake thường rất hấp dẫn, viết in hoa kèm dấu chấm than mang tính chất khẳng định. Nếu bạn thấy một tiêu đề nghe có vẻ khó tin, thì có lẽ nội dung của bài cũng vậy thôi.
2. Quan sát đường link: Đường link chứa tin fake thường mô phỏng lại một trang tin đáng tin cậy nào đó, chỉ khác một vài ký tự trong đường dẫn. Bạn nên chú ý kỹ ở điểm này, có thể vào chính trang tin đó để đối chiếu lại.
3. Kiểm tra nguồn tin: Cần đảm bảo rằng tin tức đến từ một nguồn đáng tin cậy.
4. Kiểm tra định dạng bài viết: Các tin tức fake thường không được chỉn chu, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp hết sức ngớ ngẩn. Ngoài ra, định dạng bài viết sẽ khá lộn xộn, không thống nhất.
5. Kiểm tra ảnh: Tin tức giả thường đi kèm ảnh và video để tăng sự tin tưởng. Tuy nhiên, đa số toàn là ảnh trên mạng, nên bạn cần làm thao tác tìm kiếm hình ảnh đó trên Internet để truy ra nguồn gốc của nó.
6. Kiểm tra thông tin thời gian: Tin fake có những mốc thời gian rất vô lý, thậm chí được sửa đổi hết sức trắng trợn.
7. Kiểm tra lại thông tin bằng chứng: Kiểm tra nguồn tin của tác giả về độ chính xác. Nếu thiếu bằng chứng, đó nhiều khả năng là tin fake.
8. Kiểm tra các trang tin chính thống: Nếu không có bất kỳ trang tin nào đăng tải, đó là dấu hiệu cho thấy đó là tin fake.
9. Xem lại tính chất nguồn tin: Đôi khi, người đọc có thể nhầm lẫn giữa một tin fake và một bài viết mang tính chất bông đùa. Hãy kiểm tra lại nguồn đăng tin.
10. Một số bài viết hết sức chặt chẽ, nhưng cố tình bóp méo sự thật. Cần phải có tư duy phản biện tốt để nhận biết tính khách quan và đáng tin cậy của bài viết, và hay share một cách có trách nhiệm.
Tham khảo: Telegraph, The Guardian
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI