Smartphone 3 GB RAM có phải là một sự lãng phí?
Chiếc Galaxy Note 3 được mong chờ ra mắt vào đêm mai có thể là smartphone sở hữu 3 GB RAM đầu tiên trên thế giới.
Với tốc độ phát triển chóng mặt, smartphone hiện nay đã rất khác so với ngày xưa. Không chỉ là hệ điều hành với nhiều tính năng hơn, cấu hình của những chiếc điện thoại giá lên tới chục triệu đồng cũng đang ngày càng được nâng cao với chip nhiều nhân tốc độ cao, màn hình lớn, pin khủng. Như một tất yếu, smartphone với 3 GB RAM đầu tiên đang rất được chờ đợi. Trước đó đã có thông tin cho rằng đó sẽ là một trong hai cái tên LG G2 hoặc Galaxy Note 3, nhưng khi LG G2 đã ra mắt thì cái tên được kỳ vọng chỉ còn lại một. Tuy nhiên, liệu chúng ta đã thực sự cần tới 3 GB RAM trên smartphone?
Giống như máy tính, RAM (Random Access Memory) là một trong những linh kiện quan trọng của smartphone bên cạnh vi xử lý hay màn hình. Nhiệm vụ của RAM là nơi trung gian lưu trữ các dữ liệu cần phải truy xuất nhanh của hệ thống như thông tin hệ điều hành, các ứng dụng .... Do đó, không thể phủ nhận RAM quyết định một phần tốc độ của smartphone và nếu thiếu RAM, hệ thống sẽ chạy rất ì ạch do phải lưu, xóa thông tin liên tục. Theo logic đó, có thể dễ thấy được rằng càng nhiều RAM cho smartphone thì các thông tin được lưu trữ càng nhiều và máy có thể chạy nhanh hơn. Nhưng điều này chỉ đúng được phần nào.
Thông thường, việc tăng "số GB" của RAM có hiệu quả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc hệ điều hành của mà smartphone sử dụng cần tới bao nhiêu RAM để hoạt động tốt. Dung lượng RAM chỉ cần vừa đủ so với nhu cầu của hệ thống là đủ để điện thoại của bạn chạy trơn tru, mượt mà. Các ứng dụng phổ biến trên smartphone thường không chiếm nhiều quá RAM giúp cho hệ thống có thể chạy nhiều chương trình cùng một lúc ở chế độ đa nhiệm. Khi RAM trở nên quá tải hoặc thiếu hụt để xử lý, hệ điều hành sẽ quyết định tắt một số ứng dụng chưa dùng tới để giải phóng RAM cho các ứng dụng khác.
Đó là lý do chính khiến cho Windows Phone và iOS có thể hoạt động mượt mà trên những thiết bị chỉ có 512 MB RAM trong khi đối với Android 4.0 vốn ngốn khá nhiều RAM, 512 RAM sẽ khó có thể đem lại hiệu năng đảm bảo. Do cơ chế hoạt động đa nhiệm khác với iOS và Windows Phone, Android sẽ cần một lượng lớn dung lượng RAM để đảm bảo hiệu năng khi máy chạy quá nhiều chương trình. Với Android 4.0, con số này thường là 1 GB. Các lo ngại RAM nhiều sẽ làm smartphone hao pin là không cần thiết do RAM chỉ chiếm một phần nhỏ trong tiêu thụ điện của smartphone so với vi xử lý và màn hình.
Tuy nhiên, sẽ có trường hợp mà hệ thống cần tới dung lượng RAM nhiều hơn. Đơn cử như khi xử lý những game đồ họa 3D nặng nề và hệ thống cần tới nhiều dung lượng RAM hơn để lưu trữ các thông tin về đồ họa, âm thanh của trò chơi. Mặc dù điều đó cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là khi xử lý các game nặng đó tốc độ RAM cần phải đủ nhanh để các thông tin được lưu trên đó được đọc nhanh hơn, qua đó cải thiện hiệu năng xử lý. Đó lại là một thông số khác của RAM mà người dùng phổ thông không mấy sành sỏi. Do vậy, dung lượng RAM nhiều trên smartphone chỉ để phục vụ nhu cầu xử lý nặng đến từ một phần nhỏ người dùng.
Ngoài ra, một smartphone Android sở hữu tới 3 GB RAM chắc chắn sẽ làm cho mức giá bị đội lên khá nhiều trong khi ở mức hiệu năng hiện tại 2 GB RAM đã là quá thừa thãi cho hầu hết các game khủng. Dường như đây chỉ là một cách để các nhà sản xuất dễ móc túi người dùng hơn cũng như dễ gây chú ý khi các siêu phẩm của họ ra mắt, chiếc Galaxy Note 3 đang được chờ đón vào đêm mai là một ví dụ điển hình. Chưa hết vì thành phần RAM của smartphone thường được đặt theo dạng SoC nên khi cố nhồi nhét các SoC RAM trên bo mạnh, các nhà sản xuất sẽ phải tính toán nhiều hơn để đảm bảo không gian linh kiện bên trong nhằm tối ưu độ mỏng. Họ cũng sẽ phải tính toán tới lượng nhiệt tỏa ra khi "áp" nhiều RAM hơn trên bo mạch chủ của điện thoại. Phần nhiều các điện thoại cao cấp, cấu hình mạnh hiện nay đều tỏa ra khá nhiều nhiệt lượng và chẳng khác gì một chiếc lò sưởi mini.
Tạm kết
Đến một lúc nào đó, 3 GB RAM trên smartphone sẽ trở nên thực sự cần thiết khi mà người dùng cần kết hợp chạy đa nhiệm nhiều ứng dụng cùng lúc hoặc làm việc cùng những "sát thủ phần cứng" chuyên ngốn RAM trên di động. Tuy nhiên, có lẽ một yếu tố quan trọng mà các nhà sản xuất cần hướng tới đó là sử dụng các bộ nhớ RAM tốc độ cao hơn chứ không phải tăng dung lượng RAM, bởi thực sự một bộ nhớ RAM tốt sẽ giúp người dùng chạy ứng dụng một cách tối ưu hơn cả trong khi thực tế chúng ta cũng ít khi sử dụng hết 3 GB RAM trên smartphone với các tác vụ cơ bản.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android