Một số cải tiến mà Google và các nhà sản xuất smartphone Android nên áp dụng đó là: - Chặt chẽ hơn trong quy trình kiểm duyệt một ứng dụng. - Đặt ra những yêu cầu tối thiểu cho phần cứng. - Thêm nhiều nội dung số cho Play Store. - Cập nhật nhanh các phiên bản Android. - Sử dụng nhiều tài khoản email với một hòm thư. - Đưa ra một dịch vụ lưu trữ đám mây như iCloud của Apple. - Cải tiến độ “nhạy” của màn hình cảm ứng. - Màn hình độ phân giải cao hơn. - Sử dụng các vật liệu tốt hơn để làm vỏ điện thoại. - Camera tốt hơn. |
Trên thị trường hiện nay có hàng tá điện thoại Android khác nhau đều được trang bị những tính năng cốt lõi cho phép người dùng truy cập vào các trang dịch vụ của Google như Google Docs, Gmail, Calendar và Google Maps. Hiện tại Google đang rất nỗ lực để cho ra mắt phiên bản mới của Android mang tên “Jelly Bean” vào dịp hè năm nay.
Mỗi smartphone sử dụng hệ điều hành Android hay iOS đều có những ưu khuyết điểm riêng. Các smartphone Android hoàn toàn có thể tận dụng những ưu điểm của đối thủ để giành phần thắng trong cuộc chiến không khoan nhượng này. Sau đây là 10 tính năng mà Google cũng như các nhà sản xuất điện thoại Android nên áp dụng nhằm tăng thêm lợi thế cạnh tranh đối với iPhone và các điện thoại chạy Windows Phone khác.
1. Chặt chẽ hơn trong quy trình kiểm duyệt một ứng dụng
Có hàng trăm ngàn ứng dụng của Android trong kho ứng dụng Google Play store. Người dùng khá khó khăn khi muốn tìm kiếm những ứng dụng yêu thích của mình. Quá trình kiểm duyệt lỏng lẻo của Google khiến kho ứng dụng dành cho Android có chứa khá nhiều ứng dụng độc hại. Vì vậy, quá trình xét duyệt ứng dụng cần được làm chặt chẽ hơn sẽ tiết kiệm được thời gian và tạo sự an toàn cho người dùng.
2. Đặt ra những yêu cầu tối thiểu cho phần cứng
Dòng điện thoại Android luôn bị người dùng kêu ca vì độ phân mảnh quá cao. Nguyên nhân là do Android là hệ điều hành mã nguồn mở, bất kỳ ai cũng có thể sửa đổi, cải tiến hay thay đổi giao diện một cách tùy ý. Một mặt nó cũng tạo ra sự yêu thích cho những vọc sĩ, nhưng mặt khác nó cũng làm cho cách sử dụng hệ điều hành Android không được thống nhất và đôi khi gây phiền phức cho người dùng.
Bên cạnh đó là các thiết bị chạy Android không được cập nhật cùng một lúc do sở hữu những cấu hình khác nhau gây ra hiện tượng rất nhiều thiết bị sử dụng phiên bản Android quá cũ và một số ít thiết bị sử dụng phiên bản Android mới nhất. Trước khi cho phép các nhà sản xuất thiết bị sử dụng hệ điều hành Android của mình, lẽ ra Google nên yêu cầu họ phải thỏa mãn một cấu hình phần cứng nhất định để giải quyết vấn đề phân mảnh.
3. Thêm nhiều nội dung số cho Play Store
Phải mất một thời gian dài kho ứng dụng của Googe mới cho phép người dùng truy cập thoải mái các nội dung số đa dạng khác như phim ảnh, âm nhạc, truyền hình và ebook. Chính vì thế mà người khổng lồ tìm kiếm cần phải cố gắng nhiều hơn để nâng cao chất lượng của kho ứng dụng Google Play Store đạt đến tầm của iTunes. Khi đó trải nghiệm của người dùng smartphone Android sẽ được nâng cao một cách đáng kể.
4. Cập nhật nhanh các phiên bản Android
Hàng năm mỗi khi Google tung ra một phiên bản Android mới thì phải mất vài tháng các nhà sản xuất thiết bị mới nâng cấp được phần mềm trên điện thoại của họ. Do vậy để có thể cạnh tranh tốt với iPhone thì Google và các nhà sản xuất smartphone Android chí ít cũng cần phải đảm bảo rằng những smartphone chủ lực như Nexus hay các siêu phẩm khác luôn được nâng cấp lên phiên bản mới nhất của Android nhanh nhất có thể.
5. Sử dụng nhiều tài khoản email với một hòm thư
Gmail trên Android của Google vẫn hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên người dùng Gmail vẫn mong muốn Google cho phép đồng bộ các tài khoản email vào cùng một hộp thư giống như trên iPhone. Điều này cho phép người dùng có thể kiểm tra thư mới một cách dễ dàng hơn.
6. Đưa ra dịch vụ lưu trữ đám mây như iCloud của Apple
Android hiện cho phép việc đồng bộ hóa các dữ liệu về liên lạc, lịch hẹn… thông qua tài khoản Google của người dùng. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn để người dùng có thể đồng bộ hóa âm nhạc, hình ảnh hay các ứng dụng giữa máy tính của người dùng với tất cả các thiết bị Android khác. Do vậy Google nên sớm đưa ra một dịch vụ lưu trữ đám mây tương tự với iCloud của Apple để nâng cao trải nghiệm của người dùng hơn. Mới đây, dịch vụ lưu trữ đám mây của hãng là Google Drive đã được chính thức ra mắt người dùng với nhiều đặc điểm nổi bật.
7. Cải tiến độ “nhạy” của màn hình cảm ứng
Hiện nay chưa có một thiết bị di động nào sở hữu được màn hình cảm ứng đạt đến độ cực nhạy cả. Nhưng nhìn chung thì các thiết bị iOS có màn hình cảm ứng nhạy hơn so với các nhiều thiết bị Android, một phần lý do đó đến từ việc hệ điều hành di động của Google khá nặng nề. Hy vọng rằng với các phiên bản tiếp theo, Google sẽ có thể làm cho Android trở nên mượt hơn hay các nhà sản xuất sẽ tìm ra công nghệ mới để màn hình cảm ứng có độ trễ thấp hơn.
8. Màn hình độ phân giải cao hơn
Màn hình Retina của Apple là một trong những đặc điểm khiến người sử dụng Android phải "thèm thuồng", các nhà sản xuất điện thoại cũng nên tính đến việc đưa màn hình cảm ứng độ phân giải cao vào các sản phẩm của mình để chiều lòng các thượng đế.
9. Sử dụng các vật liệu tốt hơn để làm vỏ điện thoại
Người dùng luôn cảm thấy bị hớp hồn bởi vẻ ngoài đơn giản mà không kém phần sang trọng của iPhone. Trong khi đó rất nhiều điện thoại Android hiện nay, đặc biệt là các sản phẩm của Samsung lại sử dụng lớp vỏ bằng nhựa gây ra cảm giác khá mỏng manh và thiếu chắc chắn. Một trong những mong muốn của người dùng dành cho hãng công nghệ Hàn Quốc đó hãng này nên sử các chất liệu khác như kim loại, kính hoặc nhựa polycarbonate để chế tạo vỏ cho điện thoại nhằm tăng cường độ bền cũng như tính thẩm mỹ của smartphone Samsung.
10. Camera tốt hơn
Galaxy Nexus có một camera 5 MP tương đối tốt với khả năng quay video 1080p HD. Nhưng chất lượng hình ảnh của nó vẫn còn thua kém iPhone 4S khá nhiều. Nếu chất lượng camera của các phiên bản Nexus tiếp theo được cải tiến thì đó sẽ là một điều thật tuyệt vời. Các con át chủ bài của Android hiện nay đều được trang bị những camera có độ phân giải cực cao nhằm đấu lại được với iPhone.
Tham khảo: BusinessInsider