"Smartphone tại VN dùng giải trí, ở Trung Quốc để sống sót"
Cách chọn mua điện thoại và định vị các thương hiệu của người dùng Trung Quốc khá gần gũi với người Việt Nam, nhưng lại có sự khác biệt trong cách sử dụng do khác biệt công nghệ.
Li Jiao, một người làm marketing trong lĩnh vực di động tại Bắc Kinh, Trung Quốc, từng có 2 năm làm việc tại thị trường Việt Nam, đã chia sẻ với Zing.vn góc nhìn của anh về thói quen sử dụng smartphone của người dùng giữa hai đất nước được cho là gần gũi về mặt con người.
Một làn đường dành riêng cho những người vừa đi bộ "dán mắt" vào smartphone ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: TWP.
Đều 'cuồng' thương hiệu Nokia
"Nokia là giấc mơ của thế hệ sinh ra và lớn lên trong những năm 1980-1990. Nó là ước mơ lẫn hoài niệm. Một trong những người bạn của tôi, lúc đó là kỹ sư, sẵn sàng đến Nokia làm việc không lương chỉ để có thêm kinh nghiệm tại một công ty mà chúng tôi đều yêu mến. Và tất nhiên, chuyện đó không thể kéo dài được (cười)", Li Jiao bắt đầu với một câu chuyện để nói về điểm chung. Anh cho rằng, tại Việt Nam lẫn Trung Quốc, Nokia luôn có nghĩa là "chất lượng cao". "Nó không giống những thương hiệu smartphone ngày nay, khi một chiếc điện thoại chỉ dùng được từ 6 tháng đến một năm là đã lỗi thời hoặc xuống cấp".
"Cũng như Việt Nam, rất nhiều người dùng ở Trung Quốc từng buồn bã vì Nokia ngừng kinh doanh di động. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người tiếp tục mua smartphone của Nokia để ủng hộ nếu hãng này quay lại thị trường, giữ nguyên chất lượng", Li Jiao nhận định.
Qua những nguồn tin từ Trung Quốc, chuyên gia này cho biết có thể Nokia sẽ quay lại thị trường vào quý IV/2016 với một smartphone chạy Android. "Họ từng có một nhà máy ở Đông Quảng (phía Nam Trung Quốc) và một nhà máy ở Thiên Tân (phía Bắc). Sau khi bán mảng di động cho Microsoft, hai nhà máy này đã đóng cửa, nhưng có thể Nokia sẽ ký kết với Foxconn để gia công, lắp ráp smartphone mới", Li Jiao tiết lộ.
'Nhiều lựa chọn, nhưng cách mua smartphone khá giống nhau'
Theo Li Jiao, Trung Quốc là một thị trường cực lớn với nhiều thương hiệu mạnh như Huawei, Xiaomi, Meizu, Lenovo,...Tại một số nước châu Phi, những thương hiệu mới hơn như Infinix, Tecno chiếm thị phần dẫn đầu, nhưng tại Trung Quốc, ngay cả Apple cũng không làm chủ tất cả, dù họ đang chiếm thế thượng phong ở đất nước tỷ dân.
"Từ trẻ con cho đến người già đều có những phân khúc phù hợp và cách chọn điện thoại cũng rất khác. Nhưng căn cứ vào số liệu từ IDC và những quan sát của cá nhân tôi, cách chọn mua smartphone của người dùng Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng", Li Jiao cho biết. Theo ông, mức giá trên hiệu năng (Price - Performance ratio) và kiểu dáng vẫn là hai thước đo chính để người dùng quyết định mua một chiếc smartphone. Tuy nhiên, họ mua và sử dụng như thế nào lại là một câu chuyện khác nhau.
Người dùng smartphone ở Trung Quốc khác gì so với Việt Nam?
Cùng yêu Nokia trong quá khứ và cuồng Apple ở thời điểm hiện tại, chung quan điểm trong việc chọn mua smartphone, nhưng theo Li Jiao, cách sử dụng điện thoại của người Việt và người Trung Quốc có đôi chút khác biệt. Khác biệt này thuộc về hạ tầng công nghệ.
Người Việt dùng smartphone, tablet để lên mạng tại một quán cà phê vỉa hè Hà Nội. Ảnh: CNET.
"Tại Việt Nam, smartphone được dùng như một chiếc điện thoại kết nối Internet, còn ở Trung Quốc, smartphone là thứ đôi khi bắt buộc phải có để người ta bước chân vào đời sống số", chuyên gia đến từ Bắc Kinh nhận định.
Vậy khác biệt giữa phép toán "điện thoại Internet" ở Việt Nam và đẳng thức "smartphone = đời sống số" ở Trung Quốc là gì? Mới nghe qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng cả hai là một. Đời sống số và Internet thường được đánh đồng, nhưng thực tế không phải vậy.
Theo cách lý giải của Li Jiao, tại Việt Nam, đa phần người dùng smartphone để lên các trang mạng xã hội và sử dụng các dịch vụ từ Internet như xem phim, nghe nhạc, chơi game và đôi khi là giao dịch qua mạng. Nhưng tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh,... người ta buộc phải có một chiếc smartphone để "sống sót" qua một ngày ở đó. Mọi thứ đều có thể được giải quyết bằng một chiếc smartphone.
Khi đó, smartphone giúp người dùng thanh toán tiền taxi, tiền đi siêu thị, tiền ăn ở nhà hàng, xem phim,... và điều khiển smart-home (nhà thông minh). "Hãy tưởng tượng 15 phút trước khi về nhà, bạn có thể bật smartphone lên và kích hoạt điều hoà nhiệt độ từ xa. Khi về đến nhà, bạn có thể tận hưởng một bầu không khí mát mẻ", Li Jiao tiếp lời.
Theo chuyên gia này, tuy cùng một phần cứng, cùng là một chiếc điện thoại, nhưng đặt ở hai môi trường khác nhau sẽ có cách sử dụng khác nhau. Khái niệm smartphone là trung tâm của đời sống số cũng tương đồng với nhiều nước phát triển khác như Mỹ, Canada và nhiều nước Châu Âu. Câu chuyện này không còn dừng ở cấp độ người dùng nữa, mà phụ thuộc vào sự phát triển công nghệ của từng quốc gia.
Theo Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"