Smartphone và hệ lụy trong công việc

    LK, LK 

    Smartphone có thể "giúp" bạn thành thất nghiệp.

    Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu “chạm đáy”, đi cùng với sự sa sút của các nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cũng ngày một tăng cao. Vì thế, việc tìm cho mình một công việc phù hợp luôn là ưu tiên hàng đầu của mỗi sinh viên khi tốt nghiệp, nhất là trong thời kỳ khó khăn như ngày nay. Thế nhưng, tỷ lệ các ứng viên đạt yêu cầu của các nhà tuyển dụng ngày một giảm sút. Và di động được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

    Smartphone và hệ lụy trong công việc 1

    Một cuộc khảo sát mới đây được tiến hành với 500 sinh viên mới tốt nghiệp đến từ nhiều trường đại học trong cả nước. Kết quả thật đáng buồn: hơn 80% số này không thể đáp ứng được những tác phong chuyên nghiệp cần có của một nhân viên tại công sở, một số thậm chí còn chưa có ý định tìm kiếm việc làm (không kể tới những người có nguyện vọng theo đuổi các khóa học sau đại học). Bên cạnh những yếu kém về chuyên môn, việc phân tán tư tưởng bởi các thiết bị di động cũng là một nguyên nhân không cần phải tranh cãi.  

    Smartphone và hệ lụy trong công việc 2

    Thực tế thì tình trạng này đang dần trở nên phổ biến trên toàn cầu. Ngay cả đối với nước Mỹ, trung tâm kinh tế tài chính của thế giới, xu hướng này cũng không phải là một ngoại lệ.

    “Sinh viên ĐH ngày nay được tiếp xúc với các thiết bị di động nhiều đến nỗi mà họ chẳng thể nhận ra tablet và smartphone đang làm đảo lộn cuộc sống của họ. Email, tin nhắn không chỉ khiến sinh viên bị phân tán tư tưởng trong quá trình học, chúng còn làm giảm đáng kể kỹ năng giao tiếp xã hội.” – Pamela Eyring, hiệu trưởng một trường ĐH tại Washington, Mỹ cho biết.

    Smartphone và hệ lụy trong công việc 3

    Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi cuộc khảo sát mới đây nhất của Yahoo Hot Jobs cho thấy, hơn 1/3 số sinh viên trên tổng số 5.000 người tham gia thừa nhận rằng họ thường xuyên sử dụng di động để gửi email và tin nhắn trong giờ học. Và điểm số trung bình của những sinh viên này cũng thấp hơn những người không có thói quen ở trên.

    Thế nhưng, dù sao đó cũng là câu chuyện của nước Mỹ, một quốc gia giàu mạnh bậc nhất thế giới, năng suất lao động của sinh viên họ vốn dĩ cũng đã rất cao!!! Điều đáng buồn ở đây là xu hướng này cũng đang ảnh hưởng tới một quốc gia còn nghèo như chúng ta. Ngày ngày báo chí vẫn thường đưa tin người Việt ta cần cù, năng động, sáng tạo, biết tiếp thu những cái mới và đón đầu công nghệ. Thế nhưng, nếu như những cái “tiếp thu” và “đón đầu” ấy chỉ đơn giản là chơi game, lướt web và xem phim trên smartphone và tablet, niềm tự hào ấy có lẽ cần phải xem xét lại. Và “cái giá phải trả” cho mỗi sinh viên như thế là không hề nhỏ.

    Smartphone và hệ lụy trong công việc 4
    Bạn có muốn mình tạo nên sự khác biệt giữa vô vàn những ứng viên khác?

    Một thống kê cho thấy, trong môi trường làm việc, những kỹ năng mềm như “eye contact”, "body language", phong thái bên ngoài và kỹ năng giao tiếp mới là những yếu tố quan trọng nhất để nhà tuyển dụng đánh giá các ứng viên tiềm năng. Những kỹ năng mềm này chiếm tới hơn 85% của khả năng xin việc thành công. Làm bạn với chiếc điện thoại quá lâu, sinh viên ĐH đã vô tình vứt bỏ đi 85% thành công của cuộc đời mình. Nếu là bạn, liệu bạn có tiếc không?

    Chính vì thế, thay vì cập nhật quá mức trang facebook, hãy dành chút thời gian quý báu đó để “trau chuốt” lại CV, thư giới thiệu và lá thư xin việc của bạn. Đừng tốn thêm thời gian cho những bức ảnh “tự sướng” bằng điện thoại, mà thay vào đó, hãy chụp cho mình một bức ảnh hồ sơ thật ưa nhìn và chuyên nghiệp.

    Smartphone và hệ lụy trong công việc 5

    Bạn cũng nên nhớ rằng, khi đã trở thành một nhân viên chính thức, tắt điện thoại trong giờ làm việc gần như là một điều bắt buộc. Vậy nên, hãy rèn luyện cho mình thói quen này ngay từ lúc này. Bên cạnh việc tránh xa sự cuốn hút của chiếc điện thoại, hãy tập thói quen đúng giờ. Điều này là không bao giờ thừa ở nơi công sở.

    Kỹ năng giao tiếp kém sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của bạn.

    Có lẽ bạn đang cười và hỏi rằng: “Thế đối với những nhà thiết kế di động và lập trình IT thì sao nhỉ?” Vâng, nếu như bạn là một người dành cả cuộc đời của mình để sản xuất ra những chiếc điện thoại, chẳng ai cấm bạn làm bạn với chúng 24/24 cả. Thế nhưng liệu trong số những sinh viên tốt nghiệp và đang vật lộn tìm kiếm việc làm, có bao nhiều phần trăm sẽ làm trong lĩnh vực này. Đó là còn chưa kể tới việc, dù bạn có là một nhà lập trình iOS hay Android tài ba đi nữa, liệu có phải lúc nào bạn cũng nhìn chằm chằm vào màn hình chiếc điện thoại hay không? Tôi dám cá rằng, khi bạn đang “vắt óc” cho những dòng code thần kỳ của mình, bạn sẽ chẳng muốn những thứ như notification làm phân tâm đâu.

    Smartphone và hệ lụy trong công việc 6

    Tôi đã được nghe rất nhiều từ nhiều người bạn của mình nói rằng, thời đại ngày nay là thời đại giao tiếp thông qua mạng xã hội, vì thế “đầu tư” thời gian cho các mạng xã hội của mình cũng là điều đúng đắn. Bạn dùng thời gian của mình để làm gì, chẳng ai có quyền cấm bạn. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi mình đã trau chuốt cho mạng xã hội của mình một cách “chuyên nghiệp” hay chưa?

    LinkedIn - Một cái tên còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

    Có lẽ chỉ trừ LinkedIn ra – mà tôi tin rằng cái tên này ở Việt Nam khá ít người biết đến – sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào muốn biết về trang mạng xã hội của bạn. Có một câu nói rất hay rằng:“MySpace là một quán bar, Facebook là nơi nướng thức ăn ngoài trời còn LinkedIn là một văn phòng.” Đã khi nào bạn nghĩ rằng mình sẽ gia nhập vào một mạng lưới chỉ dành cho giới đi làm, để tự hào đăng tải CV của mình lên và biết đâu sẽ có một ngày bạn nhận được cuộc gọi từ một công ty nào đó. Hay bạn chỉ đơn giản nghĩ rằng mạng xã hội là nơi để bạn thư giãn, xả nỗi buồn bực cá nhân, “chém gió” với bạn bè hay tự huyễn hoặc bản thân qua những bức hình “xì tin” vô nghĩa? Liệu có nhà tuyển dụng nào muốn xem những thông tin “không cần thiết” đó của bạn không?

    Smartphone và hệ lụy trong công việc 7
    Hãy nói "Không" với smartphone trong giờ làm việc.

    Bài viết này không nhằm mục đích đả kích bất kỳ mạng xã hội nào mà chỉ muốn đưa ra một vài lời khuyên cho những ai đang ở ngưỡng cửa của cuộc đời. Dù bạn có đang sử dụng smartphone hay không, hãy sử dụng quỹ thời gian của mình một cách thật đúng đắn và hợp lý. Khủng hoảng kinh tế làm cho hành trình tìm việc trở nên gian nan hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể. Hãy đặt chiếc smartphone sang một bên và học cho mình những kỹ năng sống và làm việc cần thiết, đừng vô tình biến chiếc điện thoại thân thiết trở thành vật cản trở bạn đến với thành công, bạn nhé.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ