So găng thiết kế 2 cái tên nổi bật nhất phân khúc tầm trung Galaxy J7 Pro và OPPO F3: Kẻ chín lạng, người hơn nửa cân
Cùng mức giá 6.99 triệu đồng, cùng màn hình 5.5 inch và bộ vỏ nhôm nguyên khối, Galaxy J7 Pro và OPPO F3 có những đặc điểm gì giống và khác nhau về thiết kế. Hãy cùng tìm hiểu!
Ngay khi Galaxy J7 Pro được công bố, máy đã nghiễm nhiên trở thành một trong những chiếc smartphone nổi bật nhất phân khúc. Đối thủ không hề kém cạnh của nó là OPPO F3 cũng mới bán ra cách đây không lâu.
Cả Galaxy J7 Pro và OPPO F3 hiện đều có giá 6.99 triệu đồng. Chúng có phần cứng và phần mềm rất khác nhau và nhấn mạnh vào những tính năng khác nhau. Tuy nhiên, bài viết này sẽ không bàn tới các vấn đề đó. Chúng ta sẽ chỉ so sánh thiết kế của hai mẫu máy mà thôi.
Galaxy J7 Pro và OPPO F3 có mặt trước rất tương đồng.
Nhìn thoáng qua mặt trước, Galaxy J7 Pro và OPPO F3 trông gần như tương đồng. Chúng có cùng kích thước tổng thể, cùng màn hình 5.5 inch, các góc máy bo tròn, mặt kính 2.5D và phím Home bầu dục phía dưới. Điểm khác biệt rõ rệt nhất nằm ở logo Samsung và đèn flash LED trên J7 Pro.
Galaxy J7 Pro bo tròn nhiều hơn và có logo Samsung phía trước.
Phím Home của hai máy có hình dạng giống nhau nhưng trên J7 Pro thì bấm được, còn OPPO F3 là dạng cảm ứng và bóng bẩy hơn một chút. Hai phím điều hướng hai bên có vị trí giống nhau nhưng ở F3 có đèn nền, trong khi J7 Pro lại không có.
Phím điều hướng của Galaxy J7 Pro không có đèn nền, còn F3 thì có.
So sánh các chi tiết trên khung viền hai máy.
Hai chiếc máy trong bài viết này đều là phiên bản màu đen nhưng lại có sắc độ khác nhau. Trong khi OPPO F3 có sắc đen hơi pha ghi thì J7 Pro lại có pha một chút ánh xanh tím. Điều này thực tế chỉ nhận ra khi đặt hai máy cạnh nhau mà thôi.
Sắc đen của J7 Pro có pha một chút xanh tím, còn F3 thì là đen xám.
Mặt lưng của chúng đều được gia công nhám nhưng có vẻ như Galaxy J7 Pro dễ bám vân tay hơn.
Galaxy J7 Pro có thiết kế dải nhựa phân tách sóng hoàn toàn mới, trông khá thú vị mà không phá hỏng tổng thể. Ngược lại, OPPO F3 thì vẫn sử dụng cách chia mặt lưng ra làm 3 phần, chỉ ở giữa là nhôm còn hai đầu là nhựa. Hai phần nhựa này còn có sắc độ màu đen khác hẳn phần nhôm nên trông không được đẹp cho lắm.
Dải nhựa của J7 Pro chìm hơn, còn của F3 thì lệch hẳn màu so với lưng máy.
Có một điểm cộng nho nhỏ cho Galaxy J7 Pro là phiên bản màu xanh ánh bạc. Màu này nhìn rất tươi mát, trẻ trung, phù hợp với giới trẻ hơn. Về phần OPPO F3, máy chỉ có 3 phiên bản màu mà cũng không mới mẻ cho lắm. Hy vọng rằng hãng sẽ ra mắt phiên bản màu nào đó khác ấn tượng hơn.
Phiên bản màu đen của 2 máy rất "bình thường", không tạo được điểm nhấn nào cả.
Mặt lưng của J7 Pro giờ đã được làm mới hoàn toàn. Cụm camera của máy giờ không còn lồi lên nữa, nhưng đã bị thay đổi về hình dạng. Thực tế thì nhiều người có vẻ không thích kiểu mới này nhưng với tôi thì nó không có gì đáng chê cả, thậm chí là còn hợp với dải nhựa hình chữ U phía trên hơn là camera vuông.
Thiết kế camera hoàn toàn khác biệt.
Cụm camera của OPPO F3 thì lại rất "truyền thống". Chúng vẫn có phần viền lồi, nằm ở góc và một đèn flash LED kế bên - một phong cách rất "an toàn", không khác biệt.
Soi kĩ hơn cụm camera của hai máy.
Cảm giác cầm nắm của hai máy cũng không hề giống nhau. Trong khi Galaxy J7 Pro khá nặng, đầm tay thì OPPO F3 lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Cá nhân tôi cảm thấy thích hơn khi cầm OPPO F3 vì máy nhẹ dù mặt lưng có cảm giác hơi "rỗng" bên trong, còn J7 Pro thì cầm lâu ở một tư thế sẽ thấy hơi mỏi ngón tay một chút.
Nhìn chung, thiết kế của cả Galaxy J7 Pro và OPPO F3 đều đã rất đẹp đối với một thiết bị tầm trung. Trong khi J7 Pro mang một phong cách đổi mới hơn, khác lạ hơn thì OPPO F3 lại đẹp một cách truyền thống.
Những bài so sánh, đánh giá chi tiết của hai "siêu phẩm tầm trung" này sẽ sớm được đăng tải trong thời gian tới. Hãy cùng chờ đón nhé.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời