Số phận khác biệt của 3 'ngôi sao công nghệ' ĐNÁ: Grab, GoTo mãi loay hoay với câu hỏi 'bao giờ có lãi', công ty mẹ Shopee thay đổi vận mệnh ngoạn mục

    Vân Đàm,  

    Grab, Sea và GoTo vốn được coi là những nhà vô địch công nghệ ở Đông Nam Á nhưng hiện đang có số phận khác nhau.

    Tờ Nikkei mở đầu bài viết nhận định, những "ngôi sao công nghệ" lớn nhất Đông Nam Á như Grab, GoTo, Sea đều đang phải đấu tranh để giữ vững sự tỏa sáng trong mắt các nhà đầu tư. Trên thực tế, áp lực phải chứng minh lợi nhuận đang gia tăng từ phía nhà đầu tư khiến nỗ lực cắt giảm chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp này dường như là chưa đủ.

    Tâm trạng thận trọng tăng cao do căng thẳng địa chính trị và môi trường kinh tế vĩ mô mong manh cũng đang ảnh hưởng đến các công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm vốn. Hoạt động huy động vốn trong khu vực này đã giảm một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2024.

    Cổ phiếu của Grab Holdings và GoTo của Indonesia lần lượt giảm 2% và gần 40% trong năm nay mặc dù công bố mức lỗ nhỏ hơn trong kết quả kinh doanh quý 2. Trong khi đó, Sea đã chứng kiến giá cổ phiếu của mình tăng gấp đôi trong năm nay nhưng vẫn thấp hơn 75% so với mức đỉnh vào tháng 11/2021.

    Số phận khác biệt của 3 'ngôi sao công nghệ' ĐNÁ: Grab, GoTo mãi loay hoay với câu hỏi 'bao giờ có lãi', công ty mẹ Shopee thay đổi vận mệnh ngoạn mục- Ảnh 1.

    "Các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao các công ty có thể phát triển thị trường mục tiêu của họ một cách có lãi", Ranjan Sharma, người giám sát nghiên cứu vốn cổ phần công nghệ Đông Nam Á tại JPMorgan nói với Nikkei Asia. "Các công ty đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các khoản đầu tư và tuyên bố về tăng trưởng có lãi cũng như cơ hội thị trường của họ".

    Grab, Sea và GoTo vốn được coi là những nhà vô địch công nghệ trong ASEAN. Tuy nhiên, gần đây họ đã gặp phải "những phản ứng khác nhau của thị trường" làm nổi bật nhận thức khác nhau của các nhà đầu tư về triển vọng của họ", David Materazzi, giám đốc điều hành của nhà cung cấp phần mềm giao dịch Galileo FX cho biết.

    "Sea được coi là có mô hình kinh doanh mạnh mẽ và có khả năng mở rộng hơn, mặc dù có nhiều thách thức, nhưng dường như gần đạt được lợi nhuận bền vững hơn", Materazzi nói với Nikkei. "Tuy nhiên, Grab và GoTo được coi là đang ở trong tình thế bấp bênh hơn. Các chiến lược hiện tại của 2 công ty này vẫn chưa thuyết phục được thị trường về khả năng tạo ra lợi nhuận ổn định.

    Grab báo cáo rằng khoản lỗ hoạt động của công ty đã giảm 68% trong quý 2, tính theo năm, xuống còn 56 triệu USD. Nhưng Giám đốc tài chính Peter Oey đã từ chối đưa ra nhận định xem khi nào công ty có thể có lãi.

    "Chúng tôi chưa đưa ra hướng dẫn về thời điểm sẽ làm được điều đó", Oey nói với Nikkei sau khi kết quả quý 2 của Grab được báo cáo. "Sẽ có thêm hướng dẫn về thời điểm đạt lợi nhuận ròng - quan điểm về thu nhập ròng nhưng trọng tâm hiện tại của chúng tôi là cải thiện EBITDA".

    Cách Sea, Grab và GoTo được đánh giá về triển vọng lợi nhuận cho thấy sự hoài nghi đối với các công ty khởi nghiệp ở ASEAN từng nhận được lượng vốn đầu tư lớn nhưng vẫn chưa thể tạo ra tiền.

    Tuy nhiên, các nhà phân tích từ đơn vị Nghiên cứu toàn cầu của HSBC tin rằng công ty có năng khiếu về "các sản phẩm sáng tạo" như các chương trình chia sẻ chuyến đi và các gói đăng ký cho các nhánh kinh doanh của mình có thể "thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cao hơn trong tương lai", mặc dù rủi ro vẫn còn.

    "Một rủi ro có thể xảy ra là chi phí vốn tăng vì Grab là cổ phiếu có thời hạn dài và định giá của công ty khá nhạy cảm với những thay đổi về chi phí vốn", các nhà phân tích đã viết trong một lưu ý nghiên cứu.

    GoTo được niêm yết tại Indonesia, giống như Grab, cung cấp nền tảng siêu ứng dụng cạnh tranh với các dịch vụ tương tự, cho biết khoản lỗ trong quý 2 đã giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Các nhà phân tích cho biết GoTo phải làm nhiều hơn ngoài nỗ lực thu hẹp khoản lỗ và công ty cần trở nên cạnh tranh hơn và cải thiện các yếu tố cơ bản để bắt đầu kiếm được tiền.

    "Bộ kết quả này cho thấy hoạt động kinh doanh theo yêu cầu còn lại vẫn đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ", Jianggan Li, Tổng giám đốc điều hành của công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore nói với Nikkei. "GoTo vẫn cần phải gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các nhà đầu tư về khả năng tài chính của mình".

    Theo Marcus Wolter, Giám đốc công ty luật tư vấn doanh nghiệp Caldwell, thách thức của GoTo là tích hợp các ngành kinh doanh trên khắp lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe và dịch vụ tài chính một cách hiệu quả như một tiền đề cho lợi nhuận bền vững.

    "Thị trường có thể hoài nghi về khả năng đạt được sự hiệp lực giữa các hoạt động này của GoTo, đặc biệt là khi xét đến áp lực cạnh tranh ở Indonesia", Wolter nói với Nikkei.

    Ngược lại, Sea của Singapore, công ty điều hành các doanh nghiệp thương mại điện tử và trò chơi, đã có sự thay đổi vận mệnh sau khi chứng minh được mức lợi nhuận kỷ lục.

    Thu nhập ròng trong quý 2 đạt 79,9 triệu USD. Công ty niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York lần đầu tiên công bố lợi nhuận theo quý vào quý cuối cùng của năm 2022.

    Công ty kỳ vọng nền tảng mua sắm trực tuyến Shopee – mảng kinh doanh lớn nhất của tập đoàn sẽ tạo ra giá trị bán hàng lớn hơn trong năm nay so với tuyên bố trước đó vào tháng 3.

    "Theo quan điểm của chúng tôi, Sea là một công ty internet riêng biệt ở Đông Nam Á, có thế mạnh cạnh tranh trong trò chơi trực tuyến và mua sắm trực tuyến", đơn vị nghiên cứu vốn chủ sở hữu của Jefferies lưu ý trong một báo cáo sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 2. "Nền tảng mua sắm trực tuyến Shopee của công ty rất nổi tiếng và đang tăng trưởng nhanh chóng, với sự gia tăng về hiệu quả hoạt động và kiếm tiền".

    Số phận khác biệt của 3 'ngôi sao công nghệ' ĐNÁ: Grab, GoTo mãi loay hoay với câu hỏi 'bao giờ có lãi', công ty mẹ Shopee thay đổi vận mệnh ngoạn mục- Ảnh 2.

    Cách Sea, Grab và GoTo được đánh giá về triển vọng lợi nhuận cho thấy sự hoài nghi đối với các công ty khởi nghiệp ở ASEAN từng nhận được lượng vốn đầu tư lớn nhưng vẫn chưa thể tạo ra tiền. Trong khi đó, hoạt động gây quỹ ở Đông Nam Á hiện đã suy yếu vì các nhà đầu tư tổ chức vẫn còn kén chọn khi đặt cược vào các doanh nghiệp chưa được chứng minh.

    Một báo cáo của DealStreetAsia về sáu tháng đầu năm nay cho thấy tổng giá trị tiền huy động vốn cổ phần từ các giao dịch khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã giảm 36% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 2,29 tỷ USD - mức thấp nhất trong hơn 5 năm.

    Công ty phân tích GlobalData nhấn mạnh rằng tại Châu Á - Thái Bình Dương, các giao dịch đầu tư mạo hiểm với các vòng gọi vốn được công bố đã giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm.

    "Những thách thức về kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị dường như đã tác động đến niềm tin của nhà đầu tư", Aurojyoti Bose, nhà phân tích chính tại GlobalData cho biết trong một lưu ý trong tháng này. Vị chuyên gia cũng đồng thời chỉ ra rằng "hầu hết các vòng gọi vốn được công bố trong khu vực đều ghi nhận mức giảm về khối lượng".

    Theo: Nikkei

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ