So quạt không cánh kiểu Tây giá 13 triệu với quạt cây truyền thống: Đẹp hơn, tính năng xịn hơn mà cái quan trọng nhất thì chẳng bằng
Có lẽ quạt không cánh kiểu phương Tây cũng chỉ nên dùng ở “bển” thôi, chứ đem về Việt Nam thì chẳng phù hợp cho lắm?
Mùa hè đến, ngoài máy lạnh hay các loại đồ gắn mác điều hòa thì cả quạt kiểu truyền thống cũng được tìm mua hơn cả. Mấy món này làm mát tốt, tiết kiệm mà hoạt động ổn định gần như không có gì để phàn nàn.
Thế nhưng, khoảng thời gian gần đây, nhiều người Việt bắt đầu chuyển sang tìm mua các loại quạt không cánh với thiết kế cực kì đặc biệt, đẹp mắt và độc đáo. Chúng thường được quảng cáo là cho khả năng thổi gió ấn tượng cùng bộ vỏ hiện đại, tối giản và cực kì an toàn với gia đình có trẻ nhỏ. Ngoài ra, các loại cao cấp với giá lên tới cả chục triệu đồng còn có thêm hàng loạt tính năng hay ho khác nữa.
Quạt cây truyền thống so với quạt không cánh hiện đại, chuẩn "Tây" thì thế nào?
Quảng cáo nghe như rót mật vào tai vậy, nhưng sự thật thì có được như thế không? Chúng tôi đã tìm được một chiếc quạt không cánh thương hiệu Dyson đến từ Anh Quốc, tên model là TP02, giá bán hiện đang vào khoảng 13 triệu cho hàng xách tay.
Giá cao là vậy, hẳn chiếc quạt này cũng phải có gì đó hay ho lắm nhỉ? Đúng thế, vì ngoài việc thổi được gió ra thì quạt Dyson TP02 còn tích hợp bộ lọc bụi mịn, khử mùi ở dưới đế, cộng thêm khả năng điều khiển qua Wifi và vài chế độ gió độc lạ khác.
So sánh quạt không cánh Dyson 13 triệu với quạt cây truyền thống.
Nhưng, nếu đem so với kiểu quạt cây thì thế nào, khi mà nhiều loại bây giờ thiết kế cũng đã đủ “sang - xịn - mịn” và đi kèm hàng tá tính năng khác, cộng thêm mức giá thường chỉ bằng 1 góc của quạt không cánh Dyson thôi?
Thiết kế: Quạt không cánh "ăn đứt", nhưng quạt cây cũng "không phải dạng vừa"
Nếu có một ngôi nhà đẹp thật đẹp, thiết kế nội thất sang trọng, cao cấp, thì hẳn là ai cũng muốn đặt thêm một chiếc quạt không cánh vào cho hợp tông. Còn chiếc quạt bàn thì dù có được nâng cấp về thiết kế đến mấy thì trông vẫn rất cổ điển, không còn phù hợp với xu hướng hiện đại, tối giản.
Quạt không cánh vừa nhỏ gọn, thiết kế hiện đại tối giản hợp với xu hướng nội thất hiện tại.
Không chỉ thế, quạt không cánh còn đảm bảo an toàn tuyệt đối với người dùng, vì phần cánh quạt đã được ẩn kín đáo dưới trụ, và phần vòm thổi gió ở trên làm hoàn toàn bằng nhựa, không có chi tiết nào có thể gây nguy hiểm, kể cả với trẻ nhỏ hay thú cưng.
Quạt cây truyền thống thì trông... truyền thống, kể cả những mẫu cao cấp, đắt tiền cũng chỉ đẹp hơn một chút thôi.
Một điểm cộng nữa là quạt không cánh thường nhỏ gọn và nhẹ nhàng hơn quạt cây khá nhiều. Điển hình như model Dyson TP02 phía trên, nặng chỉ khoảng 3.6kg, trong khi quạt cây bình thường sẽ vào khoảng 4 - 5kg.
Bù lại, quạt cây truyền thống có lợi thế về độ linh động. Lồng quạt có thể được nâng lên hạ xuống, hướng góc thổi lên trên, xuống dưới tùy ý. Phần lồng quạt cũng dễ dàng tháo rời tất cả ra để vệ sinh, còn quạt Dyson thì chỉ lau lót được lớp vỏ bên ngoài, chứ cánh quạt ẩn tít ở bên trong nên chẳng đụng vào được. Dùng lâu dài bám bụi nhiều có thể làm giảm hiệu quả và độ bền.
Quạt cây có lợi thế là tăng giảm chiều cao và hướng gió thổi thoải mái.
Tính năng: Dyson vượt trội, "xịn" như đồ hi-tech
Khoản tính năng thì các sản phẩm quạt không cánh của Dyson vẫn vượt trội, từ bộ lọc bụi mịn, khử mùi tích hợp sẵn cho tới khả năng kết nối với smartphone qua Wifi. Thường thì quạt cây truyền thống, nếu có thì cũng chỉ thêm vài chế độ hẹn giờ bật/tắt hay phun sương làm mát thôi.
Quạt Dyson TP02 hỗ trợ cả Wifi, điều khiển bằng smartphone, nhiều tính năng hay ho và tính năng lọc bụi, khử mùi.
Không chỉ thế, quạt Dyson còn có chế độ ban đêm, giảm tiếng ồn xuống mức cực thấp để bạn ngủ cho yên giấc, hay các chế độ gió tỏa rộng/thổi xa vốn không thể làm được với quạt cây thông thường.
Quạt cây truyền thống chỉ có vài chế độ cơ bản thôi.
Tuy nhiên, tính năng kết nối, điều khiển qua Wifi thực ra không được hỗ trợ ở Việt Nam vì Dyson không bán chính thức, nên nếu bạn muốn dùng thì phải tìm cách cài ứng dụng lậu, không hề đơn giản, nhất là với người dùng iPhone.
Khả năng làm mát: Quạt Dyson thổi êm dịu đấy, nhưng hóa ra thua toàn tập với quạt cây
Đặc điểm quan trọng nhất - khả năng tạo gió của quạt Dyson hóa ra lại không "thần thánh" như tưởng tượng. Theo thông số trên giấy thì nghe có vẻ mạnh mẽ, mát mẻ lắm, nhưng dùng thực tế mới thấy, lượng gió mà quạt Dyson model TP02 tạo ra không hề ấn tượng chút nào, thậm chí còn quá yếu so với các loại quạt truyền thống khác mà người Việt vẫn hay dùng.
Quạt cây truyền thống với gió thổi trực tiếp vẫn mát hơn nhiều quạt không cánh.
Đúng là gió từ quạt không cánh êm thật, không thổi vù vù gây khó chịu, nhưng về lượng thì không hề đủ để thổi bay cái nóng của mùa hè như quạt cây đâu. WeBuy đã thử nghiệm, và chiếc Dyson TP02 này dù cài đặt mức gió lớn nhất cũng chỉ nhỉnh hơn mức nhỏ nhất của quạt cây chút xíu thôi.
Quạt không cánh giấu động cơ tít ở bên trong, an toàn thật đấy nhưng vô tình làm giảm đáng kể lượng gió thổi ra.
Thực tế, khi tháo hết bộ lọc bụi và vòm thổi ở trên ra thì sức gió của quạt Dyson là rất mạnh, mạnh hơn nhiều quạt cây thông thường. Tuy nhiên, vì bộ lọc bụi đã giảm lượng không khí đi vào, cộng thêm hao hụt khi di chuyển lên vòm thổi và bị chia đều ra nên chúng ta chỉ còn cảm nhận được thoang thoảng mà thôi.
Độ ồn: Tưởng im mà lại chẳng im!
Theo quảng cáo, quạt Dyson vừa thổi gió mạnh, vừa có độ ồn thấp nhưng thực tế bạn chỉ có được 1 trong 2 điều này cùng lúc. Nếu bật mức gió khoảng dưới 4/10 thì gần như không nghe thấy gì (và cũng chẳng mát mấy), nhưng từ mức 7/10 trở lên thì quạt kêu vo vo như một chiếc máy sấy vậy. Độ ồn thực ra không cao cho lắm, nhưng kiểu âm thanh nghe rất chói tai chứ không dễ chịu như quạt cây hay quạt trần bình thường.
Còn gì cần quan tâm nữa?
Quạt cây truyền thống quá phổ biến rồi, dễ mua mà cắm điện là xong. Một số nguồn hàng quạt Dyson là hàng xách tay từ nước khác về, nguồn điện không phù hợp nên phải dùng thêm bộ đổi nguồn. Ai mà lỡ cắm thẳng vào ổ 220v chuẩn Việt Nam thì dễ cháy máy lắm, nên nếu tìm được loại dùng nguồn 220v trực tiếp thì đỡ cực hơn nhiều.
Quạt Dyson thường phải dùng bộ chuyển nguồn riêng mới hoạt động được.
Quạt Dyson chỉ có 1 nút bật/tắt dưới chân quạt. Mọi tính năng đều phải bấm trên điều khiển từ xa. Nếu mất điều khiển thì khỏi dùng, kể cả chỉnh mức độ gió, túp năng, hoặc phải điều khiển qua điện thoại. Ngược lại, quạt cây truyền thống thường có sẵn bảng điều khiển mọi chức năng trên chân đế rồi, mất điều khiển vẫn dùng được như bình thường.
Quạt Dyson nếu mất điều khiển thì gần như không thể dùng được. Quạt cây thì có bảng nút bấm dưới chân, mất điều khiển cũng không sao.
Ngoài ra, sau một hồi tháo lắp, WeBuy nhận thấy là dù đã bấm tắt đi (mà vẫn cắm điện) thì quạt Dyson vẫn chạy ở mức công suất thấp nhất, phải ghé tai vào thật gần mới nghe thấy tiếng gió. Không rõ đây là lỗi hay tính năng, nhưng chúng tôi đoán là hãng cố y làm vậy để bộ lọc bụi luôn hoạt động mà không tốn nhiều điện.
Mặc định, quạt Dyson TP02 luôn chạy nền ngay khi cắm vào ổ điện để lọc bụi.
Kết: Vậy có nên mua quạt không cánh?
Bạn cần thiết kế đẹp, an toàn hay khả năng thổi gió thật mạnh mẽ?
Câu trả lời là có, nhưng chỉ khi bạn thực sự muốn một chiếc quạt với thiết kế sang - xịn - mịn, đảm bảo an toàn cho con nhỏ và nhà thường xuyên bật điều hòa mỗi khi nóng. Có lẽ, vì Dyson thường bán sản phẩm ở những quốc gia có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ mùa hè không quá cao nên đối với họ như vậy đã là đủ mát. Còn ở Việt Nam, với cái nóng đôi khi lên tới 40, 50 độ C thì chiếc quạt này đúng là "muỗi đốt inox", thà mua rời 1 quạt cây, 1 máy lọc không khí còn tiết kiệm và hiệu quả hơn đáng kể.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI