So sánh Huawei FreeBuds Pro, Apple AirPods Pro và Samsung Galaxy Buds Live: Mỗi người một vẻ
Đây đều là những cặp tai nghe True Wireless 'nhét' được đầy công nghệ trong mình, nhưng mỗi cặp lại dành cho 1 nhóm người rất khác nhau!
Từ khi những chiếc smartphone dần bỏ cổng 3.5mm, thị trường tai nghe không dây nói chung và True Wireless (không dây hoàn toàn) nói chung phát triển khá nhanh chóng. Những sản phẩm của các hãng âm thanh truyền thống thì vẫn tập trung nhiều hơn vào chất lượng âm thanh, còn muốn tìm thấy những tính năng hiện đại nhất ta sẽ tìm đến những cặp tai nghe True Wireless của những hãng công nghệ lớn.
Vậy trong cuộc đua để đi tìm True Wireless hoàn hảo, hãng công nghệ nào đang dẫn đầu? Để tìm được câu trả lời ta sẽ đem 3 cặp tai nghe bao gồm Apple AirPods Pro, Samsung Galaxy Buds Live và 'em út' mới được ra mắt Huawei FreeBuds Pro lên bàn cân so sánh!
Thiết kế / Cảm giác đeo
Hộp sạc của AirPods Pro (trên), Buds Live (phải) và FreeBuds Pro (trái)
Nói đến tai nghe True Wireless là tai phải nói đến hộp sạc đầu tiên, và 3 cặp tai nghe này lại có những hộp sạc với thiết kế khá là khác nhau. Samsung Galaxy Buds Live có hộp hình vuông bo tròn góc, với kích thước nhỏ nhất nên sẽ rất tiện khi để vào túi quần. AirPods Pro cùng FreeBuds Pro đều có hộp sạc đặt tai nghe theo chiều dọc, kích thước đều lớn hơn nhưng cũng không quá tệ.
Trong 3 hộp sạc chỉ có hộp của AirPods Pro sử dụng chuẩn sạc Lightning giống với những chiếc iPhone, còn 2 sản phẩm còn lại đã chuyển qua USB Type-C. Ngược lại, cả 3 đều có điểm chung là được tích hợp khả năng sạc không dây bằng chuẩn Qi, có thể dùng với đế sạc hoặc với tính năng chia sẻ năng lượng của những smartphone mới.
Và đây là những cặp tai nghe được đem ra so sánh, với cặp AirPods Pro chỉ có 1 lựa chọn màu duy nhất là trắng, còn FreeBuds Pro ta có màu xám bạc trông rất hiện đại, còn nổi bật là cặp Buds Live với màu đồng huyền bí.
Buds Live cũng là một cặp tai nghe có thiết kế khá là đặc biệt, gần với ear-bud hơn là dạng nhét trong (In-ear) của 2 cặp tai nghe còn lại, vì vậy nên miếng đệm cao su được tặng kèm sẽ chặn vào phần vành tai ngoài của người dùng thay vì là để nhét vào ống tai. Một điểm đáng nói đó là AirPods Pro sử dụng một loại đệm với chân gắn được làm bằng nhựa cứng, nên chắc chắn sẽ phải sử dụng những bộ được tặng kèm trong hộp, còn FreeBuds Pro có lợi thế là mặc dù có ống âm lớn nhưng không có ngàm gắn cứng, vẫn có thể tìm được những loại đệm bên ngoài được.
Thiết kế khác biệt nên Buds Live cũng có cách đeo không giống 2 cặp tai nghe còn lại, khi ta cần đặt nó vào tai, xoay nửa vòng tròn để phần 'đuôi' chạm vào vành tai.
Khi đeo, toàn bộ Buds Live sẽ chạm vào tai người dùng nên độ thoải mái phụ thuộc khá nhiều vào cấu trúc tai của mỗi người. Chắc chắn Samsung đã nghiên cứu rõ về vấn đề này, nên cặp tai nghe này vừa với khá nhiều loại tai khác nhau, nhưng không phải là tất cả. Đối với những ai có vành tai nhỏ, hoặc phần nếp gấp không sâu thì sẽ đeo không thoải mái, hoặc thậm chí không đeo được cặp tai nghe này.
AirPods Pro chắc chắn ai cũng đã quen với thiết kế, ta cũng không cần phải nhắc lại quá nhiều nữa. Ta có một cặp tai nghe dạng in-ear, với một chiếc 'đuôi' thon dài nhằm đặt microphone sát miệng người dùng hơn để tăng khả năng đàm thoại.
Điểm trừ nhỏ trong thiết kế của AirPods Pro đó là phần ống dẫn âm làm hơi ngắn, nên thân của tai nghe có thể gây cấn nếu như chọn loại đệm tai quá nhỏ, chính vì vậy việc chọn đúng loại đệm là khá quan trọng với cặp tai nghe này.
Cuối cùng là cặp FreeBuds Pro, đi theo hướng thiết kế của đối thủ đến từ Apple nhưng cũng có những điểm 'chấm phá' riêng. Phần 'đuôi' của cặp tai nghe này thay vì được làm theo hình trụ tròn thì vuông vắn hơn, nhìn hơi giống những cặp tai nghe đàm thoại đeo 1 bên của những người doanh nhân vậy!
Cá nhân tôi cho rằng đây là cặp tai nghe đeo thoải mái nhất trong 3 sản phẩm ta so sánh, đơn giản vì có thiết kế gần hơn với những cặp In-ear khác trên thị trường. Ống âm được đặt ở góc chéo hơn so với Apple, kèm theo đó là bộ đệm cao su cũng được làm mềm hơn nên dù có đeo lâu bao nhiêu thì FreeBuds Pro cũng không gây cảm giác khó chịu. Nhược điểm trong thiết kế của cặp tai nghe này - khá giống với Buds Live là được hoàn thiện bằng nhựa bóng và sơn màu sáng nên sẽ khá dễ bám bẩn và dấu vân tay, cần phải lau sạch thường xuyên.
Chống ồn chủ động
Tính năng hiện đại nhất và cũng được cả 3 hãng quảng cáo rất nhiều khi ra mắt những cặp tai nghe này là chống ồn chủ động (ANC). Tính năng này cho phép tai nghe thu những tiếng ồn ở bên ngoài sau đó tạo ra sóng âm ngược pha để triệt tiêu trước khi người dùng nghe thấy, từ đó giúp ta thưởng thức âm nhạc trong một không gian tĩnh lặng hơn.
Galaxy Buds Live với thiết kế dạng ear-bud của mình như đã nói là đeo không chặt, sẽ có điểm bị hở nên cũng có ảnh hưởng đến chất lượng chống ồn. Như đã nói, tiền đề của chống ồn chủ động là chống ồn thụ động phải tốt, nếu như tai nghe để lọt nhiều âm thanh bên ngoài vào thì ANC có mạnh mẽ tới mấy cũng không thể triệt tiêu hết được. Chính vì vậy, Buds Live có khả năng chống ồn chủ động thấp nhất trong 3 cặp tai nghe này, có thể chặn được 1 số âm thanh lặp đi lặp lại và ở cường độ thấp mà thôi.
Ngược lại, cả AirPods Pro và FreeBuds Pro đều sở hữu thiết kế In-ear với bộ đệm có thể vừa khít với ống tai người nghe, từ đó tạo khả năng chống ồn tốt hơn rất nhiều. Huawei FreeBuds Pro khi sử dụng với ứng dụng Huawei AI Life thì có thể điều chỉnh được cường độ chống ồn, còn AirPods Pro khi kích hoạt sẽ hoạt động ở mức cao nhất. Về khả năng chặn tiếng ồn, AirPods Pro sẽ tương đương với mức 'Ultra' tức cao nhất của FreeBuds Pro vậy nên không có người chiến thắng tuyệt đối ở vấn đề này.
Tuy vậy cách chống ồn chủ động của 2 cặp tai nghe này lại có điểm khác biệt, khi AirPods Pro chặn được nhiều âm thanh ở dải cao hơn và lại để lọt âm thanh ở đoạn trầm, ngược lại FreeBuds Pro lại chặn rất tốt những âm dải trầm và để lọt âm thanh ở dải cao. Để dễ hình dung, nếu như đi ngoài đường thì AirPods Pro sẽ chặn được tốt hơn những tiếng còi, tiếng lá rơi; còn FreeBuds Pro sẽ chặn hiệu quả hơn tiếng xe đi trên mặt đường hay tàu hỏa.
Khả năng chống ồn của 2 cặp tai nghe này có thể nói là một 9 một 10, tuy vậy tôi đánh giá cao FreeBuds Pro hơn ở khả năng tùy chỉnh cường độ chống ồn bằng tay hoặc tự động một cách linh hoạt, thay vì chỉ có 2 nấc là tắt và bật (khi dùng với smartphone Android thì lại thành bật và 'nghe ngóng môi trường) của AirPods Pro. Việc điều chỉnh được cường độ không những giảm được gánh nặng cho pin mà còn tránh được hiện tượng ù, bí do ANC tạo ra.
Những tính năng phụ trợ khác
Phần mềm Galaxy Wearable dành cho Buds Live
Để những cặp tai nghe này có thể 'bung lụa' về mặt tính năng, ta sẽ phải sử dụng với smartphone và tải ứng dụng tương ứng. Với Galaxy Buds Live, ta có phần mềm Galaxy Wearable với khả năng điều chỉnh EQ, tắt bật tính năng chống ồn, đọc thông báo và đi tìm tai nghe (tai nghe sẽ phát ra tiếng để người dùng đi tìm).
Giao diện điều khiển đơn giản, dễ hiểu dành cho AirPods Pro
AirPods Pro chắc chắn là khi sử dụng với các thiết bị Apple sẽ được hỗ trợ tốt nhất, khi có khả năng thiết lập nhanh ngay trong lần đầu. Giao diện điều khiển dành cho cặp tai nghe này lại không có gì nhiều, chỉ bao gồm chỉnh âm lượng và chuyển đổi giữa chế độ chống ồn, nghe môi trường mà thôi, để tìm tính năng đo độ chặt (fit test) người dùng sẽ phải vào ứng dụng cài đặt. Ưu điểm của cặp tai nghe này đó là có thể chuyển kết nối nhanh giữa các thiết bị của Apple thông qua tài khoản Apple ID.
Phần mềm Huawei AI Life
Tính năng đo độ chặt của tai nghe
Điều chỉnh các thao tác trên thân tai
Cuối cùng là FreeBuds Pro, hoạt động với phần mềm Huawei AI Life được hãng này cung cấp. Ứng dụng này thiếu đi khả năng điều chỉnh EQ như Galaxy Wearable, nhưng bù lại có thể điều chỉnh được cường độ chống ồn chủ động, kiểm tra được độ chặt giống như AirPods Pro và chỉnh được các thao tác trên tai.
Cả AirPods Pro và FreeBuds Pro đều có 1 ưu điểm nho nhỏ về mặt điều khiển cảm ứng, mỗi khi bấm đều tạo ra một tiếng 'tách' rất nhỏ tạo cho người dùng cảm giác như đang bấm 1 nút vật lý vậy. Nói đây là ưu điểm nhỏ vì chả phải là một tính năng gì ảnh hưởng đến cách sử dụng của tai nghe, chỉ là thứ để tăng trải nghiệm của người dùng thêm 1 chút mà thôi.
Chất lượng âm thanh
Dù có nhiều tính năng tới mấy thì chức năng chính của 1 cặp tai nghe vẫn là để... nghe, vì vậy chất lượng âm thanh là 1 yếu tố quan trọng. Khi đi tới phần này, thì bộ đôi Buds Live và FreeBuds Pro lại về 1 phe khi cùng sở hữu chất âm hơi tối nhẹ, thiên nhiều về dải trầm, ngược lại thì AirPods Pro có một kiểu âm đồng đều giữa những dải âm, có chăng là nhấn nhẹ vào dải cao.
Âm trầm của Buds Live và FreeBuds Pro có lượng gần tương đương nhau, một điểm lạ vì Buds Live có cách đeo hở hơn rất nhiều, dải âm này sẽ bị tiêu tán trước khi đi đến được tai người nghe. Điều này có thể được lý giải vì Samsung biết rằng cặp tai nghe của mình có thiết kế khác lạ nên tăng lượng trầm lên nhiều để bù trừ lại. AirPods Pro cũng không phải là bị 'thọt' âm trầm, vẫn luôn nằm ở ngưỡng đủ nghe kể cả trong những bài nhạc Dance mạnh mẽ nhất.
Về cách thể hiện dải trầm, FreeBuds Pro thể hiện nhỉnh hơn so với 2 đối thủ khi tạo được độ đậm đà từ âm sub-bass, mỗi khi chơi có độ rung mạnh nên một không gian nhạc sôi động, 'hoành tráng' hơn. Nếu bạn là một bass-head tôi sẽ khuyến nghị thử cặp tai nghe này trước.
Khi đến với dải trung (giọng ca sĩ) cặp Galaxy Buds Live có phần lùi về phía sau khi đặt phần âm này... lùi về phía sau. Giọng ca sĩ nữ Sarah McLachlan trong bài When she loved me đứng ngang hàng với những nhạc cụ nền, không thể hiện được nổi bật và rõ ràng. Cả AirPods Pro và FreeBuds Pro đều làm được tốt vấn đề này, khi vẫn không có dải trung đẩy đến sát người nghe nhưng do có độ chi tiết tốt nên luôn có chỗ đứng trong bản nhạc.
Trong 2 cặp tai nghe này thì cặp FreeBuds Pro có phần trung cao (high-mid) sáng hơn đôi chút với sản phẩm còn lại, từ đó mà những giọng hát điện tử trong bài nhạc Pop (như Lady Gaga chẳng hạn) cũng vì vậy mà có nội lực, sôi động hơn. AirPods Pro có lẽ hướng tới việc nghe nhạc nhẹ, nghe Podcast nên được chỉnh giọng ca sĩ êm ái, cũng có thể nói là tự nhiên và giống giọng nói ngoài đời thực hơn.
Về phần âm cao, AirPods Pro lại có lợi thế trong bộ 3 này. Với 2 dải âm còn lại được làm đồng đều, không 'chiếm sóng' thì âm cao của sản phẩm đến từ Apple có không gian để thể hiện được hết độ sáng của mình.
1 'chú cừu đen' và 2 đối thủ đồng cân đồng hạng
Khi so sánh 3 cặp tai nghe, ta thấy được một 'chú cừu đen lạc đàn' là cặp Samsung Galaxy Buds Live với thiết kế dạng earbud thay vì In-ear. Thiết kế này đem lại độ thoải mái khi đeo, nhưng cũng có kha khá những nhược điểm như có thể không vừa với 1 số bạn có vành tai nhỏ hoặc quá đặc biệt, khiến khả năng chống ồn cũng như chất lượng âm thanh bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu.
Apple AirPods Pro và FreeBuds Pro dường như là 2 đối thủ 'cùng hạng cân' hơn với thiết kế, cách điều khiển, khả năng chống ồn khá tương đồng. Nhưng chắc chắn 2 cặp tai nghe này sẽ dành cho 2 khách hàng khác nhau, khi mà người dùng sản phẩm Apple sẽ dễ dàng chọn AirPods Pro chứ không phải FreeBuds Pro, và ngược lại đối với những người sử dụng Android và máy tính Windows - nhất là khi AirPods Pro sử dụng với những sản phẩm này sẽ bị mất tính năng.
Cũng qua sự so sánh này, ta thấy được Huawei trong thời gian gần đây đã nghiêm túc hơn với thị trường âm thanh. Cặp FreeBuds Pro mặc dù vẫn có những yếu điểm riêng cần được khắc phục thì đã có khả năng cạnh tranh một cách sòng phẳng với sản phẩm của Samsung và Apple, thậm chí còn nhỉnh hơn ở 1 số hạng mục nhất định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4