So sánh thiết kế Mi Notebook Air 13.3" với MacBook Pro: Vẫn còn nhiều hạt sạn và khoảng cách về đẳng cấp

    Minh Mỏng Manh,  

    Xiaomi đã học được gì từ "nguồn cảm hứng Apple" trên chiếc laptop đầu tiên của mình?

    Không phải ngẫu nhiên mà người ta mệnh danh Xiaomi là "Apple châu Á". Chất lượng tốt, tính năng hay, độ bền cao thì đã đành, nhưng cái mà người ta thấy Xiaomi bị ảnh hưởng bởi Apple rõ nhất, đó chính là kiểu dáng công nghiệp (industrial design). Và khi những tin đồn đầu tiên về việc Xiaomi sản xuất laptop bắt đầu xuất hiện, cũng không ngạc nhiên khi người ta đã có thể mường tượng ra được kiểu dáng của nó, kể cả khi chưa có một hình ảnh lộ diện nào bị tung ra.

     Từ lâu, Apple đã là niềm cảm hứng vô tận cho thiết kế của Xiaomi

    Từ lâu, Apple đã là "niềm cảm hứng vô tận" cho thiết kế của Xiaomi

    Và trên tay tôi đây đang là chiếc Mi Notebook Air phiên bản 13.3 inch. Vâng, đúng như những gì mà tôi và bạn đã dự đoán, trông nó cũng không khác MacBook là bao. Và chúng ta hãy cùng xem, Xiaomi, trong lần đầu tiên sản xuất một chiếc laptop, đã "học hỏi" được gì từ Apple.

     MacBook Pro và Mi Notebook Air 13.3 inch

    MacBook Pro và Mi Notebook Air 13.3 inch

    Trong khi phiên bản 12.5 inch thường được đem ra so sánh với The New MacBook 12 inch do kích thước màn hình và cân nặng của nó, thì phiên bản 13.3 inch lại thường được cân đo đong đếm với chiếc MacBook Pro Retina 13 inch. Lý do đầu tiên, đương nhiên vẫn là kích cỡ màn hình tương đồng. Nhưng quan trọng hơn, phân cấp sản phẩm của chiếc Mi Notebook Air 13.3 inch nhắm đến đối tượng người dùng đang “dòm ngó” chiếc MacBook Pro hơn, nhờ cấu hình mạnh tương đương mà mức giá lại rẻ hơn từ 8-9 triệu.

     Với mức giá chưa đến 20 triệu đồng nhưng sở hữu cấu hình mạnh ngang bằng MacBook Pro, Mi Notebook Air nhận được nhiều sự dòm ngó từ người dùng

    Với mức giá chưa đến 20 triệu đồng nhưng sở hữu cấu hình mạnh ngang bằng MacBook Pro, Mi Notebook Air nhận được nhiều sự "dòm ngó" từ người dùng

    Về kích thước, mặc dù cùng sở hữu màn hình 13.3 inch nhưng Xiaomi Mi Book Air (309.6mm x 210.9mm) nhỏ hơn khá nhiều so với MacBook Pro (314mm x 219mm). Không chỉ nhỏ hơn, Mi Notebook Air cũng nhẹ hơn (1.28Kg vs. 1.58Kg). Vượt mặt Apple, đây là thành tích rất đáng khen ngợi với một nhà sản xuất sở hữu chưa nhiều kinh nghiệm như Xiaomi.

     Mi Notebook Air bé hơn MacBook Pro cả về chiều dài, chiều rộng lẫn cân nặng. ​

    Mi Notebook Air bé hơn MacBook Pro cả về chiều dài, chiều rộng lẫn cân nặng.

    Khi so về thông số, Xiaomi cho rằng Mi Notebook Air mỏng hơn MacBook Pro khá nhiều (14.8mm vs. 18mm). Tuy nhiên, đặt hai máy cạnh nhau lại cho thấy điều ngược lại, khi chúng có độ dày ngang nhau, thậm chí Mi Notebook Air còn dày hơn do thiết kế vòng cung ở nắp máy. Nhưng, thực ra thì Mi Notebook Air vẫn mỏng hơn, lý do khiến nó tạo cảm giác dày hơn chỉ vì máy có chân đế cao hơn MacBook Pro khá nhiều.

     Mi Notebook Air cho cảm giác dày hơn MacBook Pro, nhưng đây chỉ là do chân đế cao hơn ​

    Mi Notebook Air cho cảm giác dày hơn MacBook Pro, nhưng đây chỉ là do chân đế cao hơn

    Một trong những chi tiết gây tranh cãi trong thiết kế của Mi Notebook Air là việc nắp của máy không sở hữu bất kỳ logo hay chi tiết nào. Khi so sánh với MacBook và logo quả táo, chúng ta càng thấy rõ sự nhạt nhòa và trống trải của Mi Notebook Air. Tuy nhiên, thà nhạt nhòa, thà trống vắng như thế, còn hơn là Xiaomi đưa logo vốn-không-đẹp-đẽ-gì-của-mình để khoe với bàn dân thiên hạ.

     Mang Mi Notebook Air ra ngoài quán cafe, có lẽ sẽ không ai biết bạn đang dùng laptop hãng gì. Với MacBook Pro thì ngược lại.

    Mang Mi Notebook Air ra ngoài quán cafe, có lẽ sẽ không ai biết bạn đang dùng laptop hãng gì. Với MacBook Pro thì ngược lại.

    Có lẽ, Xiaomi cũng hiểu được tâm lý của chúng ta. Người dùng sẽ tỏ ra hết sức hãnh diện khi sở hữu một chiếc MacBook với logo quả táo phát sáng, nhưng một chiếc laptop đến từ một công ty “chuyên đạo Apple” như Xiaomi ư? Không đời nào. Vậy nên, cách làm của hãng tuy không tạo được điểm nhấn trong thiết kế, nhưng chính điều đó lại giúp người dùng có thêm một lý do để tự tin lựa chọn chiếc Mi Notebook Air.

    Chuyển xuống mặt đáy, chúng ta được chiêm ngưỡng một thiết kế hoàn toàn trái ngược với phong cách “minimalistic” ở trên. Mặt đáy của Mi Notebook Air 13” rối rắm hơn MacBook Pro khá nhiều, trong đó đáng chú ý nhất là sự bổ sung của khe tản nhiệt chạy ngang lưng máy (phiên bản 12.5 inch với chip Core M3 không có khe này) và hai loa.

     Mặt đáy của Mi Notebook Pro trông rối hơn khá nhiều, nhưng điều này không thật sự quan trọng vì có mấy ai ngắm mặt đáy chiếc laptop của mình?

    Mặt đáy của Mi Notebook Pro trông rối hơn khá nhiều, nhưng điều này không thật sự quan trọng vì có mấy ai ngắm mặt đáy chiếc laptop của mình?

    Tuy nhiên, tôi không đánh giá thấp thiết kế này của Xiaomi, khi nó đem lại những lợi ích hết sức thiết thực cho người dùng về hiệu năng tản nhiệt và trải nghiệm âm thanh (bật mí: Mi Notebook Air có hệ thống loa tốt hơn khá nhiều so với MacBook Pro). Cũng cần nói thêm, nếu bạn cảm thấy ngứa mắt vì những sticker của AKG, Dolby hay Microsoft, bạn hoàn toàn có thể bóc ra một cách dễ dàng. Các chân đế cao su của máy cũng được thiết kế cao hơn hẳn so với MacBook Pro, điều này cũng giúp cho máy tránh bị xước mặt đáy hơn.

    Chiếc Mi Notebook Air mà GenK có dịp trên tay gặp phải một vấn đề tuy không nghiêm trọng, nhưng khá khó chịu. Vì một lý do nào đó, một miếng giấy/băng dính đen ở trong máy đã bị lòi ra bên ngoài, khiến tôi thấy khá chướng mắt. Quan trọng hơn, điều này cũng cho thấy khâu kiểm duyệt chất lượng trước khi xuất xưởng của hãng vẫn còn chưa thật sự chặt chẽ.

     Lỗi gia công của Mi Notebook Air

    Lỗi gia công của Mi Notebook Air

    Về lượng cổng kết nối trên cả hai thiết bị, mỗi máy có một ưu điểm riêng. Mi Notebook Pro sở hữu 2 cổng USB 3.0, 1 cổng USB-C 3.1 kiêm cổng sạc, 1 cổng headphone và 1 cổng HDMI. Trong khi đó, MacBook Pro sở hữu 2 cổng USB 3.0, 2 cổng Thunderbolt, 1 cổng headphone, 1 cổng HDMI, 1 cổng sạc MagSafe 2 và khe cắm thẻ nhớ SD.

     MacBook Pro có lợi thế về số lượng cổng kết nối, nhưng trên thực tế thì cái mà người dùng được lợi nhiều nhất là ở khe đọc thẻ và cổng sạc MagSafe

    MacBook Pro có lợi thế về số lượng cổng kết nối, nhưng trên thực tế thì cái mà người dùng được lợi nhiều nhất là ở khe đọc thẻ và cổng sạc MagSafe

    Nếu tính theo số lượng, MacBook Pro giành phần thắng, nhưng chủ yếu nằm ở số cổng Thunderbolt. Tuy nhiên đối với đa số người dùng, cổng Thunderbolt không đem lại nhiều ý nghĩa do giá cả của các phụ kiện dùng chuẩn này rất cao, lại không thật sự phổ biến. Trong suốt 6 năm sử dụng Mac, phụ kiện duy nhất mà tôi từng cắm vào cổng Thunderbolt là adapter VGA nhằm mục đích trình chiếu. Nhưng nó cũng không thật sự cần thiết nữa, khi đa số các máy chiếu ngày nay đều đã hỗ trợ HDMI, và giá cho một adapter HDMI – VGA cũng hết sức rẻ mạt. Vậy nên, ưu thế chính của MacBook Pro nằm ở cổng MagSafe và khe cắm thẻ nhớ.

    Bù lại, Mi Notebook Air sở hữu cổng USB-C 3.1 mới nhất và cùng là chuẩn của tương lai. Một chi tiết nhỏ mà mình đánh giá cao là việc Xiaomi sử dụng những connector màu đen cho các cổng của mình, khiến nó không gặp tình trạng bị “lem luốc” qua thời gian sử dụng như MacBook Pro.

    Khi mở máy ra, điều đầu tiên gây ấn tượng với người dùng là màn hình của Mi Book Air có viền hai bên nhỏ hơn MacBook Pro khá nhiều. Một khi bạn sử dụng một sản phẩm với viền màn hình nhỏ như thế này, thật khó để nhìn lại một màn hình với viền dày cui như MacBook Pro mà không cảm thấy “lỗi thời”. Trong thời kỳ mà màn hình trên mọi thiết bị từ TV, Desktop PC cho đến Smartphone đều đang đi theo xu hướng viền siêu mỏng, Apple cần một sự thay đổi.

     Mi Notebook Air có viền màn hình hai bên mỏng hơn khá nhiều so với MacBook Pro...

    Mi Notebook Air có viền màn hình hai bên mỏng hơn khá nhiều so với MacBook Pro...

    Cũng cần nói thêm, một yếu tố chính khiến Mi Notebook Air nhỏ hơn MacBook Pro nằm ở tỷ lệ màn hình 16:9 hẹp hơn so với 16:10. Chính điều này cũng đã che giấu điểm yếu của màn hình này: mặc dù có viền màn hình hai bên mỏng, nhưng viền dưới của Mi Notebook Air lại dày hơn MacBook Pro.

     ... nhưng viền màn hình dưới lại dày hơn

    ... nhưng viền màn hình dưới lại dày hơn

    Ngoài khác biệt nhỏ về kích thước, trackpad của cả hai máy đều được làm bằng kính và cho cảm giác sờ gần như là y hệt. Tuy nhiên, khi bấm xuống thì trackpad của Mi Notebook Air cảm giác bị lún khá nặng, đặc biệt là khi bấm ở góc. Ngoài việc cho cảm giác bấm nặng tay hơn, việc bị lún sâu cũng tạo ra nhiều khe hở giữa nút bấm với khung viền, và có thể khiến bụi lọt vào – nhưng liệu có ảnh hưởng đến khả năng vận hành hay không thì chưa rõ.

     Trackpad của Mi Notebook Pro rộng hơn về chiều ngang nhưng lại ngắn hơn về chiều dài...

    Trackpad của Mi Notebook Pro rộng hơn về chiều ngang nhưng lại ngắn hơn về chiều dài...

     ... ngoài ra nó còn bị lún khi ấn

    ... ngoài ra nó còn bị lún khi ấn

    Để phân biệt giữa Mi Notebook Air và MacBook Pro bằng cách nhìn thoáng qua, có lẽ chi tiết dễ nhận ra nhất là bàn phím. Trong khi bàn phím của MacBook Pro có màu đen, thì Mi Notebook Air lại là màu trắng bạc.

    Mỗi thiết kế có một ưu điểm và nhược điểm riêng. Bàn phím màu đen của MacBook Pro dễ để lại dấu vân tay và những vết bẩn từ mồ hôi. Qua thời gian, các phím thường sử dụng sẽ trở nên bóng nhẫy. Tình trạng này không xảy ra với bàn phím màu trắng của Mi Notebook Air, tuy nhiên, nó lại mang một nhược điểm là các ký tự trên phím rất khó nhìn. Ngay cả với những “blind typer” chuyên nghiệp và đã quen mặt phím, đây vẫn sẽ là một vấn đề khi cần sử dụng các phím chức năng (Fx) ở trên, khi bạn sẽ phải rướn người lên và “mò mẫm” từng phím một, chứ không chỉ đơn thuần là nhìn thoáng qua như trên Mac.

     Bàn phím màu đen của MacBook Pro dễ gặp tình trạng bám mồ hôi qua thời gian

    Bàn phím màu đen của MacBook Pro dễ gặp tình trạng bám mồ hôi qua thời gian

    Bàn phím của Mi Notebook Air mặc dù có hành trình lớn hơn, nhưng lại cho cảm giác gõ không đã bằng MacBook Pro do bị “dính”. Cụ thể, khi nhấc tay ra khỏi phím bấm, nó không được nhả ra ngay mà vẫn hơi bị kẹt ở switch, tạo cảm giác gõ không thật sự dứt khoát. Một yếu điểm nữa của Mi Notebook Air nằm ở đèn nền bàn phím, khi nó chỉ hỗ trợ hai chế độ bật/tắt, trong khi với MacBook Pro, người dùng có thể tùy ý điều chỉnh 16 cấp độ sáng.

     Bàn phím của Mi Notebook Air tuy có hành trình lớn hơn, nhưng cho cảm giác gõ không đã bằng MacBook Pro. Ngoài ra, các ký tự trên phím trên MacBook Pro cũng dễ nhìn hơn rất nhiều.

    Bàn phím của Mi Notebook Air tuy có hành trình lớn hơn, nhưng cho cảm giác gõ không đã bằng MacBook Pro. Ngoài ra, các ký tự trên phím trên MacBook Pro cũng dễ nhìn hơn rất nhiều.

    Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất với tôi khi đánh giá chất lượng gia công của một chiếc laptop đó là bản lề. Đơn giản vì: mở laptop ra, gập laptop vào là công việc mà chúng ta làm nhiều lần trong một ngày. Một bản lề tốt, vững chắc sẽ giúp người dùng cảm thấy rõ sự “cao cấp” mà mình đã phải bỏ tiền ra, nhưng quan trọng hơn, nó là thước đo để thể hiện chất lượng gia công của nhà sản xuất và độ bền của sản phẩm.

     Bản lề của MacBook Pro cho phép người dùng ngả màn hình ra rộng hơn

    Bản lề của MacBook Pro cho phép người dùng ngả màn hình ra rộng hơn

    MacBook Pro và Mi Notebook Air đều có thiết kế bản lề khá giống nhau. Bản lề của hai máy đều cho phép người dùng có thể mở nắp chỉ bằng một tay. Tuy nhiên, đến đây thì ưu thế của Mi Notebook Air cũng kết thúc. Bản lề của MacBook Pro hoàn toàn vượt trội khi không chỉ cho phép mở ra rộng hơn, mà còn “êm” và chắc chắn hơn đáng kể. Mỗi khi thay đổi góc trên Mi Notebook Air, khng màn hình của máy rung bần bật vài giây sau đó mới quay trở lại trạng thái thông thường.

     Màn hình của Mi Notebook Air bị rung mỗi khi thay đổi góc độ

    Màn hình của Mi Notebook Air bị rung mỗi khi thay đổi góc độ

    Trước tình cảnh thị trường laptop Windows trong khoảng 15-20 triệu vẫn còn tràn ngập những sản phẩm được làm bằng nhựa, kích thước lớn và nặng đến hơn 2Kg, sự bổ sung của Xiaomi Mi Notebook Air quả là một làn gió mới giúp náo động thị trường trước thời điểm ngành công nghiệp PC đang ngày một tẻ nhạt.

    Đương nhiên rồi, Mi Notebook Air rất giống MacBook. Nhưng khi mà thiết kế của MacBook Pro đã đạt đến độ hoàn hảo, thật khó để các nhà sản xuất lựa chọn cho mình một hướng đi riêng. Khi mà smartphone chỉ cần hai thế hệ có thiết kế giống nhau là người dùng đã kêu ca, thì MacBook trong suốt 7 năm nay không thay đổi là bao thì chúng ta vẫn ca ngợi và sẵn sàng bỏ tiền mua.

     Đã gần 8 năm kể từ khi thiết kế của MacBook Pro được giới thiệu, nhưng người dùng chưa bao giờ phàn nàn về nó

    Đã gần 8 năm kể từ khi thiết kế của MacBook Pro được giới thiệu, nhưng người dùng chưa bao giờ phàn nàn về nó

    Thế mới biết rằng, tạo ra một thiết kế đột phá cho laptop là rất khó khăn. Trên smartphone, các nhà sản xuất còn có sự lựa chọn giữa kim loại, kính hay nhựa màu mè. Còn trên laptop – một vật có tính chất “đi cùng năm tháng”, ừ thì, đẹp là một chuyện, nhưng cái người ta cần hơn là sự ổn định, bền bỉ - vì đây cũng là cỗ máy “làm ra tiền” của không ít người, trong đó có tôi. Và khi mà MacBook Pro từ lâu đã được đánh giá là một trong những cỗ máy đẹp nhất và cũng bền bỉ nhất – tôi không thấy lý do gì mà Xiaomi lại không nên “copy” những gì Apple đã làm.

     Dù sao thì Xiaomi cũng không phải hãng duy nhất copy thiết kế của Apple

    Dù sao thì Xiaomi cũng không phải hãng duy nhất copy thiết kế của Apple

    Những hạt sạn về chất lượng gia công là vẫn còn đó. Tuy nhiên, khi đề cập đến chúng, tôi cảm giác rằng mình đang cố tìm cách “dìm hàng” chiếc máy này thì đúng hơn. Vì suy cho cùng, với mức giá 18 triệu đồng, tôi tin rằng bạn khó có thể tìm được một chiếc máy vừa đẹp, vừa mỏng và vừa nhẹ như Mi Notebook Air. Và tôi cũng tin rằng, bạn cũng sẽ sẵn sàng bất chấp tất cả để sở hữu nó.

    Xin cảm ơn cửa hàng Xiaomiviet.vn đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày