So sánh Witcher với Game of Thrones khác gì so sánh Star Wars với Star Trek, so Watchmen với Marvel?

    Liam,  

    Điểm chung giữa Witcher và Game of Thrones: bối cảnh. Hết.

    Với sự góp mặt của nam tài tử Henry Cavill, bối cảnh khá mới lạ so với các series trước đây của Netflix và dĩ nhiên là cả "tiếng thơm" từ các tựa game cùng tên, không có gì khó hiểu khi The Witcher thu hút được sự chú ý đông đảo tới vậy. Và, xét tới chủ đề "đao kiếm phép thuật" (fantasy) của series này, xét tới nội dung phim có phần tàn khốc và tuyệt vọng, cũng không có gì khó hiểu khi nhiều người đem The Witcher ra so sánh với Games of Thrones, bộ phim truyền hình chủ đề fantasy thu hút được đông đảo sự chú ý nhất trong cả thập niên vừa qua.

    Thế nhưng, sự khác biệt giữa Witcher và GoT chỉ dừng lại tại đây. Nếu ai đó cho rằng Witcher ăn theo GoT, tôi dám chắc với bạn rằng người này không hề hiểu gì về Witcher cả.

    So sánh Witcher với Game of Thrones khác gì so sánh Star Wars với Star Trek, so Watchmen với Marvel? - Ảnh 1.

    Witcher cũng lấy bối cảnh trung cổ có màu sắc pháp thuật và tone truyện u ám như GoT.

    Đầu tiên, hãy nói đến sự khác biệt rõ rệt nhất giữa GoT và Witcher, hay đúng hơn là giữa GoT và gần như tất cả các series fantasy đình đám khác: GoT không có nhân vật chính. Nói đúng hơn, bộ truyện GoT được kể từ góc nhìn của các nhân vật trọng tâm (POV), mỗi cuốn có khoảng trên dưới 10 nhân vật như vậy. Lên phim, sự khác biệt giữa nhân vật POV và nhân vật "thường" gần như không còn nữa, người xem chỉ dõi theo một mạch truyện liên tục từ đầu tới cuối.

    Ngược lại, Witcher có nhân vật chính – Geralt xứ Rivia. Mạch truyện của series Netflix đi theo 3 tuyến nhân vật khá rõ ràng là Geralt, Yennefer và Ciri, trong đó Geralt hiển nhiên chiếm nhiều thời lượng nhất. Cách dẫn dắt này cho phép người xem đặt mình vào vị trí của nhân vật, từ đó "tận hưởng" 2 yếu tố quan trọng nhất của Witcher: quyền lựa chọn và tính đa chiều của nhân vật.

    Quyền lựa chọn và tính đa chiều của nhân vật được thể hiện như thế nào? Để không spoil nội dung phim, tôi xin phép dùng nội dung của một nhiệm vụ phụ rất, rất nhỏ trong game Witcher 3: Wild Hunt (cũng là tác phẩm được chuyển thể từ nguyên tác của tác giả Andrzej Sapkowski). Nhiệm vụ này bắt đầu khi Geralt bước chân vào một ngôi làng và được dân làng bỏ tiền thuê đánh trả một băng cướp do một nữ quái mang tên "Little Red" đứng đầu. Nếu theo các bộ truyện thông thường, lựa chọn ở đây là cực kỳ đơn giản và dễ dàng, đúng không? Geralt sẽ đánh bại băng cướp này, trả lại bình yên cho dân làng.

    Nhưng trong thế giới của Witcher, không có thứ gì đơn giản như vậy cả. Khi băng cướp của Little Red tới nơi, nữ tướng này chỉ đưa ra một yêu cầu duy nhất: cô ta sẽ chỉ giết một dân làng tên là Bertram và không làm hại ai khác cả. Lý do là bởi, Bertram là kẻ thông đồng với Little Red trước đây, gã này chỉ điểm cho băng cướp của Little Red đến các gia đình có tiền để cướp bóc. Nhưng dần dần, Bertram nổi lòng tham, đòi được chia phần lớn hơn. Khi Little Red từ chối, Bertram chỉ điểm cho nhóm witch hunter – một nhóm lính tàn bạo trong game đến giết chết một nửa băng cướp của Little Red.

    So sánh Witcher với Game of Thrones khác gì so sánh Star Wars với Star Trek, so Watchmen với Marvel? - Ảnh 2.

    Mạch truyện của Witcher đậm tính cá nhân hơn, người xem "sống" cùng nhân vật.

    Đọc đến đây, bạn có thể thấy cả hai bên đều chẳng có kẻ nào là người tốt thực sự. Như mọi lựa chọn khác trong game (và phim, và sách) Witcher, rất nhiều lựa chọn của Geralt đều khó khăn như vậy.

    Chưa hết. Giả sử Geralt chọn bảo vệ Bertram và đánh lại Little Red? Nữ tướng cướp này khi lâm trận sẽ hóa thành người sói (cách tác giả "nhại" truyện Cô Gái Quàng Khăn Đỏ). Anh hùng dĩ nhiên phải đánh quái vật, bạn chắc hẳn sẽ nghĩ như vậy? Không hẳn, bởi sau khi gục ngã dưới lưỡi gươm bạc của Geralt, Little Red để lộ một bức thư từ người mẹ quá cố. Trong thư, người mẹ nói rằng cả cha và mẹ của cô đều đã bị witch hunter giết chết. Nhưng:

    "Hãy mạnh mẽ lên, cô gái ngọt ngào của mẹ, bởi trong con có cả máu của người và sói... Mẹ cấm con không được trả thù. Điều đó không làm cho cha mẹ sống lại, mà chỉ khiến con phải đối mặt với lưỡi rìu của đao phủ. Con không được chết theo cách ấy. Con phải chứng minh qua cuộc sống của mình rằng người và người sói có thể chung sống trong hòa bình".

    Bức thư đó làm tôi phải suy nghĩ. Little Red có đáng bị coi là quái vật? Băng cướp của cô ta liệu có phải là hiện thân của lời dạy từ người mẹ - bằng cách nào đó, hãy chứng minh người và người sói có thể chung sống không hận thù? Nếu có thể quay ngược trở lại, có lẽ tôi đã chọn hướng đi ngược lại: để Little Red trả thù Bertram. Xét cho cùng, hắn ta cũng chỉ là một kẻ mạt hạng đem bán rẻ làng xóm của mình, và Little Red cũng chẳng muốn làm hại người dân làng nào khác cả.

    So sánh Witcher với Game of Thrones khác gì so sánh Star Wars với Star Trek, so Watchmen với Marvel? - Ảnh 3.

    Motiv “lựa chọn” được thể hiện rất rõ qua loạt game lừng danh theo cùng nguyên tác.

    Trở lại với series Netflix, tôi tin rằng những ai đã từng say mê hàng trăm giờ với các tựa game Witcher chắc chắn đã thấy motiv "lựa chọn" và "đa chiều" này xuất hiện trở lại trong phim. Như trong tình tiết tạo thành tên gọi "Đồ tể xứ Blaviken" của Geralt, người xem sẽ rất nhanh chóng nhận ra cả phù thủy Stregobor lẫn cô công chúa Renfri đều không thể coi là "người tốt", nhưng cũng chẳng thể coi là "kẻ xấu". Geralt sẽ đưa ra lựa chọn, và rất nhanh chóng, anh sẽ phải hối hận với lựa chọn ấy. Cuộc sống trong thế giới Witcher hóa ra không hề lý tưởng như truyện cổ tích xa xưa.

    Dĩ nhiên, bạn cũng có thể nói điều tương tự về Games of Thrones: thế giới của George W. Martin cũng đen tối và xấu xa như lịch sử của chính loài người. Song, một lần nữa, chỉ điều đó thôi là không đủ để đem Witcher ra ví với Games of Thrones. Chúng ta xem Games of Thrones là xem tình tiết chứ không phải để sống cùng nhân vật như Witcher. Và, có lẽ sẽ có người không đồng tình với tôi, nhưng nhân vật trong Games of Thrones thường rất khó đạt đến mức độ đa chiều theo cách gây bất ngờ như trong Witcher. Ned Stark, Robb Stark đến chết vẫn là người tốt, Ramsay Bolton và Joffrey chết rồi vẫn bị căm ghét... Vẫn có một số nhân vật đa chiều hơn – điển hình là Mẹ Rồng hay Tyrion, nhưng tôi dám chắc rằng bạn đã xem Witcher thì sẽ thấy cách xây dựng nhân vật trong thế giới này khác hoàn toàn.

    So sánh Witcher với Game of Thrones khác gì so sánh Star Wars với Star Trek, so Watchmen với Marvel? - Ảnh 4.

    Witcher không hề xây dựng nhân vật và tình tiết theo kiểu Games of Thrones.

    Bởi thế, đem so Witcher với GoT đâu có khác gì đem so Star Wars với Star Trek, so Marvel với Watchmen hay so Twilight với Blade... Các series này có thể giống nhau về bối cảnh, nhưng chủ đề của chúng hoàn toàn khác nhau. Cùng là trong không gian, Star Wars là giữa thiện và ác, Star Trek là khám phá. Cùng là siêu anh hùng, MCU là cuộc chiến của lý tưởng, Watchmen là sự tuyệt vọng của Chiến Tranh Lạnh. Cùng là ma cà rồng, Blade là những trận chiến, Twilight là... lóng lánh.

    Và cùng là thế giới trung cổ với gươm giáo và pháp thuật, GoT là cuộc chiến u ám của giới hoàng tộc, Witcher là những lựa chọn đầy khó khăn của gã giết quái vật thuê kiếm sống. Đừng đem hai thế giới ấy ra so sánh với nhau, bạn sẽ chỉ chuốc lấy sự thất vọng mà thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ