SoundCloud, mạng xã hội âm nhạc từng phổ biến nhất hành tinh đang không biết nên đi đâu về đâu
Ba năm trước với khả năng tiếp cận dễ dàng, SoundCloud trở thành một thành địa của những người yêu nhạc. Ở đây, các nghệ sĩ có thể thoải mái, tự do tải lên, chia sẻ những sản phẩm âm nhạc của mình cho những tâm hồn đồng điệu. Ba năm sau, giữa thế giới của Apple và Spotify, SoundCloud không còn biết nên đi về đâu.
Sau nhiều năm đổi những tệp đô la thơm phức lấy từng đồng lẻ trong tài khoản ngân hàng, ngành công nghiệp âm nhạc cuối cùng cũng đạt được thành công nhất định. Lượng thuê bao dịch vụ stream âm nhạc đã tăng khoảng 50% trong năm 2016, đạt mốc 92 triệu. Lần đầu tiên kể từ thời hoàng kim của đĩa CD, doanh thu dành cho các hãng thu âm lớn nhất liên tục tăng trưởng. Nhưng tình hình có vẻ chẳng mấy tươi sáng với các công ty stream âm nhạc tạo nên xu hướng này.
Spotify, nền tảng lớn nhất, đang thua lỗ rất lớn khi phải trả tới 70% doanh thu cho các hãng thu âm và nhà xuất bản. Hãng này đang cố gắng đàm phán lại giao dịch với các hãng thu âm và nhà xuất bản trước khi triển khai IPO. Pandora, hãng liên tục thua lỗ trong suốt 15 năm hoạt động của mình, dang muốn triển khai một mô hình thuê bao giá cao dựa trên công nghệ của Rdio. Năm 2015, Pandora đã thâu tóm Rdio.
Các dịch vụ stream khác như Rhapsody và Deezer cũng đang gặp các vấn đề tương tự trong khi hãng phát thanh iHeartRadio đang cố gắng để tránh phải phá sản. Apple, Amazon và Google chỉ triển khai các dịch vụ steam âm nhạc nhằm thu hút người dùng tới với các mảng kinh doanh khác của họ.
"Gần như không thể biến dịch vụ stream âm nhạc trực tuyến thành một mô hình kinh doanh tạo ra doanh thu", Mark Mulligan, cựu DJ của một câu lạc bộ khiêu vũ và hiện tại là sáng lập của hãng phân tích Midia Research, chia sẻ. "Mô hình này vẫn đang bị hỏng".
Nói về việc kinh doanh dịch vụ stream âm nhạc thì chẳng công ty nào gặp nhiều khó khăn như SoundCloud. Được thành lập vào năm 2007, công ty có trụ sở ở Berlin này đã thu hút được khoảng 175 triệu người dùng và có trên hệ thống 135 triệu bài hát gồm nhiều thể loại và trong số đó có rất nhiều nội dung do người dùng tạo ra.
SoundCloud đã từng được cả giới nghệ sĩ và người yêu nhạc coi là điểm đến ưa thích và cũng là startup con cưng của châu Âu. Tuy nhiên, hãng này cũng đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Tăng trưởng người dùng đã bị đình trệ, doanh số quảng cáo chẳng khởi sắc và chẳng ai dùng dịch vụ phải trả tiền chín tháng tuổi mang tên SoundCloud Go của họ. Ước tính cho tới nay dịch vụ này chỉ thu hút được hơn 250.000 thuê bao, SoundCloud không tiết lộ con số chính thức.
Có thông tin cho rằng Spotify muốn mua lại SoundCloud tuy nhiên cuộc đàm phán gần đây đã thất bại bởi hai bên không thống nhất được mức giá. Một số fan trung thành của SoundCloud đang chuyển sang các dịch vụ tương tự như Mixcloud. Và vài DJ nổi tiếng đang đàm phán để có thể gửi các bản mix của họ một cách hợp pháp lên Apple Music và Spotify.
Nếu SoundCloud không thể đưa ra một mô hình kinh doanh bền vững họ sẽ phải tìm đối tác khác muốn mua lại toàn bộ công ty hoặc hy động thêm vốn. Hiện giá trị của SoundCloud đã rơi xuống dưới mức 700 triệu USD mà các nhà đầu tư ước tính trong thời điểm năm ngoái khi mà Twitter đầu tư vào.
"Họ đang gặp một rắc rối lớn", Matt Pincus, CEO của Songs Music Publishing, công ty đại diện cho các nghệ sĩ như Weeknd và Lorde, chia sẻ.
Alexander Ljung, CEO của SoundCloud, từ chối thảo luận về thương vụ đàm phán với Spotify cũng như tình hình tài chính của công ty. Bên cạnh đó, Ljung khẳng định rằng lượng người dùng và doanh thu quảng cáo của công ty vẫn đang tăng trưởng. Ljung chia sẻ rằng SoundCloud có lợi thế hơn Spotify và Apple Music ở chỗ nó là dịch vụ âm nhạc duy nhất kết hợp một thư viện các bài hát chủ đạo với một danh mục khổng lồ các bài hát được tạo ra bởi những người dùng trẻ cho chính những người dùng trẻ tuổi khác.
"Rất ít nền tảng âm nhạc có quy mô lớn như thế này", Ljung nói. "Chúng tôi là một trong số đó".
Fred Wilson, thành viên ban giám đốc, một nhà đầu tư sớm rót tiền cho SoundCloud, chia sẻ rằng âm nhạc kỹ thuật số đang nằm trên một ngã rẽ và hầu hết người dùng đã sẵn sàng chuyển từ việc sở hữu các bản nhạc sang stream âm nhạc trực tuyến. Wilson nghĩ rằng nền tảng nào vượt qua được tất cả khó khăn và về đích sẽ nhận được trái ngọt bất chấp việc các hãng thu âm và nhà xuất bản tiếp tục chiếm phần lớn doanh thu. Wilson cho rằng thành công của Amazon và Netflix trong lĩnh vực của họ chính là những bài học rõ ràng nhất để SoundCloud noi theo.
Các dịch vụ stream cũng có thể tạo ra lợi nhuận bằng cách giúp các nghệ sĩ phân phối nhạc trực tiếp, không cần qua các hãng thu âm. Năm ngoái, ca sĩ Frank Ocean đã thương lượng trực tiếp với Apple Music để trình làng album Blonde của anh trên dịch vụ này, không cần thông qua Universal Music Group. "Đó chính là những gì sẽ diễn ra trong tương lai", Stephen White, CEO của hãng nhượng quyền âm nhạc Dubset, chia sẻ.
Dù đã đi tiên phong trong kiểu phân phối nhạc này nhưng chưa rõ liệu SoundCloud có thể tạo ra lợi nhuận từ nó hay không. Năm 2014, khi Apple Music còn chưa tồn tại, SoundCloud đã chuẩn bị một ứng dụng với giá thuê bao 4 USD một tháng cạnh tranh với dịch vụ thuê bao 10 USD một tháng của Spotify. Thậm chí, theo một cựu quản lý tham gia trực tiếp vào dự án của SoundCloud, người dùng thuê bao dịch vụ của SoundCloud còn nhận được thư viện các bài hát mới ra mắt kết hợp với các nội dung do người dùng sáng tác.
Trong khi chờ các hãng thu âm lớn chấp nhận kế hoạch và đưa ra những khoản trợ cấp, SoundCloud triển khai thử dịch vụ của mình cho nhân viên. Trong các cuộc đàm phán với các hãng thu âm, SoundCloud đã đưa ra một tính năng nhằm phát hiện các nội dung vi phạm bản quyền do người dùng tạo ra. Họ cũng trình làng một tính năng tìm kiếm mới, hạn chế hiển thị các bài hát đạo, nhái.
Tuy nhiên, chẳng tính năng nào hoạt động. Quá thất vọng, hai trong số các hãng thu âm lớn nhất, Universal Music Group và Sony Music, đã trì hoãn khoản hỗ trợ tới gần hai năm. Cuối cùng tháng Ba năm ngoái dịch vụ SoundCloud Go đã được trình làng và nó có giá thuê bao 10 USD một tháng chứ không phải 4 USD như dự tính ban đầu. Bên cạnh đó, thư viện nhạc của nó chỉ có khoảng 15 triệu bài hát, bằng một nửa so với Spotify và Apple Music. Thời điểm đó, một số cựu nhân viên nói họ vô cùng thất vọng và đã xin thôi việc.
Wilson, thành viên ban giám đốc, cho rằng mọi người đã không đánh giá đúng SoundCloud. Sau YouTube, SoundCloud là công ty đầu tiên mở rộng từ một nền tảng cho nội dung do người dùng tạo ra thành một dịch vụ được cấp phép. "Chúng tôi phải làm việc tích cực và chăm chỉ để vượt qua tất cả những thách thức", Wilson nói. "Tôi thấy rằng SoundCloud sắp vượt qua một giai đoạn khó khăn chứ không phải mới bắt đầu bước vào thời gian thử thách".
Do chi phí bản quyền đắt đỏ, nên ngay cả những công ty stream hàng đầu vẫn gặp khó trong việc tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững. "Thị trường stream toàn cầu là một cuộc đua song mã", Mulligan nói. Ông đặt cược vào Spotify và Apple.
Theo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"