Startup Trung Quốc quảng cáo phần mềm trị dứt điểm chứng mất ngủ cho 200 triệu người
Zhengan Keji nói rằng liệu pháp chữa mất ngủ của họ rất tiện lợi, giá rẻ, và hiệu quả cao.
Tại Trung Quốc, có hơn 500 triệu bệnh nhân mắc triệu chứng mất ngủ, hơn 200 triệu trong số đó là mãn tính - theo một báo cáo vào năm 2016 của Hiệp hội Nghiên cứu về Giấc ngủ Trung Quốc. Nói cách khác, gần như mọi hộ gia đình ở Trung Quốc đều có người thiếu ngủ.
Biết được điều đó, một startup đã đưa ra một giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo gọi là "asleep".
Liệu pháp số của Zhengan Keji, hay DTx, về cơ bản sẽ kê đơn phần mềm cho các bệnh nhân giống như các bác sỹ kê đơn thuốc vậy. Việc kê đơn có thể được thực hiện bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, và các liệu pháp của họ thì tương đối rẻ - ít nhất là theo những gì công ty cam kết.
Mất ngủ hiện đã trở thành một vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc, nhưng phải đến gần đây, các giải pháp y tế mới bắt đầu trở nên phổ biến, và trên cả nước, số lượng các chuyên gia về giấc ngủ lẫn những liệu pháp chữa trị dành cho nhiều nhóm bệnh nhân khác nhau cũng ở trong tình trạng thiếu thốn.
Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân mất ngủ ở Trung Quốc mặc kệ tình trạng bệnh của họ, hoặc tìm đến sự trợ giúp từ những bác sỹ không có chuyên môn về giấc ngủ.
Tình trạng mất ngủ có thể gây ra những thương tổn đáng kể về tâm lý và thể chất. Nó khiến chúng ta dễ bị lo lắng, trầm cảm, mắc các bệnh mãn tính hoặc các bệnh khác. Nó còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của các bệnh nhân nữa.
Các giải pháp chữa trị mất ngủ hiện có trên thị trường bao gồm sử dụng gối đệm cao su, tiêu thụ các loại thực phẩm bổ dưỡng, sử dụng các thiết bị thông minh và các ứng dụng theo dõi giấc ngủ.
Giải pháp "asleep" của Zhengan Keji ứng dụng "liệu pháp hành vi nhận thức - Insomnia" (viết tắt là CBT-I).
Thông qua phần mềm, liệu pháp số này tìm cách can thiệp và chỉnh sửa nhận thức, hành vi, và tình trạng tâm lý liên quan chứng mất ngủ kinh niên của bệnh nhân, qua đó điều chỉnh nhịp điệu giấc ngủ của họ. Hệ thống này cho phép các bệnh nhân đi vào giấc ngủ một cách êm ả mà không cần sử dụng các loại thuốc ngủ.
Các liệu pháp không dùng thuốc hiện khá phổ biến tại các bệnh viên chuyên ngành, nhưng bệnh nhân sẽ phải đến phòng khám mỗi tuần và trả một khoản phí lên đến 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 143 USD) cho mỗi lần khám.
Giải pháp "asleep" về cơ bản là tạo ra các phòng khám về giấc ngủ trực tuyến. Chuyên gia trị liệu AI, thay mặt các bác sỹ, chẩn đoán các bệnh nhân mất ngủ thông qua internet và mang lại một giải pháp tuỳ biến toàn diện dựa trên một tập hợp các đặc tính riêng biệt của mỗi bệnh nhân.
Chuyên gia trị liệu AI sẽ làm quen với từng bệnh nhân với sự trợ giúp của một chatbot, sau đó đánh giá tình trạng của họ. Trong quá trình tiến hành các công đoạn tiếp sau, nó cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch chữa trị - một sự kết hợp của những hạn chế cần thực hiện trong quá trình ngủ, các phương pháp kiểm soát kích thích, trị liệu nhận thức, các kỹ thuật thư giãn, hướng dẫn vệ sinh giấc ngủ, và một số vấn đề khác.
Các bệnh nhân sẽ nhận được hướng dẫn trực tuyến 15 phút mỗi ngày, không giới hạn thời gian hay địa điểm. Tổng chi phí cho đợt trị liệu là 499 Nhân dân tệ, rẻ hơn nhiều so với các liệu pháp truyền thống. Phiên bản thử nghiệm beta của ứng dụng đã được tung ra, và người dùng có thể nhận các đợt trị liệu miễn phí trong thời kỳ thử nghiệm.
Trong một đợt thử nghiệm lâm sàng được tiến hành hồi tháng 3, 85% các chủ thể thể hiện những kết quả vượt trội sau khoảng 2 tuần tham gia "asleep". Trung bình, những bệnh nhân này đã cắt giảm được thời gian cần để đi vào giấc ngủ chỉ còn 30 phút so với 60 phút trước đây.
Công ty dự định tiến hành một đợt thử nghiệm lâm sàng mới với Trung Quốc Nghiên cứu về Giấc ngủ thuộc Đại học Bắc Kinh.
Zhengan Keji tự nhận là một công ty y tế số. Hiện họ đang chờ cấp phép từ Cơ quan quản lý Các sản phẩm Y tế Quốc gia của Trung Quốc.
Startup công nghệ y tế Mỹ Pear Therapeutics’s Somryst hồi tháng 3 vừa qua đã trở thành ứng dụng trị liệu số đầu tiên nhắm đến các bệnh nhân mất ngủ được cấp phép bởi Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ, qua đó mở ra một xu thế để ngành công nghiệp y tế của Trung Quốc học hỏi.
"Chúng tôi áp dụng các mô hình doanh nghiệp - doanh nghiệp - người tiêu dùng và doanh nghiệp - người tiêu dùng" - nhà sáng lập Liu Xiaogang của Zhengan Keji nói. "Chúng tôi nhắm đến những người bị mất ngủ, bao gồm phụ nữ mang thai, vốn nhiều khả năng bị mất ngủ; phụ nữ đang cho con bú, mà 70% trong số này cho biết bị mất ngủ; và những người đang ăn kiêng, vốn có khả năng bị mất ngủ cao hơn nữa".
"Bởi chất lượng giấc ngủ có mối liên hệ với những bệnh như béo phì, bệnh tim mạch vành, tiểu đường, căng thẳng và trầm cảm, nhu cầu được chữa trị ở những người bị các bệnh này là rất lớn" - Liu nói. "Với giải pháp trị liệu số, chúng tôi muốn tìm các công ty đối tác tiềm năng để tập trung vào các lĩnh vực đó và đi đến những thoả thuận chia sẻ lợi nhuận với họ".
Zhengan Keji còn đang tìm cách thu hút các khách hàng bán lẻ thông qua các chương trình khuyến mãi trên các ứng dụng nhắn tin phổ biến như WeChat và Weibo, các ứng dụng chia sẻ video như Douyin và Kuaishou, website hỏi đáp Zhihu cũng như các giải pháp SEO nhằm cải thiện thứ bậc của một website trong danh sách kết quả tìm kiếm.
Nhiều khách hàng của công ty là các khách hàng thường xuyên, những người quay lại để mua thêm phần mềm và phần cứng hỗ trợ giấc ngủ. Sau khi đạt một lượng người dùng vừa đủ, công ty dự định xem xét cung cấp thêm các dịch vụ dữ liệu nữa.
Liu có 16 năm kinh nghiệm làm quản lý thiết kế cho các sản phẩm công nghệ. Ông từng làm cho gã khổng lồ internet Tencent Holdings và Kingsoft Cloud, một bộ phận của nhà sản xuất smartphone Xiaomi. Tại công ty công nghệ wearable của Xiaomi là Huami, ông từng mở một bộ phận sức khoẻ y tế và còn đảm nhiệm vai trò phát triển phần mềm cho các vòng đeo thông minh của Xiaomi.
Liu đã trở thành một chuyên gia về thu thập và phân tích dữ liệu y tế người dùng thông qua phần cứng, và thông qua tận dụng lợi thế của các nguồn tài nguyên liên quan y tế và bác sỹ.
Zhengan Keji hiện đang tiếp tục gọi vốn. Họ dự định sẽ đổ tiền mặt vào phát triển sản phẩm, xin giấy phép từ Cơ quan quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia, nghiên cứu y tế và quản lý sản phẩm.
Tham khảo: NikkeiAsiaReview
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"