Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, mỗi khi có sự cố về cáp biển, đặc biệt là với AAG – hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn do tính kinh tế của nó thì chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam đi quốc tế có thể mất ổn định cục bộ trong một vài ngày đầu.
Như ICTnews đã đưa tin , tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway - AAG gặp sự cố sáng ngày 16/8/2019 trên nhánh S1H tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 124,5 km, làm ảnh hưởng chất lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Theo kế hoạch, dự kiến việc khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển AAG sẽ bắt đầu từ sáng 29/8/2019 và hoàn thành vào ngày 3/9/2019.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.
Trao đổi với ICTnews ngày 26/8/2019, đánh giá về mức độ ảnh hưởng của lần cáp biển AAG gặp sự cố ngày 16/8 vừa qua đối với các nhà cung cấp và người dùng dịch vụ Internet Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho hay: “Cũng như những lần gián đoạn cáp AAG trước đây, trong một vài ngày đầu có thể có ảnh hưởng cục bộ về chất lượng, sau đó các nhà mạng sẽ tăng cường ứng cứu và đưa chất lượng dịch vụ về mức thường lệ”.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, do tuyến cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố nên các nhà mạng như Viettel, CMC Telecom, NetNam… đã có kế hoạch để giảm tỷ trọng dung lượng kết nối quốc tế qua tuyến cáp.
Trước đó, trong chia sẻ với ICTnews hồi đầu năm nay, ông Vũ Thế Bình đã nhận xét: “Trong 2 năm qua, dung lượng Internet Việt Nam đã được bổ sung thêm qua các tuyến cáp mới là APG (đầu năm 2017) và AAE-1 (đầu năm 2018) nên về lý thuyết tỷ trọng dung lượng qua TGN-IA và AAG giảm đi, và Internet Việt Nam sẽ ảnh hưởng ít hơn trước khi có một trong những tuyến cáp quốc tế bị sự cố”.
Thế nhưng, trên thực tế, thời gian gần đây, trên các diễn đàn và mạng xã hội, không ít người sử dụng lại kêu nhiều về chất lượng dịch vụ Internet nhất là dịch vụ Internet đi quốc tế.
Bình luận về tình trạng trên, từ góc nhìn của một chuyên gia trong ngành và cũng là đơn vị đang tham gia cung cấp dịch vụ, ông Vũ Thế Bình chia sẻ: “Chúng tôi chưa có dữ liệu thống kê nên không đánh giá được thực tế tình hình về chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở quan sát, chúng tôi cho rằng mỗi khi có sự cố về cáp biển, đặc biệt là với AAG – hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn do tính kinh tế của nó, thì chất lượng dịch vụ có mất ổn định cục bộ trong thời gian đầu. Sau đó, các nhà mạng sẽ bổ sung ứng cứu dần đủ để đưa chất lượng về mức ổn định”.
Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, cũng như những lần gián đoạn cáp AAG trước đây, trong một vài ngày đầu có thể có ảnh hưởng cục bộ về chất lượng, sau đó các nhà mạng sẽ tăng cường ứng cứu và đưa chất lượng dịch vụ về mức thường lệ. (Ảnh minh họa: Internet) |
Trả lời câu hỏi liệu còn có những nguyên nhân nào khác nữa ngoài sự cố cáp biển AAG mới xảy ra đưa đến việc chất lượng dịch vụ Internet bị người dùng phàn nàn nhiều thời gian gần đây, ông Vũ Thế Bình nhận xét: “Cũng không loại trừ khả năng nhu cầu sử dụng của người dùng gần đây tăng lên, sau khi các nhà mạng tuyên bố tăng băng thông gấp đôi và giữ giá cho các gói dịch vụ FTTx cá nhân và hộ gia đình. Điều này rõ ràng cũng tạo áp lực mở rộng dung lượng nói chung của các doanh nghiệp, đồng thời gia tăng kỳ vọng của người dùng. Khi kỳ vọng tăng lên, người dùng cũng nhạy cảm hơn đối với chất lượng dịch vụ”. |
Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, tổng dung lượng kết nối Internet cả trong nước và quốc tế liên tục tăng trong khoảng 5 năm trở lại đây. Trong đó, tổng dung lượng kết nối Internet trong nước tăng từ 750.000 Mbps giai đoạn 2013 – 2014 lên hơn 1,7 triệu Mbps vào năm 2016 và “cán mốc” trên 2,7 triệu Mbps vào năm 2018. Tương tự, với tổng dung lượng kết nối Internet quốc tế, năm 2014 mới đạt 926.687 Mbps song con số này đã lên hơn 3,8 triệu Mbps vào năm 2016; tiếp đó tăng lên gần 5,6 triệu Mbps vào năm 2017 và đạt gần 7,8 triệu Mbps vào cuối năm 2018.
AAG là tuyến cáp quang biển quốc tế có tổng chiều dài 20.191 km, với lưu lượng thiết kế ban đầu là 2 Tb/giây và liên tục được nâng cấp theo thời gian, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với Mỹ. Tuyến cáp quang biển quốc tế này được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009, đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California). Từ khi được đưa vào khai thác đến nay, AAG đã nhiều lần gặp sự cố hoặc được bảo trì gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung đã ứng dụng AI để định hình trải nghiệm giải trí thông minh trên AI TV như thế nào?
Tương tự dòng điện thoại Galaxy, Samsung AI TV thể hiện rõ khát vọng của thương hiệu điện tử Hàn Quốc trong việc “đưa AI đến với tất cả mọi người,” mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ di động đến TV.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"