Sử dụng máu NGƯỜI trẻ tiêm lên CHUỘT già, các nhà khoa học cải thiện được thể lực của chuột

    Lê Tuấn Anh,  

    Một bước tiến gần hơn tới việc trẻ hóa những sinh vật đã già.

    Thoạt nghe có vẻ giống như một câu chuyện rùng rợn, nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy truyền máu người trẻ vào cơ thể già cỗi hơn dường như đem lại sự trẻ hóa, thậm chí khi cơ thể ấy không phải là con người.

    Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã lấy mẫu máu từ một nhóm người 18 tuổi khỏe mạnh và tiêm vào chuột 12 tháng tuổi (tương đương với mức khoảng 50 tuổi ở người). Những con chuột được tiêm huyết tương máu người 2 lần/tuần trong vòng 3 tuần.

    Sau đó, các nhà khoa học so sánh hành vi của chuột được tiêm huyết tương người với nhóm chuột trẻ (3 tháng tuổi) và nhóm chuột già (12 tháng tuổi) không được tiêm huyết tương.

    Chuột được tiêm huyết tương chạy quanh các không gian mở giống như những con chuột trẻ thực sự (nhóm chuột 3 tháng tuổi).

    Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra trí nhớ của chuột cũng được cải thiện. Khi đưa chuột được tiêm huyết tương vào thiết bị có tên là mê cung Barnes (công cụ đánh giá tư duy không gian và trí nhớ của chuột), do trí nhớ yếu, chuột già định hướng kém khi ở trong mê cung Barnes. Thế nhưng trong các bài kiểm tra, chuột được tiêm huyết tương người có biểu hiện không khác gì những con chuột trẻ.

     Mê cung Barnes để thử nghiệm trên chuột.

    Mê cung Barnes để thử nghiệm trên chuột.

    Nhà nghiên cứu Sakura Minami cho biết: "Chúng tôi thấy có hiệu ứng trẻ hóa. Huyết tương người trẻ giúp cải thiện khả năng nhận thức. Trí nhớ của chuột cũng được duy trì".

    Huyết tương chứa hàng ngàn protein, ở người trẻ có một số protein có thể giúp trẻ hóa các mô, nhưng đến độ tuổi nhất định, chúng biến mất và thay thế bởi những phân tử đã bị hư hại.

    "Đây là lần đầu tiên chúng tôi đã thực sự phát hiện ra rằng có hàng trăm protein thay đổi trong quá trình lão hóa", nhà thần kinh học Karoly Nikolich cho biết. Trong huyết tương lão hóa có sự gia tăng các protein gây viêm, một nguyên nhân dẫn đến sự chết của tế bào.

    Những protein này không chỉ ảnh hưởng đến các mô trong cơ thể, mà còn ảnh hưởng tới bộ não. Khi nhóm nghiên cứu kiểm tra mặt cắt ngang bộ não của những con chuột được tiêm huyết tương và so sánh với những chuột ở độ tuổi tương tự nhưng không được tiêm, họ thấy chuột được tiêm huyết tương có số tế bào thần kinh mới hình thành nhiều hơn.

    Các tế bào thần kinh rất quan trọng đối với khả năng học hỏi và ghi nhớ. Huyết tương người dường như đã gia tăng quá trình hình thành các tế bào thần kinh ở chuột.

    Nghiên cứu này đã được trình bày tại Hội nghị thường niên về khoa học thần kinh tại San Diego, nhưng cần lưu ý rằng nghiên cứu chưa được công bố chính thức hay phản biện bởi các nhà khoa học khác.

    Một số nghiên cứu vào năm 2014 đã cho thấy khi truyền máu chuột non vào chuột già giúp cải thiện khả năng nhận thức và thể lực. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Nikolich đã lần đầu tiên phát hiện ra hiệu ứng này khi dùng huyết tương của loài này cho loài khác.

    Các nhà nghiên cứu hiện đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Đại học Stanford với 18 người mắc Alzheimer ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Nếu thử nghiệm thành công, họ hy vọng sẽ làm một nghiên cứu lớn hơn với sự tham gia của nhiều bệnh nhân và dùng liều huyết tương lớn hơn, nhằm tìm hiểu khả năng điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson.

    Hiện nay, mọi ánh nhìn đang đổ dồn vào các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. "Kết quả cuối cùng sẽ có vào cuối năm nay", Nikolich cho biết.

    Theo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ