Sự kì diệu của y học: Khi ánh sáng được dùng để chữa bệnh

    zknight,  

    Cũng giống như thực vật quang hợp, con người có phản ứng hóa học với ánh sáng.

    Donna Keller-Ossipov là một y tá 61 tuổi, nghỉ hưu và mắc chứng đau nửa đầu kinh niên. Trong suốt 30 năm bị hành hạ bởi những cơn đau đầu, bà đã thử mọi cách để chữa trị nó - từ các loại thuốc thông thường cho tới tiêm Botox giảm đau.

    Thế nhưng, những cơn đau nửa đầu vẫn cứ tấn công Keller-Ossipov thường xuyên. Vài ngày một lần, bà buộc phải vào phòng, đóng kín cửa trong cơn buồn nôn và chẳng thể làm được gì.

    Mới đây, khi đọc được thông tin về một thử nghiệm lâm sàng “trị liệu ánh sáng xanh - green light therapy” cho bệnh nhân đau nửa đầu, Keller-Ossipov đã không ngần ngại đăng ký. Nhiều tháng sau khi nghiên cứu kết thúc, 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày, bà vẫn tự tắm mình trong ánh sáng màu xanh lá cây phát ra từ một chiếc đèn LED xách tay.

    Keller-Ossipov đặt nó bên cạnh mình vào ban đêm trước khi chuẩn bị đi ngủ. Kể từ đó, bà không còn bị đau nửa đầu nữa. "Tôi không biết cơ chế làm việc như thế nào", Keller-Ossipov nói. "Nhưng nó đã có tác dụng".

     Sự kì diệu của y học: Khi ánh sáng có thể được dùng để chữa bệnh

    Sự kì diệu của y học: Khi ánh sáng có thể được dùng để chữa bệnh

    Thử nghiệm lâm sàng về trị liệu ánh sáng mà Keller-Ossipov tham gia được thực hiện tại Đại học Arizona. Nó chỉ là một trong hàng chục nghiên cứu đang được tiến hành để khám phá xem: Liệu ánh sáng ở các bước sóng cụ thể, tác dụng lên da và mắt, có khả năng giúp chữa trị các vấn đề sức khỏe hay không?

    Tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm một chiếc mũ phát ánh sáng màu đỏ. Nó được kì vọng có thể giúp bệnh nhân chấn thương sọ não hồi phục nhanh hơn. Tại Đại học California, San Francisco, một nhóm các nhà khoa học khác đang nghiên cứu một thiết bị tương tự, có thể ngăn chặn suy giảm trí tuệ ở những bệnh nhân Alzheimer.

    Ở các cơ sở da liễu và spa cao cấp, họ thường sử dụng liệu pháp ánh sáng để chữa trị phần nào các vấn đề về da. Thậm chí, nhờ vào giá thành rẻ, tính chất tỏa nhiệt thấp (do đó an toàn hơn) của đèn LED, trên mạng internet còn có một số hướng dẫn cách làm ra những chiếc đèn LED trị mụn trứng cá, trầm cảm và giảm đau tại nhà.

    "Tôi nghĩ mọi người sẽ muốn biết nhiều hơn về các liệu pháp trị liệu ánh sáng”, Tiến sĩ Michael Hamblin, phó giáo sư da liễu tại trường Y Harvard nói. “Thay vì đi bộ đến phòng khám bác sĩ để tắm ánh sáng, người tiêu dùng có thể tự phơi mình ở nhà. Ánh sáng về cơ bản là giống nhau, các phương pháp trị liệu tương đối an toàn, và chi phí dành cho chúng cũng nhỏ".

    Trị liệu ánh sáng hoạt động như thế nào?

    Từ những năm đầu của thế kỷ 20, các bác sĩ đã từng sử dụng một phương pháp trị liệu ánh sáng đơn giản. Họ đặt những giường bệnh ngoài ban công đầy nắng, dành cho những bệnh nhân còi xương hoặc bị vẩy nến.

    Năm 1903, Niels Finsen, một bác sĩ người Đan Mạch đã đoạt giải Nobel khi phát minh ra một bóng đèn khổng lồ để điều trị bệnh lao da (lupus). Trong những năm 1920, các vận động viên Olympic đã nghĩ ra một cách tắm tia UV trước khi chạy để cải thiện thành tích.

    Mặc dù vậy, khi ngành dược phẩm phát triển để tạo ra được những loại thuốc chữa trị nhanh hơn, các phương pháp dùng ánh sáng chữa bệnh bị mất dần sự ưa chuộng. Cùng với đó, sự lo lắng gia tăng cho rằng việc phơi sáng không kiểm soát có thể dẫn tới ung thư da.

    Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, trị liệu ánh sáng bắt đầu quay trở lại, nhờ vào sự phát triển của laser và đèn LED có chi phí thấp, nhưng cung cấp các bước sóng chính xác hơn, hạn chế tia tử ngoại gây hại cho da.

    Theo một báo cáo mới của Future Market Insights, người tiêu dùng Mỹ đã chi 309 triệu USD cho trị liệu ánh sáng vào năm 2016. Thị trường cho phương pháp chữa bệnh này trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 5% mỗi năm trong giai đoạn 10 năm tới.

    Nhưng chính xác thì, làm thế nào ánh sáng có thể chữa được bệnh?

     Tiến sĩ Làm thế nào ánh sáng có thể chữa được bệnh?

    Tiến sĩ Làm thế nào ánh sáng có thể chữa được bệnh?

    Tiến sĩ Hamblin giải thích rằng con người – cũng giống như thực vật quang hợp - có phản ứng hóa học với ánh sáng.

    Khi các hạt ánh sáng chạm vào da, chúng sẽ bị hấp thụ bởi những phân tử nhạy sáng bên trong tế bào. Điều này bắt đầu một chuỗi phản ứng. Phản ứng này thay đổi tùy thuộc vào năng lượng, bước sóng, màu sắc của ánh sáng và nơi nó được chiếu vào.

    Ví dụ, khi bước sóng dài hơn cho ra ánh sáng đỏ chạm vào da, nó sẽ thúc đẩy ty lạp thể (nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào) làm việc hiệu quả hơn. Qua đó, cơ thể sẽ sản sinh nhiều hợp chất chống viêm và các chất chống oxy hóa có tác dụng phòng chống bệnh tật.

    Ánh sáng là một dạng tác động rất nhẹ, kích hoạt các cơ chế bảo vệ trong tế bào, theo tiến sĩ Hamblin. Nếu ánh sáng đi qua mắt, nó kích thích các dây thần kinh dẫn từ võng mạc tới não. Điều đó ảnh hưởng đến việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine.

    Bác sĩ Raymond Lam, nhà nghiên cứu từ Khoa tâm thần học thuộc Đại học British Columbia giải thích tác động này có thể cải thiện tâm trạng của bạn. Khi phơi mình dưới ánh sáng có bước sóng ngắn hơn, chẳng hạn như ánh sáng xanh lam sẽ khiến bạn tỉnh táo.

    Ngược lại, khi bạn nhìn màn hình các thiết bị điện tử quá nhiều, với ánh sáng xanh, nó sẽ cản trở việc sản xuất hooc-môn melatonin. Và khi không có đủ hooc-môn này, bạn sẽ khó ngủ ngon.

    Liệu pháp ánh sáng cho làn da và tâm trạng

    Các ứng dụng y tế phổ biến nhất, sử dụng trị liệu ánh sáng, được chấp thuận là trong da liễu. Do khả năng tiêu diệt vi khuẩn, ánh sáng xanh dương thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá. Ngược lại, ánh sáng màu đỏ được sử dụng để điều trị nếp nhăn.

    "Khi kích thích ty lạp thể, nó làm cho các tế bào già nua hoạt động giống như các tế bào tươi trẻ", bác sĩ da liễu Meghan Feely tại New York cho biết.

     Ánh sáng đỏ có tác dụng làm giảm nếp nhăn

    Ánh sáng đỏ có tác dụng làm giảm nếp nhăn

    Gần đây, một số công ty đã tung ra thị trường một sản phẩm mặt nạ trị liệu bằng ánh sáng xanh, nhằm điều trị mụn trứng cá. Vào tháng 7 năm ngoái, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận một thiết bị trị liệu ánh sáng xanh tại nhà có tên là BlueControl. Nó được chỉ định cho bệnh nhân vẩy nến.

    Các bác sĩ cũng cho rằng những thiết bị trị liệu ánh sáng tại nhà, giá rẻ đủ an toàn nếu bệnh nhân tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, thường bao gồm việc đeo kính để bảo vệ mắt và tránh tiếp xúc với ánh nắng sau khi trị liệu.

    Chỉ có điều, hiệu quả của những công cụ trị liệu tại gia không được như các thiết bị chuyên dụng tại cơ sở y tế. Feely cho biết điều trị tại nhà không giúp ích nhiều cho nang lông và mụn đầu đen. Tại cơ sở chuyên khoa, các bác sĩ cũng thường có kem thoa để làm da nhạy cảm hơn với ánh sáng điều trị.

    Trị liệu ánh sáng cũng có tác dụng đối với tâm lý. Các bác sĩ thường dùng ánh sáng trắng hoặc xanh dương để điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa. Ánh sáng nhân tạo có thể bù đắp cho lượng ánh sáng thiếu hụt vào ban ngày, khiến không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm trong mùa đông.

    Lý thuyết hỗ trợ phương pháp trị liệu này là: Ánh sáng nhân tạo có thể thúc đẩy sự tỉnh táo. Nó cũng có thể thiết lập lại đồng hồ sinh học và cải thiện cảm xúc cho người sử dụng.

    Nghiên cứu của tiến sĩ Lam cho thấy cả những người mắc trầm cảm không theo mùa cũng có thể nhận thấy tác dụng. Nhìn vào ánh sáng có thể giúp tăng sản xuất chất dẫn truyền thần kinh khiến họ cảm thấy tốt hơn.

    Một nghiên cứu năm 2015 đã so sánh bốn nhóm tình nguyện viên với nhau: một nhóm dùng giả dược; một nhóm phơi sáng 30 phút mỗi ngày dưới một hộp đèn huỳnh quang có cường độ 10.000 lux (bằng độ sáng của trời buổi sáng mùa hè); một nhóm dùng thuốc chống trầm cảm hàng ngày; và một nhóm vừa dùng thuốc vừa được chiếu sáng.

    Sau 8 tuần, 29% số tình nguyện viên trong nhóm thuốc chống trầm cảm cảm thấy tốt hơn (ít hơn 33% của nhóm dùng giả dược). Trong khi đó, 50% bệnh nhân trong nhóm trị liệu ánh sáng và 76% nhóm kết hợp cả hai phương pháp cảm thấy tốt hơn.

    Theo tiến sĩ Lam, bệnh nhân trầm cảm nên được thử liệu pháp ánh sáng. Nhưng ngược lại, những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực (lúc hưng cảm lúc trầm cảm) nên tránh xa các hộp đèn, bởi nó có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của họ.

     Ánh sáng nhân tạo có thể cải thiện chứng trầm cảm theo mùa và cả trầm cảm không theo mùa

    Ánh sáng nhân tạo có thể cải thiện chứng trầm cảm theo mùa và cả trầm cảm không theo mùa

    Tương lai của trị liệu ánh sáng

    Trị liệu ánh sáng đã chứng tỏ hiệu quả của nó trong các vấn đề sức khỏe tâm thần và da liễu. Nhưng khi nói đến việc sử dụng nó cho các bệnh nghiêm trọng khác, nhiều người vẫn còn hoài nghi.

    Nghiên cứu trên người trong lĩnh vực này là rất hiếm. Kết quả của chúng cũng không đồng bộ, lúc thì chỉ ra trị liệu ánh sáng có tác dụng, lúc thì ngược lại.

    Một nghiên cứu gần đây về điều trị ánh sáng cho bệnh nhân đột quỵ đã bị ngừng vì kết quả chỉ ra ánh sáng là vô ích, không có tác dụng. Các nghiên cứu sử dụng trị liệu ánh sáng để chữa lành vết thương vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng.

    Nhưng tiến sĩ Hamblin, người đã dành tới 30 năm để nghiên cứu trị liệu ánh sáng tin rằng, ở đúng liều lượng, bước sóng và kỹ thuật, ánh sáng rất hứa hẹn có thể điều trị các chứng rối loạn phổ biến như đau mạn tính và suy giảm trí nhớ và cải thiện kỹ năng tư duy.

    Một nghiên cứu đã tổng hợp lại kết quả của 16 thử nghiệm, trên tổng cộng 820 bệnh nhân cho thấy ánh sáng cận hồng ngoại (bước sóng dài hơn ánh sáng màu đỏ) chiếu trên da giúp giảm đau cổ ngay sau khi điều trị và hiệu quả kéo dài trong vài tuần tiếp theo.

    Một nghiên cứu nhỏ trên đối tượng là những bệnh nhân sa sút trí tuệ cho thấy khi đeo một thiết bị phát ánh sáng cận hồng ngoại trên đầu và được chiếu vào trong lỗ mũi từ 20-25 phút mỗi ngày, kéo dài trong 12 tuần liên tiếp, họ đã làm tốt hơn các bài kiểm tra trí nhớ và tư duy. Các thử nghiệm lớn hơn đang trong quá trình tiến hành và theo dõi kết quả.

    Trong khi đó, bác sĩ Mohab M. Ibrahim, giám đốc phòng Chẩn đoán đau tại Đại học Arizona, đang tập trung nghiên cứu của ông vào ánh sáng màu xanh lá cây, có bước sóng dài hơn một chút so với màu xanh lam. Ông muốn biết nó có tác dụng thế nào với các chứng bệnh đau mạn tính.

    Nghiên cứu của Ibrahim trên chuột cho thấy khi chiếu ánh sáng LED xanh lá qua võng mạc, những con chuột sẽ tăng sản xuất enkephalins, một hóa chất giảm đau tự nhiên trong tủy sống.

    Đó có thể là lý do tại sao, các bệnh nhân bị đau nửa đầu như Keller-Ossipov đã báo cáo tình trạng của họ được cải thiện khi sử dụng trị liệu ánh sáng xanh.

    Các nhà khoa học tại Đại học Arizona đang sử dụng ánh sáng xanh để điều trị đau mạn tính

    Bác sĩ Ibrahim khuyến cáo bệnh nhân không nên sử dụng ánh sáng xanh trong thời gian cơn đau nửa đầu xuất hiện (tiếp xúc với ánh sáng khi đó có thể làm trầm trọng thêm cơn đau). Nhưng họ nên sử dụng nó hàng ngày trong 10 tuần để phòng ngừa, tránh thời gian của cơn đau.

    Ông cũng không quên nhấn mạnh: "Liệu pháp này vẫn còn mang tính thử nghiệm lớn, và cần thêm nhiều nghiên cứu nữa". Mặc dù vậy, kết quả ban đầu đã khiến cả bác sĩ Ibrahim và những bệnh nhân hài lòng, trong đó có bà Keller-Ossipov.

    Kể từ khi bắt đầu trị liệu bằng ánh sáng xanh, Keller-Ossipov đã giảm được liều thuốc của mình xuống 1 nửa, ngưng hẳn Botox, và có thể trở lại trường học để lấy bằng thạc sĩ.

    "Tôi có thể nói với bạn một điều," Keller-Ossipov chia sẻ. " Rằng tôi sẽ không trả lại [các nhà khoa học trong cuộc thử nghiệm] ánh sáng đó [thứ mà họ đã cho tôi dùng thử] đâu".

    Tham khảo Webmd

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày