Sự phát triển nóng của loài người trong 50 năm qua đã làm suy giảm 2/3 quần thể động vật trên Trái Đất
Từ sau thập niên 1970, con người bắt đầu khai thác và tiêu thụ tự nhiên quá mức bù đắp của hành tinh.
Theo báo cáo Chỉ số Sự sống Hành tinh (The Living Planet Index) năm 2020 của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn cầu (WWF), quần thể các loài động vật bao gồm thú, chim và cá trên Trái Đất đã bị suy giảm tới hơn 2/3 trong vòng chưa đầy 50 năm trở lại đây.
Nguyên nhân được cho là sự săn bắt và tiêu thụ quá mức của conngười, đồng thời, sự phát triển của xã hội loài người đã xâm lấn và gây suy thoái nghiêm trọng 3/4 diện tích đất liền và 40% đại dương trên toàn thế giới.
Các tác giả đóng góp vào báo cáo cho biết tốc độ tàn phá thiên nhiên của con người thậm chí đang ngày một gia tăng. Nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe và sinh kế của chính giống loài chúng ta.
Chỉ số Sự sống Hành tinh theo dõi sự đa dạng của hơn 4.000 loài động vật có xương sống phân bố trên toàn thế giới.
Chỉ số Sự sống Hành tinh là một bản báo cáo được thực hiện dưới sự hợp tác của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn cầu (WWF) và Hiệp hội Động vật học London. Trong đó, các nhà khoa học có nhiệm vụ theo dõi sự đa dạng của hơn 4.000 loài động vật có xương sống phân bố trên toàn thế giới.
Ấn phẩm năm 2020 là lần thứ 13 báo cáo Chỉ số Sự sống Hành tinh được thực hiện. Và năm nay, các nhà khoa học đã tập trung cảnh báo nạn phá rừng và mở rộng nông nghiệp ngày càng tăng của loài người như một nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm tới 68% quần thể động vật được theo dõi từ năm 1970 đến năm 2016.
"Đó là một mức suy giảm nhanh chóng mà chúng tôi đã theo dõi được trong vòng 30 năm. Tình hình đó thậm chí tiếp tục ngày càng tệ", Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF toàn cầu cho biết. "Trong năm 2016, chúng tôi ghi nhận mức giảm 60%, bây giờ mức giảm đã là 70%".
"Tất cả những điều này chỉ diễn ra trong nháy mắt so với hàng triệu năm mà nhiều loài sinh vật đã sống trên hành tinh", Lambertini cho biết thêm. Các nhà khoa học cảnh báo việc con người xâm lấn vào thiên nhiên sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm cả sự gia tăng của các đại dịch toàn cầu khi chúng ta ngày càng tiếp xúc gần với động vật hoang dã hơn.
Sự sụt giảm "sửng sốt"
Nửa thế kỷ qua, con người đã chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong lịch sử. Tốc độ tăng trưởng ấy được củng cố bởi sự bùng nổ trong khai thác và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới.
Tất cả các hoạt động của con người tác động lên thiên nhiên được gọi là "dấu chân sinh thái" mà chúng ta để lại trên hành tinh. Cho đến năm 1970, các nhà khoa học cho biết những dấu chân đó vẫn còn được xóa mờ. Nghĩa là con người tác động vào thiên nhiên tới đâu, thiên nhiên có thể phục hồi và tái tạo lại được tới đó.
Nhưng từ sau thập niên 1970 trở đi, con người bắt đầu khai thác, tiêu thụ tự nhiên quá mức đến vượt ngưỡng bù đắp của hành tinh. Cho đến nay, WWF tính toán chúng ta đã sử dụng gấp rưỡi khả năng hồi phục của Trái Đất, bao gồm cả quần thể động vật trên toàn thế giới.
Ô nhiễm, động vật xâm lấn là các yếu tố gây ra sự sụt giảm quần thể động vật. Thế nhưng, các nhà khoa học cho biết nguyên nhân sâu xa nhất và lớn nhất tạo ra sự sụt giảm này chính là hoạt động sử đụng đất của con người.
Cụ thể, chúng ta đang phá hủy cảnh quan tự nhiên và môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã để chuyển sang phục vụ mục đích của chúng ta. Các mảnh đất rừng, đồng cỏ tự nhiên nay bị biến thành đất ở, các vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ nuôi sống một dân số ngày càng tăng của con người.
Hiện tại, 1/3 diện tích đất liền và 3/4 tổng lượng nước ngọt trên toàn thế giới được dành để sản xuất lương thực. Bức tranh cũng thảm khốc không kém ở đại dương, nơi có 75% trữ lượng cá bị khai thác quá mức.
Và trong khi động vật hoang dã đang suy giảm ở một tốc độ trung bình rất nhanh, tại một số khu vực sự suy giảm thậm chí còn mạnh đến mức khủng khiếp. Chẳng hạn quần thể các loài động vật ở khu vực nhiệt đới Trung và Nam Mỹ đã bị sụt giảm tới 94% kể từ năm 1970.
"Thật là sửng sốt", Lambertini nói. "Đó là một chỉ số cảnh báo tác động của chúng ta đối với thế giới tự nhiên".
Sự suy giảm sinh thái ở một số khu vực trên thế giới.
Từ buồn đến lo lắng
Báo cáo Chỉ số Sự sống Hành tinh đi kèm với một nghiên cứu được đồng tác giả bởi hơn 40 tổ chức phi chính phủ và các tổ chức học thuật. Trong đó, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều biện pháp để làm chậm và thậm chí đảo ngược những dấu chân sinh học mà con người để lại trên hành tinh.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy việc giảm lãng phí thực phẩm và ưu tiên chế độ ăn lành mạnh, thân thiện với môi trường hơn có thể giúp "bẻ cong" sự suy giảm của quần thể động vật trên thế giới.
Cùng với những nỗ lực bảo tồn triệt để, các biện pháp này có thể ngăn chặn hơn 2/3 sự mất mát đa dạng sinh học trong tương lai, các tác giả đề xuất.
"Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ. Tốc độ phục hồi đa dạng sinh học thường chậm hơn nhiều so với tốc độ mất đa dạng sinh học trong những năm gần đây", David Leclere, một học giả nghiên cứu tại Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế cho biết.
"Điều này ngụ ý rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc hành động cũng sẽ khiến đa dạng sinh học tiếp tục bị tổn thất, một sự tổn thất mà có thể mất nhiều thập kỷ mới hồi phục được". Ngoài ra, Leclere cũng cảnh báo về những tổn thất "không thể phục hồi" đối với đa dạng sinh học, chẳng hạn như khi một loài tuyệt chủng.
Giống với các cuộc thảo luận công khai về biến đổi khí hậu trước đây, Lambertini cho biết xã hội ngày càng quan tâm đến mối liên hệ giữa sức khỏe của hành tinh và sức khỏe của con người. "Từ việc buồn vì mất đi thiên nhiên, mọi người bắt đầu lo lắng hơn", ông nói.
"Chúng ta vẫn có nghĩa vụ đạo đức để cùng tồn tại với sự sống trên hành tinh, nhưng giờ đây, yếu tố mới này còn có tác động đến xã hội, nền kinh tế và tất nhiên là cả sức khỏe của chúng ta".
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI