Sự ra đời của dòng game FPS (Phần I)

    PV, Khánh Toàn 

    Lịch sử dòng game FPS bắt đầu với những bước đi tiên phong của id Software và John Carmack.

    Nhanh, mạnh và tràn ngập chất hành động, FPS là một thể loại sinh sau đẻ muộn, nhưng nhanh chóng đạt đến những thành công rực rỡ. Đây là thể loại game có cộng đồng người hâm mộ nóng bỏng và sôi động vào bậc nhất. Liệu thể loại game nào có thể biến những nhà phát triển lập dị tồn tại nhờ xa lánh ánh mặt trời và vẽ ra các thuật toán thành những ngôi sao sáng chói trong một ngành công nghiệp?
     
     
    Có lẽ chính bản chất của FPS - Di chuyển trong không gian thực, quan sát qua góc nhìn gần nhất với thị giác của con người trong một thế giới tưởng tượng - đã tạo nên thành công của dòng game này. Đây chính là lý do những engine có khả năng mô phỏng thực tế vật lý và hiệu ứng hình ảnh là những engine nổi bật nhất. Đó cũng có thể là khả năng mang lại những cuộc đối đầu giữa người chơi với nhau ở một cấp độ và phong cách mà không một dòng game nào có được. Bất kể lý do là gì, vị trí của FPS trong làng gaming vẫn là không thể xâm phạm.
     
    Trong những năm đầu của thập kỉ 1980, lần đầu tiên người chơi game được biết đến góc nhìn thứ nhất với tựa game giả lập Battlezone - giới thiệu một gameplay mô phỏng chiến trận ở vị trí của một chiến binh lái xe tăng. Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng đối với ngành công nghiệp, vì nó giới thiệu một cảm giác chơi mới hoàn toàn.
     
     
    Tuy nhiên, cũng phải đến năm 1992, tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất đầu tiên mới được giới thiệu. Wofenstein 3D, phiên bản kế thừa của tựa game cổ điển Castle Wofenstein, là một thử nghiệm của id Software về công nghệ 3D và sức mạnh phần cứng của các PC IBM. Mặc dù không phải là tựa game với không gian ba chiều đầu tiên của id (Hovertank và Catacomb 3D đươc ra đời vào năm 1991), Wolfenstein 3D nhanh chóng lan rộng và được cộng đồng đón nhận một cách nhiệt liệt.
     
     
    Ngay trong khi dư âm của Wolfenstein 3D vẫn còn đang nóng bỏng, id tiếp tục đánh bom thị trường với siêu phẩm Doom. Tựa game huyền thoại này bán được 3,5 triệu bản, một kì tích so với giới hạn thương mại của thị trường game lúc bấy giờ. Với sức mạnh công nghệ vượt trội so với các đối thủ, Doom engine là engine 3D đầu tiên cho phép chỉ xuất và hiển thị ra các đối tượng nằm trong góc nhìn của người chơi - nhờ đó tiết kiệm được tài nguyên phần cứng và giúp nhà phát triển thể hiện chi tiết với chất lượng cao hơn hẳn.
     
     
    Doom II: Hell on Earth là một phiên bản kế thừa xứng đáng cho Doom. Có thể nói đây là tựa game đã tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thế giới FPS. Tất cả các cơ chế cơ bản cho một tựa game FPS đều được tạo ra trong tựa game này, như khả năng nhìn về tất cả các hướng (Doom không cho phép người chơi nhìn lên và xuống), các cục power up, những màn chơi mẫu mực và quan trọng nhất là khả năng chơi mạng. Rất nhiều người vẫn còn say mê những tựa game nguyên bản này, và cho đến ngày nay vẫn tiếp tục tạo ra các bản mod cho Doom II.
     
     
    Doom là cống hiến lớn nhất của id Software đến ngành công nghiệp nói chung và dòng game FPS nói riêng. Với series này, id đã chứng minh được tiềm năng kinh tế mạnh mẽ của FPS - động lực của mọi nhà phát triển. Từ giai đoạn này, lịch sử của một trong những dòng game chủ đạo quan trọng nhất được định hình, và trong những năm sau đó, rất nhiều siêu phẩm FPS nối tiếp nhau ra đời để củng cố xu hướng đó. Chúng ta sẽ tìm hiểu về những tựa game này trong các bài viết tiếp theo của loạt bài này.
     
    (Còn tiếp) 

    NỔI BẬT TRANG CHỦ