Sự sụp đổ trong chớp mắt của một 'ngân hàng tiền số': Founder lĩnh án 12 năm tù giam, nhà đầu tư mất trắng vì tin vào mức lãi suất 20%

    Vũ Anh,  

    Khủng hoảng thị trường tiền số giai đoạn 2021-2022 khiến công ty này khó đứng trụ và dần đệ đơn phá sản.

    Sự sụp đổ trong chớp mắt của một 'ngân hàng tiền số': Founder lĩnh án 12 năm tù giam, nhà đầu tư mất trắng vì tin vào mức lãi suất 20%- Ảnh 1.

    Alexander Mashinsky, nhà đồng sáng lập kiêm cựu CEO công ty cho vay tiền số Celsius Network, vừa bị tuyên án 12 năm tù vì tội gian lận. Bản án được thẩm phán John G. Koeltl của tòa án Nam Manhattan đưa ra mới đây.

    Mashinsky là người nổi tiếng tiếp theo trong giới tiền số phải vào tù, sau nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao (CZ) nhà sáng lập Terraform Labs Do Kwon. Bankman-Fried bị kết án 25 năm tù vào tháng 3/2024, CZ ngồi tù 4 tháng, trong khi Kwon bị dẫn độ từ Montenegro sang Mỹ.

    Rắc rối pháp lý của Mashinsky diễn ra từ năm 2023, khi người đàn ông này bị cáo buộc thao túng tiền số. Đến tháng 12/2024, Mashinsky nhận tội gian lận hàng hóa và âm mưu thao túng đồng token Celsius (CEL).

    Celsius Network được thành lập vào năm 2017 bởi Alexander Mashinsky, Daniel Leon và Nuke Goldstein. Công ty từng được định giá 3 tỷ USD, là một trong những nền tảng cho vay tiền số lớn nhất thế giới. Trong thời gian hoạt động, người gửi tiền số nhận được số lãi rất cao, chỉ với những tài sản thế chấp rất nhỏ.

    Sự thu hút của Celsius gắn liền với mức lãi suất trên trời. Các khách hàng gửi tiền số tại Celsius sẽ được hưởng mức lãi 18,6% với các đồng tiền số và 7,1% với stablecoin. Mức này cao hơn rất nhiều nếu so với nhiều tài khoản tiết kiệm ngân hàng.

    Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng lớn thông thường được yêu cầu phải để một lượng tài sản nhất định trong danh mục như tiền và trái phiếu có thể thanh khoản dễ dàng, Celsius lại có tỷ lệ lớn tài sản của họ gắn với các khoản đầu tư vào sản phẩm tài chính vốn rất khó hoặc không thể rút ra nhanh chóng. Nhiều khoản đầu tư được hoàn thành thông qua một kỹ thuật gọi là “staking” tiền số - hành động giữ và khóa một lượng coin nhất định để nhận được phần thưởng từ chúng. Lượng coin này có thể được khóa trong ví hoặc các nút của một dự án Blockchain trong một khoảng thời gian.

    “Không giống các ngân hàng, chúng tôi có ít rủi ro hơn”, Mashinsky nói trên kênh Youtube. “Bình thường khi khủng hoảng, mọi người chạy vào ngân hàng và rút tiền bởi họ sợ ngân hàng sẽ thất bại. Celsius sẽ chứng minh điều khác biệt”.

    Điểm chính trong bài thuyết trình gọi vốn của Celsius là lợi nhuận tăng trưởng nhanh chóng. Celsius đưa ra dự đoán cho các nhà đầu tư rằng lượng tiền gửi sẽ đạt 108 tỷ USD trong năm 2023, với con số doanh thu đạt 6,6 tỷ USD. Lợi nhuận cũng có thể đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2023, gấp 6 lần lợi nhuận dự kiến 2021.

    Sự sụp đổ trong chớp mắt của một 'ngân hàng tiền số': Founder lĩnh án 12 năm tù giam, nhà đầu tư mất trắng vì tin vào mức lãi suất 20%- Ảnh 2.

    Alexander Mashinsky

    Tuy nhiên, khủng hoảng thị trường tiền số giai đoạn 2021-2022 khiến Celsius khó đứng trụ và dần đệ đơn phá sản. Hồ sơ hồi năm 2022 cho thấy công ty có hơn 100.000 chủ nợ, trong đó một số người cho nền tảng này vay tiền mà không cần bất kỳ tài sản thế chấp nào. Danh sách 50 chủ nợ không có bảo đảm hàng đầu bao gồm công ty Alameda Research của cựu tỷ phú Sam Bankman-Fried và một công ty đầu tư có trụ sở tại Quần đảo Cayman.

    Ba tuần sau khi Celsius dừng cho khách hàng rút tiền vì “điều kiện thị trường khắc nghiệt” và một vài ngày trước khi nộp đơn xin phá sản, nền tảng này vẫn đăng quảng cáo trên trang web của mình, in đậm mức lợi nhuận gần 19%/năm.

    Sau khi đệ đơn xin phá sản, Celsius nói rằng “hầu hết các tài khoản hoạt động sẽ bị tạm dừng cho đến khi có thông báo mới” và “không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cho phép khách hàng rút tiền vào thời điểm này”.

    Sự sụp đổ của Celsius đánh dấu một vụ phá sản lớn trong hệ sinh thái tiền số. Sự kiện được ví như “khủng hoảng Lehman Brothers” – so sánh tác động từ cú ngã của một công ty cho vay tiền số với sự sụp đổ của một ngân hàng lớn ở Phố Wall thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008.

    Vấn đề bao quanh toàn bộ Celsius là mức lãi suất gần 20% mà họ cung cấp cho khách hàng không phải là thật. Trong một vụ kiện, Celsius đã bị cáo buộc là hoạt động mô hình lừa đảo Ponzi – trả cho những người trước bằng tiền của những người dùng mới. Celsius cũng đã đầu tư vào những nền tảng khác cung cấp mức lãi cao tương tự để duy trì hoạt động kinh doanh.

    Một báo cáo từ The Block cho thấy Celsius có ít nhất nửa tỷ USD đầu tư vào Anchor – nền tảng cho vay hàng đầu thất bại với dự án TerraUSD. Anchor hứa hẹn với các nhà đầu tư mức lãi suất hàng năm 20% – một tỷ lệ được cho là “không bền vững”.

    “Họ luôn phải tìm nguồn lợi nhuận, vì vậy họ di chuyển tài sản xung quanh thành các phương tiện đầy tính rủi ro để rồi không thể phòng ngừa rủi ro”, theo Nik Bhatia, nhà sáng lập của Theo bitcoin Layer và giáo sư tại Đại học Southern California.

    Sự sụp đổ trong chớp mắt của một 'ngân hàng tiền số': Founder lĩnh án 12 năm tù giam, nhà đầu tư mất trắng vì tin vào mức lãi suất 20%- Ảnh 3.

    Đáng nói, Celsius không phải trường hợp duy nhất. Các vết nứt tiếp tục đang lan trên khắp các ngóc ngách của thị trường tiền số. Carter của Castle Island Venture nói rằng ảnh hưởng của tất cả những điều này là lòng tin bị phá hủy, các tiêu chuẩn bị phá vỡ, còn mọi người thì vội vàng tháo chạy khỏi các đơn vị cho vay.

    Câu chuyện của Hamish Tipene là ví dụ điển hình. Người đàn ông này đã trắng tay vì tin vào các dự án gửi tiền số lấy lãi.

    Đầu năm nay, khi nhận ra lãi suất trên các nền tảng tiền số cao hơn cả ngân hàng truyền thống, anh Tipene quyết định vay thế chấp và gửi toàn bộ tiền số này vào Celsius Network, với lãi suất lên tới 18%. Con số này cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm mà các ngân hàng truyền thống đang áp dụng.

    Tuy nhiên, thời gian sau đó, do thị trường tiền số liên tục đỏ lửa, tài sản thế chấp của Tipene giảm giá trị. Phía Celsius yêu cầu anh phải có thêm tài sản thế chấp, nếu không sẽ bị thanh lý tài khoản.

    Giữa lúc Hamish Tipene còn đang loay hoay xoay xở, Celsius Network bất ngờ thông báo đóng băng giao dịch. Công ty cho Tipene vay lúc trước cũng tự ý thanh lý 0,59 Bitcoin với giá trị thị trường lúc đó là 11.800 USD. Anh Tipene nguy cơ mất trắng 13.000 USD.

    “Tôi đã cố thương lượng nhưng vô vọng. Không thể lường trước tình huống này và mọi thứ đang rất khó giải quyết”, Tipene nói. “Tôi đã tin và gửi tiền mình vào đó, song họ lại đang đối xử với tôi không công bằng”.

    Anh Tipene không phải nạn nhân duy nhất. Yevhenii Marchenko, hiện đang sống tại Bắc California, cũng chia sẻ với Yahoo Finance rằng mình không thể rút số tiền số Solana, Cardano và Chainlink trị giá hơn 85.000 USD trong Celsius. Ông gửi tiền vào đúng thời điểm thị trường tiền số đạt đỉnh.

    “Hầu hết kênh YouTube của các KOLs (những người có tầm ảnh hưởng) đều đề xuất Celsius, vậy nên tôi nghĩ nó an toàn”, Marchenko nói. “Giờ đây, mọi thứ trở nên tồi tệ, đầy khó khăn và tôi thấy chán nản lắm”.

    Sự bùng nổ của thị trường tiền số khiến những nhà đầu tư nhỏ như anh Tipene FOMO (Fear of missing out: Tâm lý sợ bỏ lỡ). Thu nhập từ công việc thợ mộc không khá khẩm là bao và điều này càng thôi thúc Tipene ôm giấc mơ làm giàu nhờ Celsius.

    Sự sụp đổ trong chớp mắt của một 'ngân hàng tiền số': Founder lĩnh án 12 năm tù giam, nhà đầu tư mất trắng vì tin vào mức lãi suất 20%- Ảnh 4.

    Nền tảng này khi đó quảng bá mạnh mẽ sản phẩm gửi tiền lấy lãi, gọi “ngân hàng là kẻ thù của bạn”, “ngân hàng truyền thống sẽ sớm biến mất”... Theo thống kê của chính Celsius, tính đến tháng 5/2021, số lượng các nhà đầu tư tham gia vào Celsius, chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đã lên tới 1,7 triệu người với hơn 12 tỷ USD tiền gửi.

    Giờ đây, khi “thủy triều đang rút”, khách hàng chính là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả. Hàng trăm khách hàng đang thu thập bằng chứng để kiện công ty với cáo buộc Celsius không bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

    “Họ là những người nắm giữ tài sản của người khác, nhưng lại không có tài sản đảm bảo. Chúng tôi có lẽ sắp phá sản”, Ben Armstrong, một trong những khách hàng của Celsius cho biết. “Chúng tôi có thể sẽ không nhận lại được toàn bộ số tiền, nhưng lúc này, Celsius phải có trách nhiệm”.

    Dĩ nhiên, không một ai đứng ra chịu trách nhiệm. Tháng 7/2022, Celsius Network nộp đơn phá sản tại New York, chỉ một tháng sau khi họ ngừng cho phép rút và chuyển tiền với lý do điều kiện thị trường khắc nghiệt. Mashinsky bị phát hiện rút 10 triệu USD chỉ vài tuần trước khi công ty đóng băng tài khoản của khách hàng. Sự sụp đổ sau đó khởi đầu cho loạt khủng hoảng ngành tiền số - vốn được cho là sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong tương lai.

    Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

    Theo: CNBC, WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày