Trước đây, loài chó vẫn được coi là chỉ có một tổ tiên là từ loài sói cổ. Nhưng những nghiên cứu mới này lại bác bỏ suy nghĩ đó.
Loài chó đã tồn tại song song với con người từ thuở sơ khai, nhưng nguồn gốc chính xác của chúng vẫn còn đang được tranh cãi. Nhưng những nghiên cứu mới cho thấy rằng chó không chỉ bắt nguồn từ một mà tới tận hai giống sói cổ. Hơn nữa, việc hình thành này xảy ra song song tại hai đầu lục địa Á Âu.
Chó bắt đầu xuất hiện khoảng tầm 15.000 năm trước, lâu trước khi nông nghiệp ra đời. Và lúc ấy, chó là một trong những giống loài được thuần hóa thành vật nuôi sớm nhất. Chúng tách ra từ loài sói cổ, nhưng các nhà khoa học không rõ rằng việc thuần hóa này xảy ra bên phía châu Âu hay châu Á.
Những nghiên cứu trước đây đã đưa ra kết luận rằng chó chỉ được thuần hóa một lần, nhưng vào thời điểm nào và nguồn gốc của chúng từ đâu thì vẫn được tranh cãi. Vấn đề này phức tạp bởi một lý do: các nhà khảo cổ học tìm thấy dấu vết của loài chó từ hàng ngàn năm trước ở cả hai đầu của lục địa Á Âu khổng lồ. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng chó được thuần hóa ít nhất vào hai thời điểm khác nhau, và ở hai phần khác nhau của thế giới.
Bức vẽ về chó trên nền hang động cổ đại.
Bằng việc so sánh mẫu gen từ các hóa thạch mà các nhà khảo cổ học tìm được, một đội ngũ nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Oxford đã cho thấy rằng chó xuất thân từ hai loài sói khác nhau (hoặc chính xác hơn, loài sói cổ hiện đã tuyệt chủng là tổ tiên chung của cả loài sói hiện đại và loài chó), 2 loài sói cổ này sống sống ở 2 đầu lục địa Á Âu, một ở phía Đông và một ở phía Tây.
Điều đó có nghĩa rằng hai giống người thời kì đồ đá cũ ở hai đầu lục địa đều có chung một ý tưởng: mấy anh bạn bốn chân này có vẻ có ích cho con người, nên họ đã thuần hóa chúng để phục vụ mình.
Một bằng chứng mới và rất quan trọng mới được tìm thấy một vài năm trước tại một hầm mộ thời kì đồ đá Newgrange tại Ireland. Ở đâu lưu giữ hóa thạch của một chú chó 4,800 năm tuổi và vẫn còn khả năng cung cấp DNA cho việc nghiên cứu.
“Những mẫu hóa thạch xương chó tại Newgrange bảo tồn được những DNA cổ xưa hoàn hảo nhất mà chúng tôi từng gặp, nó cung cấp một bộ gen cổ đại có chất lượng cực kì tốt để có thể nghiên cứu kĩ càng.”, anh Dan Bradley từ Đại Học Trinity nói, “Đó không phải chỉ là một ‘tấm thiệp’ kỉ niệm từ quá khứ, nó là một ‘món quà lớn’ gửi tới cho chúng tôi”.
Nhóm nghiên cứu của Bradley cùng sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu từ Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Paris đã cùng làm việc và phân tính DNA từ 59 bộ hóa thạch loài chó có tuổi thọ khoảng 3000 đến 14,000 năm trước. Bộ gen của chúng, bao gồm cả những mẫu hóa thạch tại Newgrange, được so sánh với những bộ gen từ 2,500 nghiên cứu về loài chó đã có trước đây.
“Tái cấu trúc lại quá khứ từ những DNA hiện đại như việc mở một cuốn sách lịch sử ra đọc vậy: bạn không thể biết được rằng giai đoạn lịch sử nào đã bị xóa mất”, trưởng nhóm nghiên cứu Laurent Frantz phát biểu, “Nhưng mặt khác, mẫu DNA cổ lại như một cỗ máy thời gian vậy, chúng cho ta nhìn thẳng vào quá khứ và thấy trực tiếp những gì đã diễn ra”.
Biểu đồ về độ tuổi của các hóa thạch loài chó được tìm thấy trên khắp lục địa Á Âu.
Biểu đồ này cho ta thấy hai giống loài khác biệt tại hai khu vực địa lý khác nhau, nhiều thiên niên kỉ trước khi loài chó lần đầu tiên xuất hiện tại châu Âu hay Đông Á. Ta cũng có thể thấy rằng có một sự thay đổi lớn về số lượng chó ngự trị tại châu Âu. Đây có thể là do số lượng chó từ Đông Á đã theo chân chủ của chúng tiến vào châu Âu, và từ đó dần thay thế luôn loài chó đang ngự trị nơi đây.
Đây có thể là những sự kiện đã xảy ra: loài sói cổ chia ra hai ngả Đông và Tây của lục địa Á Âu đã bị thuần hóa riêng lẻ ở hai miền trước khi tuyệt chủng hoàn toàn. Đâu đó trong dòng lịch sử sau khi sói từ hai đầu lục địa được thuần hóa (vào khoảng 6,400 năm trước), loài chó ở phía Đông du hành cùng với chủ về phía châu Âuu, sau đó chúng lai giống và dần thay thế chó ở bên bên phía châu Âu.
Ngày này, đa số loài chó là giống lai giữa chó phương Đông và phương Tây. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học lại mất rất nhiều công sức giải mã bộ DNA của loài chó hiện đại. Những nhà nghiên cứu cho rằng ở một số loài chó, như chó kéo xe tuyết ở Greenland hay loài husky Siberia, là loài lai giống đặc trưng giữa tổ tiên loài chó từ phía Tây lục địa Á Âu và dòng giống chó Đông Á.
Giống chó husky Siberia.
Nghiên cứu mới này trả lời được vô vàn những câu hỏi đã được tranh cãi bấy lâu, nhưng vẫn cần phải tìm hiểu sâu hơn nữa. Câu chuyện về nguồn gốc loài chó ở lục địa Á Âu và cả việc chúng di cư cùng con người tới châu Âu từ rất sớm không phải không hợp lý, nhưng vẫn còn thiếu nhiều bằng chứng khảo cổ để ủng hộ lập luận này một cách vững chắc.
Để tiến xa hơn trong vấn đề này, các nhà khoa học mong muốn kết hợp thông tin gen từ loài chó cổ cũng như loài chó hiện đại với những nghiên cứ về phân tích vật lý và khảo cổ để có thể có được một dòng thời gian cụ thể về việc xuất hiện những người bạn bốn chân của chúng ta. Một chiều hướng nghiên cứu khác là so sánh dựa vào loài chó dingo ở Úc, loài được coi là hậu duệ của loài chó Đông Á. Nếu như loài dingo này không có vết tích DNA của đồng loại mình tại châu Âu, thì giả thiết trên của các nhà khoa học lại càng thêm chắc chắn.
Theo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"