Sự thật đằng sau bức ảnh ếch đột biến, da trong suốt khiến nhiều người tưởng là Photoshop

    Dink,  

    Việc tạo nên da trong suốt cho ếch là một "chiêu trò" của các nhà khoa học. Bức ảnh này cũng không hề qua chỉnh sửa hay Photoshop, nó là thật, chỉ có điều không phải từ đầu những con ếch trông đã như vậy.

    Tuần trước chúng ta phát hoảng với con ếch đột biến có da trong suốt, nhìn xuyên nội tạng bên trong được tìm thấy tại Nga. Nguyên nhân được cho là việc ô nhiễm môi trường cực nặng ở nơi đây.

    Theo như nhiều trang báo như là Daily Mail, kèm theo những hình ảnh mang tính thuyết phục không hề làm mọi người nghi ngờ câu chuyện về ếch đột biến này. Hơn nữa, việc sinh vật đột biến tại nước Nga không phải là hiếm gặp.

    Mặc dù vậy, tấm ảnh kia không thực sự là hình ảnh những con ếch đột biến ấy lúc được tìm thấy. Chúng không có da trong suốt như báo đã đưa tin.

    Chuyện là các nhà khoa học Nga đã bắt được 60 con ếch đột biến kì lạ tại một địa điểm gần thị trấn Krasnouralsk, vùng Tyumen của Nga. Chúng mọc thêm những bộ phận thừa như ngón chân hay thêm những phần thừa ở phần vai của chúng.

    Nhưng những con ếch đột biến này không hề “trong suốt” như nhiều người tin trước đó. Những con ếch đó thực sự có hình dáng như thế này:

    Hình ảnh về con ếch trong suốt ở đầu bài kia là do nó đã trải qua một kỹ thuật sinh học tạo hình ảnh riêng biệt, một quá trình khiến cho các nhà khoa học dễ dàng quan sát nội tạng của sinh vật được nghiên cứu hơn, hay nói cách khác, một quá trình làm cho lớp ngoài của sinh vật trở nên vô hình có tên Diaphonisation – “trong suốt hóa”.

    Sử dụng một loại enzyme có tên là trypsin, quá trình này sẽ loại bỏ hầu hết protein khỏi cơ thể con vật, để lại một loại collagen có khả năng lưu giữ được cấu trúc của con vật đó. Các nhà khoa học sẽ làm trong suốt những bộ phận nhất định của vật thí nghiệm, để có thể nhìn được việc gì đang diễn ra bên trong mà không cần tới giải phẫu.

    Trong ảnh, ta có thể thấy bộ xương của ếch có ánh hồng. Đó là do một loại thuốc nhuộm có tên là “alizarin red”, bị thu hút bởi canxi trong xương.

    Việc “trong suốt hóa” đỡ tốn kém hơn việc chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), thậm chí nếu đủ đồ nghề, bạn có thể làm việc này tại nhà, nhưng hãy cẩn thận với những loại hóa chất này khi “tập làm nhà khoa học”.

    Dưới đây là một số hình ảnh về quá trình "trong suốt hóa" được sử dụng trên một số loài động vật:

    Các nhà khoa học Nga đã tiến hành “trong suốt hóa” những con ếch này để tìm hiểu kĩ càng xem đây có phải do ô nhiễm môi trường hay một lý do nào đó đã gây nên sự đột biến: những ngón chân thừa hay những phần thừa mọc ra từ cơ thể những con ếch này.

    Vladimir Vershinin, trưởng ban động vật học tại Viện Khoa học Tự nhiên của Đại học Liên bang Ural nói rằng những con ếch này ngoài lớp da trong suốt của chúng, còn có những đặc điểm khác cũng kì lạ không kém. “Mắt của những con ếch này có một màu đen hoàn toàn và nội tạng có thể được nhìn thấy từ bên ngoài. Bạn thậm chí có thể nhìn thấy trái tim của chúng đang đập”.

    Đúng là như vậy, da của một số con ếch trong tới mức ta có thể nhìn được nội tạng bên trong và trái tim đang đập của nó, nhưng không hề tới mức “trong suốt” như đã bị lầm tưởng.

    Những con ếch này vẫn bị đột biến bởi những nguyên nhân chưa rõ, và hiện tại đội ngũ đang chờ những nhà nghiên cứu động vật lưỡng cư từ Nhật Bản tới để thực hiện phân tích gen, từ đó có thể xác định chính xác được nguyên do gây đột biến.

    Tổng kết lại, thì ta biết được rằng có những con ếch bị đột biến tại Krasnouralsk, vùng Tyumen của Nga, và rất có thể đó là hậu quả của việc nước khu vực này bị ô nhiễm nặng. Vẫn cần thêm những thử nghiệm nữa để chắc chắn việc ấy. Và chúng ta còn biết thêm một tin nữa: những con ếch đó không hề “trong suốt” như những hình ảnh trước đây ta vẫn thấy.

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày