Sự thật đen tối đằng sau Ispace - Startup được kỳ vọng giúp Nhật Bản làm nên kỳ tích vũ trụ
Sự hỗn loạn đã diễn ra tại Ispace.
Trong vài phút ngắn ngủi sáng ngày 26 tháng 4, cả thế giới tin rằng một công ty khởi nghiệp nhỏ bé tại Nhật Bản đã có thể làm nên kỳ tích. Đó là Ispace - doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được kỳ vọng giúp xứ sở mặt trời mọc góp mặt trong danh sách những quốc gia đưa được tàu vũ trụ lên Mặt trăng. Đáng tiếc, trạm đổ bộ Hakuto-R của Ispace đã thất bại trong phi vụ này do cảm biến độ cao gặp trục trặc.
Dẫu vậy, theo Takeshi Hakamada, giám đốc điều hành Ispace, sứ mệnh này vẫn là một “thành tựu to lớn”. Nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc 8 trong số 9 mốc quan trọng và chỉ thất bại trong những giai đoạn cuối của quá trình hạ cánh, vậy nên không ảnh hưởng đến kế hoạch phóng các nhiệm vụ thứ hai và thứ ba vào năm 2024 và 2025.
Hơn 5 thập kỷ kể từ khi con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, cả Hàn Quốc, Canada, Mexico và Israel đều nỗ lực chạy đua khám phá. Ấn Độ vào tháng trước cũng trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh được tàu thăm dò lên Mặt trăng.
Nhật Bản, dù có sức mạnh công nghệ vượt trội, vẫn chưa giải quyết được một trong những thách thức công nghệ lớn nhất của nhân loại. Thật may, Ispace xuất hiện và mang đến cơ hội để thay đổi điều đó.
Tuy nhiên, khám phá không gian là một nhiệm vụ vô cùng khó. Cuộc điều tra của Financial Times cho thấy sự cố của Hakuto-R không đơn thuần chỉ là một tai nạn đáng tiếc. Sự hỗn loạn đã diễn ra sau nhiều tháng.
Một số nhân viên giấu tên cho biết môi trường làm việc tại Ispace rất độc hại. Trong một số trường hợp, lo ngại về công nghệ được cho là đã bị gạt sang một bên trong bối cảnh startup này phải hứng chịu áp lực lớn từ các cổ đông, người cho vay và đối tác kinh doanh trong việc thực hiện sứ mệnh đầu tiên. Tỷ lệ luân chuyển kỹ sư tại Ispace cao đến mức đôi khi cả nhóm phải rời đi cùng một lúc.
Bốn tháng sau khi sứ mệnh đầu tiên kết thúc và thất bại, cổ phiếu startup này vẫn giao dịch ở mức gấp sáu lần so với giá niêm yết, song nguồn tài trợ cho các dự án không gian thương mại lại đang suy giảm. Một số nhân viên lo ngại rằng nếu công ty khởi nghiệp này không thể chứng minh năng lực kiếm tiền bằng cách vận chuyển hàng hóa lên Mặt Trăng, các nhà đầu tư sẽ bỏ chạy.
“Thách thức lớn hơn là làm thế nào chúng tôi có thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình từ đây”, một nhân viên nói.
Hakamada, người tốt nghiệp bằng thạc sĩ về kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Viện Công nghệ Georgia, bắt đầu với Ispace vào năm 2010 khi tham gia cuộc thi đổ bộ mặt trăng trị giá 30 triệu USD của Google. Cuộc thi cuối cùng kết thúc mà không có người chiến thắng, song Hakamada vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng du hành vũ trụ và huy động được 90,2 triệu USD vào cuối năm 2017. Công cuộc gọi vốn đã thu hút được nhiều đối thủ nặng ký và cả những nhà đầu tư mạo hiểm có tầm ảnh hưởng. Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui, công ty môi giới SMBC Nikko và tập đoàn bảo hiểm MS&AD là 3 trong số gương mặt tiêu biểu ủng hộ sứ mệnh của Ispace.
Hakamada ban đầu chế tạo một chiếc xe tự hành nhằm mục đích di chuyển quanh bề mặt mặt trăng, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang phát triển tàu đổ bộ. Một tầm nhìn mang tên “Thung lũng Mặt trăng 2040” nhanh chóng được người đàn ông 44 tuổi ‘rao bán’ tới giới đầu tư, rằng đến năm 2040, mặt trăng sẽ có 1.000 người sinh sống, với 10.000 du khách mỗi năm.
“Là một doanh nghiệp thương mại muốn duy trì mô hình kinh doanh bền vững, yếu tố tiếp thị mạnh mẽ và năng lực tài chính là điều cần thiết”, đại diện Ispace nói.
“Chúng tôi từng nghĩ rằng đây là một thương vụ đầu tư khá hoang đường. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đã có thể tiếp cận đúng những cá nhân chủ chốt trong ngành”,
Tatsuhiko Nishimura, giám đốc điều hành tại INCJ, thừa nhận.
Ispace tuyển dụng kỹ sư từ khắp nơi trên thế giới. Mục tiêu chính là giảm chi phí và mang lại sự đổi mới cho các công nghệ vũ trụ vốn phải mất hàng thập kỷ để phát triển theo các chương trình do nhà nước hậu thuẫn.
Thay vì phát triển công nghệ từ đầu, Ispace tự gọi mình là “nhà tích hợp” các bí quyết có sẵn. Startup sử dụng phần mềm GNC được phát triển bởi Draper – công ty đứng sau công cuộc đổ bộ lên mặt trăng vào năm 1969, đồng thời mua hệ thống đẩy từ tập đoàn Ariane của Pháp. Kazuya Yoshida, một chuyên gia robot không gian nổi tiếng từ Đại học Tohoku, nói: “Ispace đã vạch ra kịch bản, rằng sứ mệnh đầu tiên của họ sẽ thành công bằng cách kết hợp công nghệ của mình với Draper và ArianeGroup”.
Ban đầu, công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các kỹ sư kinh nghiệm và nhiệm vụ đầu tiên của họ bị trì hoãn 4 năm. Từ năm 2020 cho đến mùa hè năm ngoái, sứ mệnh của Ispace được giám sát bởi một giám đốc công nghệ, người trước đây từng làm việc tại Sony và Panasonic nhưng không có nhiều kinh nghiệm về không gian.
Dần dần, Ispace thu hút được nhiều kỹ sư chất lượng hơn, nhưng ban quản lý lại sớm đối mặt với một thách thức khác mang tên cáo buộc “quấy rối quyền lực”. Hành vi lạm dụng của một số trưởng nhóm và phân biệt đối xử với các kỹ sư không phải người Nhật là ví dụ điển hình.
“Nhiều nhân viên cảm giác họ không thuộc về nơi này”, một cựu kỹ sư nói.
Vào tháng 6, Kyle Acierno, cựu giám đốc kinh doanh tại Mỹ của Ispace, đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Colorado, cáo buộc rằng công ty Nhật Bản phân biệt đối xử. Theo hồ sơ tòa án, Acierno kể lại rằng Hakamada biện minh cho việc chấm dứt hợp đồng bằng cách nói rằng người Nhật “sợ người Mỹ”.
Đáp lại, đại diện công ty khẳng định: “Mọi cáo buộc quấy rối hoặc bắt nạt đều được xem xét nghiêm túc và xử lý thông qua quy trình nhân sự phù hợp”.
Tuy nhiên, sự bất mãn vẫn lan rộng khi ban quản lý liên tục đưa ra các quyết định kỹ thuật đi ngược lại lời khuyên của các kỹ sư để tiết kiệm chi phí hoặc làm hài lòng giới đầu tư.
“Về cơ bản, chúng tôi hành xử giống như một ngân hàng hơn là một công ty vũ trụ. Các quyết định thường được đưa ra nhằm cắt giảm thời gian, tiền bạc và nguồn lực”, một cựu nhân viên nói.
Vào tháng 3 năm 2023, Ispace khiến toàn ngành ngạc nhiên khi thúc đẩy công cuộc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. “Thay vì huy động tiền tư nhân, chúng tôi muốn trở thành một công ty có thể được định giá bởi thị trường”, Hakamada nói.
Theo Jumpei Nozaki, giám đốc tài chính của Ispace, không có tình trạng thiếu vốn hay áp lực ngân hàng nào đằng sau quyết định IPO, song các nhà phân tích vẫn chỉ ra rằng Nhật Bản đang thiếu tài lực.
“Rất nhiều công ty khởi nghiệp ở Nhật Bản muốn sớm thực hiện IPO. Không có nhiều sự lựa chọn cho một công ty như Ispace”, một chuyên gia nói.
Tháng 12/2022, Hakuro-R phóng lên không gian bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Theo kế hoạch, trạm đổ bộ sẽ hạ cánh ngày 26/4 và nếu thành công, Hakuto-R sẽ là trạm đổ bộ tư nhân đầu tiên hạ cánh xuống Mặt Trăng. Tuy nhiên, nhiệm vụ ấy đã thất bại.
“Tại thời điểm này, những gì tôi có thể nói là chúng tôi vẫn rất tự hào với sứ mệnh này. Chúng tôi đã thu được dữ liệu bay thực tế trong quá trình hạ cánh. Đây là thành tựu lớn cho các sứ mệnh trong tương lai”, đại diện Ispace nói.
Trước đó, Ispace từng công bố 10 “cột mốc sứ mệnh”. Giám đốc tài chính Nozaki khẳng định: “Mỗi cột mốc đều rất quan trọng và đại diện cho thành công. Chúng ta có thể thất bại ở cột mốc 9 và 10 nhưng thành công từ cột mốc 1 đến 8 đã là xuất sắc rồi”.
Theo: FT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI