Sự thật về cái gọi là “danh sách bán chạy” của The New York Times khiến tác giả lẫn mọt sách đều điên đảo
Bạn nghĩ như thế nào là “Bestsellers List” - danh sách bán chạy? Rất nhiều độc giả hiểu nó theo nghĩa đen và họ đã lầm.
Nếu từng đọc sách ngoại văn, chắc bạn đã nghe về "danh sách bán chạy" của The New York Times. Ngay ở Việt Nam, các quyển đứng đầu danh sách này vẫn thường được mua bản quyền hơn. Rồi sau khi chuyển ngữ và phát hành, các nhà xuất bản ở ta cũng không quên kèm lời giới thiệu "Sách bán chạy" ngay từ trang bìa.
Còn tại Mỹ, xuất bản sách là một nền công nghiệp đồ sộ, vì thế các danh sách bán chạy càng giữ vai trò quan trọng.
Ra mắt vào ngày 12/10/1931, đến nay The New York Times vẫn đều đặn đưa ra danh sách các tựa bán chạy nhất ở Mỹ mỗi tuần. Trong đó chia thành nhiều loại như sách hư cấu - phi hư cấu, bìa cứng - bìa mềm, ebook...
Thế nhưng có bao giờ bạn thử hỏi danh sách ấy được làm ra như thế nào? Mà dù có hỏi, The New York Times cũng chẳng "thèm" trả lời đâu vì họ cho rằng đó là "bí mật thương mại". Chính điều này càng dấy lên nhiều thắc mắc và tranh cãi.
Vì sao tác giả nào cũng muốn lọt vào danh sách bán chạy của The New York Times?
Giới xuất bản Mỹ đến nay vẫn rất say mê danh sách bán chạy của tờ báo này. Tác giả có tên trong đó sẽ gia tăng sức ảnh hưởng văn hóa, xã hội, về sau càng dễ xuất bản tựa sách mới.
Đặc biệt, với tác giả sách kinh doanh, việc có tên trong danh sách bán chạy đồng nghĩa được mời đến tư vấn cho nhiều công ty hơn, tính minh bạch và danh tiếng cũng tăng lên.
Tác giả "Bestseller" nhận được sự chú ý từ truyền thông, danh tiếng "nổi như cồn"!
Cuối cùng, tất cả mọi người đều tò mò đến mua sách, làm số lượng bán tăng vọt hơn nữa. Tóm lại, việc có "chân" trong danh sách bán chạy sinh lợi lớn cho tác giả, nhà xuất bản và nhiều bên liên quan.
Nhưng chính xác thì thế nào là 1 đầu sách bán chạy?
Đừng nghĩ cứ bán được nhiều bản là lọt vào danh sách "Bestseller" của The New York Times! Đối với nhiều tờ báo khác, họ dựa vào báo cáo BookScan của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen. Báo cáo này cũng không khảo sát toàn bộ thị trường nhưng độ bao phủ lên tới 70 - 80%.
Tuy nhiên, New York Times lại có cách làm riêng. Họ tự mình khảo sát hàng tuần ở các cửa hàng sách bán sỉ, bán lẻ, chuỗi kinh doanh sách và gần đây có tham khảo một ít website trực tuyến.
Dù vậy, New York Times luôn dành số lượng áp đảo cho các cửa hàng bán lẻ trong nhóm đối tượng khảo sát. Danh sách cụ thể thì luôn được giữ kín.
Từ đó, có thể thấy nếu như BookScan thu thập số liệu trên thị trường nói chung thì New York Times chỉ ưu ái cho đơn vị bán lẻ. Điều này dù đúng hay sai cũng đã thiếu khách quan rồi.
Chưa hết, họ cũng không dùng số liệu thu về đơn thuần mà sẽ biên tập lại, chọn ra những quyển sách được tờ báo cho là xứng đáng. Điều này gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn như ý kiến cho rằng tác giả từng cộng tác với The New York Times sẽ được xếp hạng cao hơn.
Nhiều bình luận đầy mỉa mai như: "Hóa ra cũng giống như trường học. Bạn có điểm số cao nhưng chưa chắc vào được hội học trò cưng của thầy cô"!
"Bàn tay biên tập" của The New York Times?
Bạn có biết vì sao giới xuất bản đều biết The New York Times có "nhúng tay biên tập" đối với danh sách bán chạy không? Họ đã thừa nhận điều đó trước tòa vào năm 1983 trong vụ kiện tụng khá ầm ĩ.
Tác giả William Peter Blatty kiện tờ báo 6 triệu USD (khoảng 136 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay). Lí do vì quyển sách "Legion" của ông (sau này chuyển thể thành phim kinh dị nổi tiếng "The Exorcist" III – "Quỷ ám" Phần 3) không lọt vào danh sách bán chạy, khiến doanh thu sụt giảm.
Blatty thậm chí từng kiện lên Tòa án Tối cao nhưng không được xét xử. Còn ở tòa án cấp thấp hơn, The New York Times đã thắng kiện. Lí do là nhờ tờ báo khẳng định danh sách bán chạy không phải bảng thống kê mà là nội dung được biên tập, vì thế họ có quyền loại quyển "Legion" ra khỏi danh sách.
Lí luận này nghe cũng có vẻ khá hợp lý, nhưng nếu vậy, tại sao không đặt tên là "Danh sách bình chọn" hay "Danh sách đề xuất của The New York Times"? Việc đặt tên "Danh sách bán chạy" nhiều lần đã khiến độc giả hiểu sai thông tin.
Ngoài ra, với tuổi đời 87 năm, giữa các tác giả và The New York Times còn vô vàn chuyện hậu trường ít ai biết. Một bên ra sức bước chân vào danh sách bán chạy, thậm chí bỏ tiền của và "tiểu xảo" để làm được điều đó. Một bên lại bảo vệ phương pháp và lí lẽ của mình, giữ trọn vẹn sức hấp dẫn của "Bestsellers" sau ngần ấy năm.
Còn giờ thì bạn biết rồi đấy, chọn được quyển sách hay và ưng ý vô cùng khó, kể cả khi nó được bảo chứng bởi những cái tên cực oách như "Sách bán chạy từ The New York Times"!
Nguồn: Entrepreneur, Observer
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI