Sundar Pichai đi phỏng vấn xin việc: Trả lời thẳng chưa từng dùng Gmail nhưng vẫn được nhận rồi trở thành CEO Google

    Thùy Anh , Nhịp sống thị trường 

    Câu trả lời phỏng vấn ngắn gọn và trực diện, đầy bất ngờ của Sundar Pichai đã mở ra cánh cửa vào Google cho ông, để rồi giờ đây ông là một trong những con người quan trọng nhất đang điều hành gã khổng lồ công nghệ này.

    Thông thường trong một cuộc phỏng vấn xin việc, ta đều cố gắng hết sức biến mình trở nên khác biệt so với các ứng viên khác. Ta luôn cố gắng gây ấn tượng với người phỏng vấn, dù là bằng cách thêm những kỹ năng đặc biệt vào lý lịch, hay chỉ đơn giản là trả lời những câu hỏi hóc búa.

    Nhưng ta nên làm gì khi không biết câu trả lời cho một câu hỏi? Liệu ta sẽ chỉ trả lời “Tôi không biết” hay cố tìm ý tưởng để khắc phục tình huống đó?

    Sundar Pichai, CEO nổi tiếng của Google, cũng gặp vấn đề tương tự vào năm 2004 khi ông ứng tuyển tại chính Google cho vị trí phó giám đốc quản lý sản phẩm.

    13 năm sau, Pichai lần đầu tiên chia sẻ về quá trình phỏng vấn của mình tại gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới với các sinh viên tại ngôi trường ông từng theo học - Học viện Công nghệ Ấn Độ.

    Sundar Pichai đi phỏng vấn xin việc: Trả lời thẳng chưa từng dùng Gmail nhưng vẫn được nhận rồi trở thành CEO Google - Ảnh 1.

    Pichai kể lại rằng trong những vòng phỏng vấn đầu tiên, những người phỏng vấn đã hỏi ý kiến của ông về Gmail. Vấn đề ở đây là: Chính Google đã công bố Gmail vào ngày hôm đó - 1 tháng 4. Còn Pichai không thể trả lời câu hỏi vì ông không biết sản phẩm đó là gì.

    Sundar Pichai đi phỏng vấn xin việc: Trả lời thẳng chưa từng dùng Gmail nhưng vẫn được nhận rồi trở thành CEO Google - Ảnh 2.

    Người phỏng vấn thứ tư hỏi: “Bạn đã xem Gmail chưa?”. Tôi trả lời là chưa. Sau đó anh ấy cho tôi xem. Sau đó, người phỏng vấn thứ năm hỏi: “Bạn có ý kiến gì về Gmail không?”. Sau đó tôi trả lời: “Tôi nghĩ đó là một trò đùa của ngày Cá tháng Tư.”

    Hầu hết các ứng viên sẽ cố thêu dệt nên một cái gì đó trước khi cố gắng trả lời câu hỏi. Nhưng Pichai đã hành động hoàn toàn ngược lại, điều này cuối cùng lại gây ấn tượng với những người phỏng vấn của ông, và ông đã có được công việc.

    Vậy hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao Pichai vẫn được nhận vào làm sau khi đưa ra một câu trả lời thẳng thừng đến thế:

    Pichai thẳng thắn thể hiện “sự khiêm tốn về trí tuệ”

    Trong một cuộc phỏng vấn, ta có thể mất điểm khi thừa nhận rằng mình không biết câu trả lời cho một câu hỏi, nhưng còn hơn là bịa ra một câu trả lời không đúng sự thật.

    Điều này cũng được khoa học hậu thuẫn. Theo nghiên cứu, khả năng thú nhận sự thiếu hiểu biết hoặc “sự khiêm tốn về trí tuệ” là cơ sở quan trọng cho việc học tập cao hơn.

    Sundar Pichai đi phỏng vấn xin việc: Trả lời thẳng chưa từng dùng Gmail nhưng vẫn được nhận rồi trở thành CEO Google - Ảnh 3.

    Đó là một trong những phẩm chất hàng đầu được Laszlo Bock, cựu Phó Chủ tịch cấp cao về hoạt động nhân sự của Google, tìm kiếm ở các ứng viên: “Những người thành công, thông minh sẽ không gặp nhiều thất bại. Do đó, họ không thể học hỏi từ thất bại.

    Thay vào đó, họ sẽ mắc phải sai lầm cơ bản về nhận thức khi tin rằng nếu có bất cứ điều gì tốt đẹp xảy ra, đó là bởi vì tôi là một thiên tài. Còn nếu bất cứ điều gì xấu xảy ra, đó thường là do sự kém cỏi của người khác, thiếu nguồn lực hoặc sự thay đổi của thị trường, … ”.

    Vậy trong lần tới xin việc, khi người phỏng vấn hỏi một câu hỏi khó, hãy giữ bình tĩnh và dành chút thời gian trước khi trả lời, như Sundar Pichai. Ông thậm chí còn chưa nhìn thấy Gmail lúc đó, nên có gì để nói cơ chứ?

    Pichai đưa ra lý do

    Pichai khẳng định lý do tại sao ông không biết câu trả lời: ông chưa được sử dụng sản phẩm. Thay vì chỉ nói: “Tôi không biết”, ông đã thể hiện sự quan tâm đến sản phẩm, đó là phẩm chất mà các nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở một ứng viên.

    Sundar Pichai đi phỏng vấn xin việc: Trả lời thẳng chưa từng dùng Gmail nhưng vẫn được nhận rồi trở thành CEO Google - Ảnh 4.

    Sau mỗi câu “Tôi không biết”, ta đều có cơ hội học được điều gì đó mới. Pichai hiểu điều đó, và người phỏng vấn đã cho ông xem thử Gmail ở vòng thứ tư.

    Pichai chuyển hướng cuộc trò chuyện

    Cuộc trò chuyện bắt đầu với một thứ Pichai không biết. Sau đó, Pichai chuyển hướng cuộc trò chuyện để trả lời về những gì ông biết.

    Ông đã hiểu rõ hơn về sản phẩm sau khi thấy cách Gmail hoạt động. Từ đó, ông có điều kiện thể hiện sự thẳng thắn và thông minh, điều đã giúp ông trở nên rất nổi tiếng tại Google về sau này.

    Sundar Pichai đi phỏng vấn xin việc: Trả lời thẳng chưa từng dùng Gmail nhưng vẫn được nhận rồi trở thành CEO Google - Ảnh 5.

    Sự trung thực về trí tuệ sẽ cho phép ta thể hiện những gì mình biết. Pichai đã chuẩn bị tốt để đưa ra ví dụ tốt nhất có thể, trong khi vẫn xử lý một tình huống khó khăn với sự tôn trọng và chân thành, đưa ông vượt lên thách thức và được đền đáp xứng đáng.

    Tìm một Pichai trong chính mỗi người

    Mỗi năm, Google nhận hàng triệu đơn xin ứng tuyển, nghĩa là mỗi ứng viên chỉ có 0,2% cơ hội được tuyển dụng. Nếu đủ may mắn để vượt qua vòng đầu và nhận được lời mời phỏng vấn trực tiếp, hãy tự xác định cách mà bạn có thể tạo sự khác biệt cho bản thân. Hãy tự hào khi nằm trong số 0,2% kia và làm cho nó đáng giá.

    Hãy đi theo con đường Sundar Pichai đã chứng minh, học cách trả lời trong một cuộc phỏng vấn từ kinh nghiệm của Pichai với chính Google. Hãy tự tin và đưa ra lời biện minh rành mạch cho sự thiếu hiểu biết của chính mình. Và thay vì phủ nhận sai lầm, hãy nắm bắt, sử dụng chúng như một bài học.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ