Suốt 300 năm, cả thế giới đã hiểu sai định luật đầu tiên của Newton chỉ vì một lỗi dịch thuật
Và suốt hàng thế kỷ, lỗi này đã được giảng dạy, tranh luận và trở thành tiêu chuẩn mà không ai đặt câu hỏi.
Khi Newton viết về ba định luật chuyển động vào năm 1687, có lẽ ông không bao giờ nghĩ rằng chúng sẽ trở thành nền tảng của vật lý hiện đại trong hàng thế kỷ sau. Nhưng có một vấn đề: có thể chúng ta đã hiểu sai định luật đầu tiên của ông ngay từ đầu – và tất cả chỉ vì một lỗi dịch thuật.
Theo nhà triết học ngôn ngữ và toán học Daniel Hoek của Virginia Tech, một sai sót trong bản dịch tiếng Anh năm 1729 của Principia có thể đã làm lệch đi ý nghĩa thực sự của định luật quán tính. Và suốt hàng thế kỷ, lỗi này đã được giảng dạy, tranh luận và trở thành tiêu chuẩn mà không ai đặt câu hỏi.

Một từ bị dịch sai, cả thế giới hiểu sai?
Chúng ta vẫn luôn học rằng định luật quán tính nói rằng một vật thể sẽ giữ nguyên trạng thái đứng yên hoặc chuyển động theo một đường thẳng, trừ khi có lực tác động vào. Nhưng Hoek phát hiện ra rằng điều này có thể không hoàn toàn chính xác.
Ông quay lại bản gốc viết bằng tiếng Latin của Newton và nhận thấy một từ quan trọng bị dịch sai: quatenus, một từ có nghĩa là "insofar" (trong chừng mực nào đó), nhưng lại bị dịch thành "unless" (trừ khi).
Thoạt nghe có vẻ không quá quan trọng, nhưng sự khác biệt này thay đổi hoàn toàn ý nghĩa. Bản dịch sai khiến chúng ta nghĩ rằng Newton đang mô tả một trạng thái lý tưởng – rằng nếu không có lực tác động, vật thể sẽ di chuyển thẳng mãi mãi. Nhưng thực tế, Newton có thể đang nói một điều khác: mỗi sự thay đổi trong quỹ đạo hoặc tốc độ của một vật thể đều là kết quả của các lực tác động.
Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi vì nó phù hợp hơn với cách Newton nhìn nhận thế giới. Nếu chúng ta tin rằng định luật quán tính chỉ áp dụng cho những vật thể không bị tác động bởi lực, vậy thì nó có ích gì? Vì trên thực tế, mọi vật thể trong vũ trụ đều chịu ảnh hưởng của lực, từ trọng lực đến ma sát.
Ngay cả Newton cũng hiểu điều đó. Trong Principia, ông không chỉ nói về vật thể chuyển động theo đường thẳng. Ông còn đưa ra những ví dụ thực tế, chẳng hạn như con quay quay chậm dần do ma sát với không khí. Nếu Newton thực sự tin rằng vật thể chỉ bị thay đổi chuyển động khi có lực tác động, vậy tại sao ông lại đưa ra một ví dụ mà trong đó lực luôn hiện hữu?
Hoek không nói rằng cách hiểu cũ là hoàn toàn sai, nhưng ông cho rằng việc sửa lại bản dịch sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về tư duy thực sự của Newton.
Dù vậy, có một vấn đề: liệu ai sẽ chấp nhận sự thay đổi này? Hoek cho biết một số người cho rằng ý tưởng của ông quá khác thường để được công nhận, trong khi một số khác lại thấy nó quá hiển nhiên đến mức không cần bàn luận.
Nhưng dù thế nào đi nữa, phát hiện của Hoek khiến chúng ta phải suy nghĩ: có bao nhiêu lý thuyết khoa học khác cũng có thể bị hiểu sai chỉ vì một lỗi dịch thuật?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vụ trộm tiền mã hóa lớn nhất trong lịch sử nhân loại vừa xảy ra, nạn nhân chính là sàn tiền số vừa gọi đồng Pi là lừa đảo
Trước đó không lâu, CEO Bybit từng từ chối niêm yết đồng Pi lên sàn tiền số của mình và gọi đây là dự án lừa đảo.
Sau 14 năm chờ đợi, trợ lý ảo Siri chính thức hỗ trợ tiếng Việt