Surface Laptop chỉ là một phần quá nhỏ trong chiến lược đòi lại những gì Microsoft đã mất từ Steam, Apple và Google
Đừng để chiếc laptop 1000 USD làm lu mờ vai trò vô cùng quan trọng của một hệ điều hành dù thiếu tính năng nhưng lại mang đầy chiến lược thông minh của Satya Nadella.
Không khó để nhận ra các tín đồ công nghệ thường "cuồng" phần cứng hơn là phần mềm. iOS chỉ là diễn viên phụ cho iPhone. Android không mấy khi được nhắc tên trong Samsung Unpacked.
Và không có gì khó hiểu, người ta gọi sự kiện 2/5 của Microsoft là "sự kiện Surface Laptop".
Đó không phải là một cách gọi sai. Lần đầu tiên trong lịch sử, Microsoft ra mắt một chiếc laptop đích thực (dĩ nhiên là vẫn có màn hình cảm ứng) với thiết kế tuyệt đẹp có thể làm các iFan phải ghen tị. Mức giá của Surface Laptop cũng là một tuyên ngôn: với giá khởi điểm 1000 USD, Surface Laptop cạnh tranh trực tiếp với MacBook Air lẫn MacBook Pro.
Nhưng dã tâm thực sự của Microsoft không nằm đằng sau chiếc "MacBook killer" mới ra mắt. Trái lại, Microsoft sẽ đánh cược rất nhiều vào hệ điều hành mà bạn có thể dễ dàng loại bỏ khỏi Surface Laptop: Windows 10 S.
Windows 10 S và cái gai Steam
Trong thời đại người dùng đã quen với khái niệm của hệ điều hành "miễn phí" đi theo phần cứng như iOS, macOS, Android, Chrome OS, Microsoft cũng cần phải miễn phí Windows. Để bù đắp cho doanh thu mất đi từ chi phí bản quyền, Microsoft phải giành lại quyền kiểm soát các ứng dụng trên Windows. Windows 8 và Windows 10 không phải là lời giải cho vấn đề này: với sự ra mắt quá chậm trễ của Windows Store, người dùng Windows đã quen với việc lên Google tìm ứng dụng mình cần rồi cài đặt trực tiếp. Giới game thủ giờ đã tôn sùng Steam.
Kết quả là sân nhà của Microsoft biến thành sân chơi của kẻ khác. Trong khi Apple và Google ăn lợi lớn (30%) từ các chợ ứng dụng trên hệ điều hành của mình, Microsoft không có tiếng nói ngay trên Windows. Một nhà phát triển ứng dụng iOS chắc chắn sẽ "sợ" Apple hơn là một nhà phát triển ứng dụng Windows thông thường phải "sợ" Microsoft.
Khi ra mắt Windows 10 S, Microsoft cung cấp cho các đối tác phần cứng một lựa chọn bản quyền hấp dẫn, đổi lại phần cứng của họ sẽ bị "trói" vào kho ứng dụng của Microsoft. Ai dám chắc Dell sẽ không ra mắt một chiếc laptop Windows 10 S có GTX 940M ở mức giá 400 USD? Một game thủ hạn hẹp kinh phí chưa thể bỏ ra 50 USD để nâng cấp lên Windows 10 bản đầy đủ sẽ buộc phải lên Windows Store để tìm game. Và như vậy là Microsoft có cơ hội để chứng minh với game thủ rằng Windows Store là một chợ game hấp dẫn, giành lại một phần miếng bánh từ tay Steam hoặc các nền tảng phân phối nội dung khác.
Phục hận ứng dụng (và hồi sinh Windows Phone?)
Windows 10 S sẽ được cài trên những chiếc laptop giá rẻ đến từ Acer, Lenovo, HP và Dell. Chắc chắn, những chiếc laptop này sẽ bán chạy hơn Surface và MacBook, tạo ra một thị trường tiềm năng cho các nhà phát triển ứng dụng.
Đó sẽ là cú sốc cần có để giải bài toán thiếu ứng dụng đã từng giết chết Windows Phone và nay vẫn gây không ít khó khăn cho Windows Store. Thực tế, Microsoft từ trước đến nay đã luôn loanh quanh tìm cách phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn "thiếu ứng dụng thì ít người dùng, ít người dùng thì các nhà phát triển lại càng ghẻ lạnh" cho Windows Store. Chỉ duy nhất phần cứng giá rẻ (từ 189 USD cho một chiếc laptop Windows 10 S) mới là đủ hấp dẫn để người dùng chấp nhận một trải nghiệm có Windows Store là trọng tâm.
Ai biết được, nếu Windows 10 S có thể giúp phát triển Windows Store đến một mức độ nhất định, Microsoft lại có thể hồi sinh một kho ứng dụng Universal chất lượng cho di động?
Giành lấy tương lai của Google
Có lẽ phần đông người dùng sẽ không mấy quan tâm khi nhắc đến mục đích chính của Windows 10 S: tấn công thị trường giáo dục. Lý do là bởi máy tính chỉ là một phần rất nhỏ của nhà trường, và phần lớn chúng ta đều đã có một chiếc PC "nghiêm túc" để làm những điều mình muốn.
Nhưng khung cảnh công nghệ hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Trẻ em "nghiện" iPad và các loại tablet khác, còn tại nhà trường, càng ngày ChromeBook lại càng phổ biến. Điều này có nghĩa rằng khả năng trẻ em hiện nay được tiếp xúc từ sớm Windows như các thế hệ 7X, 8X và 9X càng ngày càng thấp! Tâm lý "ngại" đặt chân lên các nền tảng của Microsoft chắc chắn sẽ nảy sinh, và đáng lo ngại hơn một tỷ lệ nhất định cũng sẽ nhận ra rằng Chrome OS đủ tính năng cho các nhu cầu căn bản. Thực tế, nếu không chơi game thì chẳng có lý do gì để một cậu học sinh cấp 2 lại không thể "sống" cùng ChromeBook.
Lên các bậc học cao hơn, việc thua cuộc trước Google cũng có thể khiến Microsoft mất đi một lượng lập trình viên chất lượng. Bảo sao Windows 10 S lại được bán kèm một phiên bản Minecraft có tác dụng dạy code.
Rõ ràng Microsoft không mong muốn kịch bản này. Vị thế thượng phong của Windows tại thời điểm hiện tại vẫn là không thể bàn cãi, nhưng để cửa sống cho Chrome OS là đe dọa tới Windows của tương lai. Chính tại thị trường giá rẻ nhất và ít người quan tâm nhất, Microsoft cùng Google sẽ phải tử chiến.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI