Tháng ba vừa qua là một tháng nhiều sự kiện đối với ngành phát triển trình duyệt web. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, hai phiên bản trình duyệt web mới đã được ra mắt:
Internet Explorer 9 và
Firefox 4. Tuy nhiên, sự ra đời của chúng có vẻ như không ảnh hưởng mấy đến kết quả tạm thời của cuộc chiến
thị phần trình duyệt web trong tháng 3 vừa qua.
Giống như tháng 2, thị phần của IE cũng như Firefox đều giảm, trong khi sự cạnh tranh mạnh mẽ của Google Chrome đã giúp nó tăng thị phần của mình lên thêm 0,64%, đạt 11,57%.
Trình duyệt của Microsoft mất đi 0.85% thị phần, trong khi Firefox chỉ giảm nhẹ (gần như giữ nguyên tỉ trọng) và đứng ở mức 21,8%. Nhưng phiên bản trình duyệt mới vẫn chưa tạo được tác động lớn khiến cho mọi người chuyển sang sử dụng, khi có vẻ như thị phần của IE9 và Firefox 4 đều là những người nâng cấp lên từ những phiên bản cũ hơn. Bên cạnh đó, Safari của Apple cũng tăng 0.25% lên thành 6,61%. Opera vẫn giữ nguyên vị trí khi sở hữu 2,15% thị phần trình duyệt web.
Internet Explorer: Vẫn là quân cờ đầy tiềm năng
Những số liệu này tại các quốc gia cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Ví dụ như tại Châu Âu, Firefox chiếm tỉ lệ cao hơn con số 21,8%, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là thành trì vẵng chắc của Internet Explorer.
Đôi khi lý do cho sự khác biệt này lại rất rõ ràng. Trong khoảng thời gian từ 1999 đến giữa năm 2010, thay vì sử dụng giao thức HTTPS tiêu chuẩn, Hàn Quốc lại sử dụng một dạng plug-in cho Internet Explorer để phục vụ cho hoạt động thuơng mại điện tử. Do đó mọi tác vụ liên quan đến ngân hàng hay giao dịch qua mạng đều phải thực hiện trên IE.
Những trình duyệt khác có thể “ăn tiền” nhờ vào công tác chuyển ngữ và chức năng nhập ký tự tốt, nhất là với những thứ tiếng không thuộc ngữ hệ Latinh (Trung Quốc, Thái Lan…). Tuy nhiên đối với những người đã sử dụng quen Internet Explorer, thì những trình duyệt trên lại có phần khó hiểu và khó sử dụng, điều này lại càng khiến cho IE được “tin dùng”.
Internet Explorer 6, trình duyệt hiện vẫn đang được tin tưởng tại Trung Quốc là một ví dụ. Không chỉ có các cá nhân, mà ngay cả những doanh nghiệp cũng như ngân hàng lớn cũng yêu cầu giao dịch qua trình duyệt lẽ ra phải được cho “về vườn” từ rất lâu này.
Để giải thích cho tình trạng này, một vài người
đổ lỗi cho tình trạng ăn cắp bản quyền tràn lan hiện nay. Những bản Windows XP lậu không thể tự update Internet Explorer lên những phiên bản mới hơn như IE 7 hay 8 được. Tuy nhiên lý do trên vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục khi phải thừa nhận rằng, Mozilla hay Google vẫn chưa cố hết sức để thâm nhập những thị trường lớn như Trung Quốc.
Dù lý do có là gì đi chăng nữa, sự khác biệt giữa các vùng lãnh thổ là quá rõ ràng. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiến gần một phần tư tổng số người sử dụng Internet. Vì thế cho dù cả thế giới có “tẩy chay” tuyệt đối IE đi nữa, trình duyệt của Microsoft vẫn cứ chiếm được khoảng 23% thị phần.
Trong khi số liệu chung về thị phần trình duyệt trên toàn thế giới được thu thập và cập nhật đều đặn, thì những báo cáo tương tự với từng quốc gia cụ thể lại ít được chú ý hơn. Trong tháng qua, Net Applications đã ghi nhận sự thay đổi về số lượng người sử dụng Internet tại Trung Quốc.
Trong khi số lượng người sử dụng Internet tăng, thị phần của Internet Explorer lại giảm. Điều này cho thấy chính thị trường 1 tỉ dân (khoảng 420 triệu người dùng Internet) đã góp phần cân bằng cán cân thị phần trình duyệt web, vốn vẫn đang nghiêng rất nhiều về phía Microsoft.
Tác động của các phiên bản mới
Khi nhìn vào thị phần của từng phiên bản trình duyệt web đơn lẻ, chúng ta thấy rõ ràng hơn ảnh hưởng của những phiên bản trình duyệt mới (mà cụ thể ở đây là IE9 và Firefox 4). Trong tháng vừa qua, lần đầu tiên Internet Explorer 8 bị mất thị phần, xuống còn 34,41%. Firefox 3.6 cũng mất đi 0,64%.
Microsoft đã rất nhanh tay tung ra Internet Explorer 9, và trong 24 tiếng đầu tiên, đã có 2,5 triệu lượt tải về. Một con số ấn tượng. Tuy nhiên nếu đem so với 7,1 triệu lượt tải về của Firefox 4, thì IE vẫn quá thua kém. Những lượt download nói trên đã được chuyển thành 1,04% thị phần cho Microsoft, và 1,68% cho Mozilla.