Samsung vừa ra mắt Galaxy A80 với camera trượt xoay lật và màn hình tràn viền thực thụ nhưng đó chỉ là một model cận cao cấp.
*Lược dịch ý kiến cá nhân của Milen Yanachkov, trang Phone Arena
Mới đây tôi đã khoe chiếc Samsung Galaxy A80 với một người bạn và anh ấy ngay lập tức bị chiếc điện thoại ấy hút hồn. "Tại sao nó không phải một chiếc flagship?", anh ấy tự hỏi và cũng chia sẻ rằng chưa bao giờ nghe về sự tồn tại của Galaxy A80. Tôi biết về chiếc Galaxy A80 này chỉ bởi vì tôi chuyên đưa tin về các sản phẩm công nghệ.
Với anh ấy, màn hình chiếm trọn mặt trước tuyệt đẹp và camera xoay trượt đầy chất tương lai của Galaxy A80 trông đẹp và cấp tiến hơn nhiều so với màn hình đục lỗ của Galaxy S10. Tôi không phản đối ý kiến đấy bởi chính tôi cũng thấy Galaxy A80 trông ngầu hơn. Trong cuộc khảo sát gần đây của Phone Arena, phần lớn độc giả của chúng tôi cũng đồng tình với tôi và bạn của tôi.
Tuy nhiên, thiết kế mà thoạt nhìn mang đầy chất tương lai ấy thực chất chỉ là một hình thức nhằm loại bỏ một vấn đề (trong trường hợp này là màn hình đục lỗ hoặc tai thỏ) nhưng lại tạo ra những vấn đề khác.
Phải công nhận rằng Galaxy A80 có thiết kế ấn tượng hơn và có một số lợi thế so với flagship Galaxy S10. Thứ nhất, nó không có tai thỏ hay lỗ trên màn hình. Thứ 2, mặc dù không có camera selfie chuyên dụng nhưng giờ đây bạn có thể sử dụng camera chính đề selfie. Điều này có nghĩa là bạn có thể chụp ảnh selfie với chất lượng cao hơn, tận dụng mọi lợi thế của cụm 3 camera trên Galaxy A80 mà không tạo ra bất kỳ khiếm khuyết nào trên màn hình.
Vậy tại sao các mẫu flagship tới từ Samsung, Apple, Huawei, LG... lại chỉ có thiết kế hai mặt kính kẹp lấy khung kim loại với đủ loại rãnh, lỗ khác nhau trên màn hình trong khi một số smartphone tầm trung từ chính Samsung, Huawei... lại đang vượt những giới hạn về thiết kế smartphone với màn hình trượt, camera xoay, pop-up...? Có một số lý do giải thích cho điều này.
Không phải vì Apple, Samsung... không thể làm flagship màn hình tràn viền thực thụ mà là vì đó chưa phải là ý tưởng tốt nhất
Nếu để ý bạn sẽ thấy những thiết kế smartphone đầy chất tương lai nhưng cũng không kém phần mạo hiểm kể trên thường tới từ các thương hiệu nhỏ của Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây Samsung và Huawei (chính xác hơn là thương hiệu con Honor của Huawei) cũng đã quyết định áp dụng những thiết kế mạo hiểm vào các dòng smartphone tầm trung của mình. Nhưng tất cả các flagship của họ đều vẫn đi theo một chiến lược an toàn với thiết kế nguyên khối mỏng hình chữ nhật, màn hình đục lỗ và rãnh (tai thỏ hoặc giọt nước).
Lý do thứ nhất cho chiến lược an toàn này là vì các dòng flagship có mức độ phổ biến cao hơn và có khả năng bán được nhiều hơn. Chính vì thế, các lựa chọn thiết kế an toàn sẽ đảm bảo ít xảy ra rủi ro hơn. Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng khi bạn bán với số lượng lớn, giá thành cao và đầu tư nhiều vào marketing, bạn cần phải cung cấp một sản phẩm đáng tin cậy, có khả năng hoạt động tốt sau vài cú rơi hoặc những va chạm ngẫu nhiên với các vật liệu khác. Càng nhiều người sử dụng một sản phẩm, các tình huống có thể xảy ra sự cố ngày càng đa dạng. Vì thế, các smartphone với thành phần chuyển động cơ học sẽ dễ hỏng hóc hơn và không chống nước, chống bụi tốt bằng thiết kế nguyên khối vốn đã được chứng minh rằng rất đáng tin cậy.
Và lý do thứ hai là những thiết kế dị thường này không mang lại cải thiện đáng kể cho người dùng nói chung. Đúng là chúng giúp loại bỏ tai thỏ, giọt nước hoặc lỗ đục trên màn hình nhưng lại đem tới những vấn đề khác. Đồng nghiệp của tôi, anh Preslav, gần đây đã chia sẻ trải nghiệm của anh ấy với một loạt smartphone Trung Quốc trong vài tháng qua. Preslav nói rằng bản thân anh ấy không thích chụp ảnh selfie và vì thế anh nghĩ rằng các thao tác mà anh cần thực hiện thêm để kích hoạt camera selfie vốn đã được ẩn đi trên các mẫu smartphone Trung Quốc sẽ không khiến anh cảm thấy phiền hà.
Hóa ra, anh ấy đã sai:
"Thực tế là những camera đặc biệt này khiến tôi phải thực hiện nhiều thao tác hơn để kích hoạt camera selfie và chúng cũng khiến tôi nhận ra rằng mình sử dụng camera trước nhiều hơn tôi nghĩ. Và thường thì tôi dùng camera trước để trả lời câu hỏi "Đang làm gì đấy" của bạn bè khi quá lười viết tin nhắn trả lời", Preslav nói.
Mặc dù có nhiều người không đồng ý với ý kiến này nhưng nó cho thấy camera trước đã trở thành tính năng thiết yếu trên smartphone ngay cả với những người hầu như không chụp ảnh selfie. Làm cho một tính năng thiết yếu trở nên khó truy cập hơn vì chúng ta chưa có công nghệ nào để tạo ra thiết kế tối ưu nhất mà không có khiếm khuyết trên màn hình rõ ràng là một ý tưởng chưa đủ tốt.
Năm ngoái, chúng tôi đã gọi tai thỏ (và các biến thể của nó) là điểm dừng trước khi chúng ta tiến tới smartphone màn hình tràn viền. Bây giờ, chúng tôi khá chắc chắn rằng smartphone thiết kế trượt, camera xoay, pop-up cũng vẫn chỉ là một điểm dừng, một sự thỏa hiệp tạm thời theo đúng nghĩa đen, trên con đường tiến tới smartphone màn hình tràn viền thực thụ. Mỗi người sẽ thích một cách tiếp cận của mỗi hãng khác nhau, Samsung và Huawei có nhiều lý do chính đáng để thử nghiệm giải pháp thiết kế mới tại một số thị trường và trên một số dòng sản phẩm nhất định. Và Apple cũng có lý do của riêng mình để chẳng làm gì cả, tiếp tục chọn thiết kế tai thỏ cho iPhone 2019.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI