Lý do nào khiến Apple đứng ngoài xu thế đuổi việc hàng loạt của ngành công nghệ hiện nay?
Lý do nào khiến Apple đứng ngoài xu thế đuổi việc hàng loạt của ngành công nghệ hiện nay?
Theo hãng tin CNBC, hàng loạt hãng công nghệ đã sa thải lượng lớn lao động trước nỗi lo suy thoái. Nguyên nhân phần lớn là do những hãng này tuyển dụng thêm nhiều nhân viên trong đại dịch nhằm đáp ứng đà tăng trưởng của ngành công nghệ.
Ngày 18/1/2023, Microsoft là tập đoàn mới nhất gia nhập trào lưu này khi tuyên bố đuổi việc 10.000 lao động, tương đương 5% tổng nhân lực. Trong khi đó Amazon cũng đang thực hiện quyết định sa thải 18.000 lao động đã tuyên bố trước đó.
Cả 2 tập đoàn trên cùng Meta (Facebook) và Alphabet (Google) là những Big Tech được hưởng lợi tăng trưởng trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Với doanh số và lợi nhuận tiếp tục bùng nổ trong năm 2021, các hãng công nghệ này đã liên tiếp tuyển dụng với kỳ vọng tương lai sẽ tiếp tục tươi sáng. Vậy nhưng một năm 2022 đầy bất ổn đã khiến nhiều ông lớn trở về với hiện thực.
Điều đáng ngạc nhiên là Apple, tập đoàn đang giữ danh hiệu công ty giá trị nhất hành tinh với tổng mức vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, lại chẳng sa thải nhiều lao động như những Big Tech khác. Nguyên nhân chính là Apple chẳng thuê ồ ạt thêm nhân lực trong 2 năm qua.
Tuyển nhiều, đuổi lắm
Hồ sơ của Ủy ban quản lý chứng khoán Mỹ (SEC) cho thấy trong năm qua, ngoại trừ Apple thì các Big Tech đều có biến động lớn về nhân lực.
Đầu tiên, Microsoft có khoảng 221.000 lao động tính đến tháng 6/2022, mức tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Vào năm 2021, hãng này cũng tuyển dụng thêm tới 18.000 lao động, tăng 11% so với năm trước đó.
Tương tự, Amazon cũng tuyển thêm vô số khi hãng thương mại điện tử này cần rất nhiều nhân lực vận hành nhà kho, giao hàng hay chuỗi cung ứng của mình. Năm 2020, Amazon đã tuyển thêm 500.000 nhân viên, tương đương hơn 38% nhân lực. Năm 2021, con số này là 310.000 người được tuyển mới.
Tính đến cuối tháng 12/2022, Amazon có khoảng 1,6 triệu lao động.
Với đế chế Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg thì tình hình còn đáng sợ hơn khi hãng liên tục tuyển thêm kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2012.
Năm 2020, Meta tuyển thêm hơn 13.000 người, mức tăng 30% và là năm tuyển dụng nhiều nhất trong lịch sử của hãng. Bước sang năm 2021, họ tiếp tục tuyển thêm 13.000 người nữa.
Với Alphabet, mặc dù hãng chưa chính thức cắt giảm lượng lớn lao động nhưng công ty đã sa thải 240 vị trí của phòng nghiên cứu sức khỏe tại Verily và 40 lao động của phòng robot Intrinsic. Nhiều chuyên gia dự báo con số này sẽ còn gia tăng trong tương lai khi Alphabet cũng tuyển dụng khá lớn trong 2 năm qua.
Năm 2021, tập đoàn này tuyển thêm hơn 21.000 lao động, tương đương mức tăng 15%. Trước đó vào năm 2020, con số này là hơn 16.000 người, tương đương mức tăng 14% nhân lực.
Trên thực tế, Alphabet đã tiên tục tuyển thêm ít nhất 10% nhân lực mỗi năm kể từ năm 2013. Riêng trong năm 2018-2019, hãng đã tuyển thêm 20% tổng nhân lực.
Với Apple, hãng tăng trưởng chậm hơn so với đà bùng nổ của các Big Tech khác trong đại dịch do doanh số bán iPhone chịu ảnh hưởng. Bởi vậy đà tuyển dụng của nhà táo khuyết không có nhiều đột biến và vẫn giữ nguyên theo kế hoạch kể từ năm 2016.
Tính đến tháng 9/2022, Apple có 164.000 nhân viên, mức tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2020, hãng cũng chỉ tuyển thêm chưa đến 7.000 người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?