Nghiên cứu cho thấy nhiều bác sĩ đang kê kháng sinh để làm hài lòng bệnh nhân
Kháng kháng sinh là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Ngay lúc này, có đến hơn 700.000 người chết mỗi năm do ảnh hưởng của kháng kháng sinh. Nếu không hành động, con số có thể tăng lên đến hơn 10 triệu người vào năm 2050.
Năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố trong một báo cáo rằng nhân loại thực sự đang ở trong cơn ác mộng của kháng kháng sinh. Nó là một mối đe dọa nghiêm trọng và thách thức lớn cho y học trong thời điểm này. WHO nói “không hành động ngay hôm nay, tương lai chúng ta sẽ chẳng còn thuốc chữa bệnh”.
Kể từ đó đến nay, đã có rất nhiều nỗ lực được thực hiện giúp ngăn chặn kháng kháng sinh. Trong đó, nổi bật lên là những chiến dịch truyền thông và giáo dục công chúng. Mọi người có thể quen dần với những câu khẩu hiệu như “Đừng sử dụng kháng sinh khi bị cảm cúm”. Nhưng tại sao chúng ta vẫn bỏ qua và kháng sinh tiếp tục bị lạm dụng? Câu chuyện hóa ra không đơn giản.
"Cảm lạnh? Cảm cúm? Chăm sóc bản thân đừng sử dụng kháng sinh"
Người bệnh biết gì về kháng sinh?
Năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam triển khai một chiến dịch truyền thông về kháng kháng sinh mang tên “Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc”. Trong đó, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ ra một thực trạng rằng nhận thức của người dân, thậm chí cả cán bộ y tế về kháng sinh còn rất hạn chế.
Ở Việt Nam có khoảng hơn 30.000 cơ sở bán thuốc tư nhân. Một khảo sát của Bộ Y tế cho thấy có tới 91% nhà thuốc ở nông thôn và 80% nhà thuốc ở thành thị bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc. Khi có triệu chứng bị bệnh, rất nhiều người sẽ ưu tiên đến một cơ sở thuốc tư nhân gần nhà để “hỏi ý kiến” dược sĩ hơn là tới bệnh viện.
Kháng sinh thường được sử dụng để điều trị viêm họng, phế quản, viêm xoang, viêm phổi… Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng bên cạnh vi khuẩn, tất cả các bệnh này đều có thể gây ra bởi virus. Trong nhiều trường hợp ngay cả cảm cúm, bệnh nhân cũng sử dụng kháng sinh. Mà đối với virus, kháng sinh là vô dụng.
Phân biệt được vi khuẩn và virus, kháng sinh vẫn bị lạm dụng
Rất nhiều chiến dịch truyền thông về kháng kháng sinh tập trung vào mục đích giúp công chúng phân biệt virus và vi khuẩn. Bằng cách nói với họ rằng kháng sinh không hiệu quả đối với virus, chúng ta hy vọng mọi người sẽ không dùng kháng sinh với những bệnh do virus gây ra.
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng mặc dù phân biệt được virus và vi khuẩn, nhiều người vẫn tiếp tục lạm dụng kháng sinh. Quyết định của họ được giải thích bằng một lý thuyết có tên “Fuzzy Trace Theory”. Theo đó, một hành động y tế được thực hiện dựa trên cách người bệnh cảm nhận về sự mạo hiểm.
Ví dụ khi bị bệnh, mọi người thường đặt lên bàn cân với một bên là hành động “mạo hiểm”, phía còn lại là tình trạng bệnh hiện tại của họ. Nếu họ đang cảm thấy không tốt, họ chọn sử dụng kháng sinh và có thể sẽ khỏi bệnh, hay là họ sẽ không làm gì cả và chắc chắn bệnh sẽ ngày càng tệ hơn. Vậy tại sao không có một chút mạo hiểm?
Về phía y bác sĩ, nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng đề nghị và những mong đợi của bệnh nhân có thể tác động vào đơn thuốc của họ. Nhiều bác sĩ đang kê đơn, khi người bệnh đề nghị họ cần kháng sinh. Thậm chí, khi bệnh nhân không mở lời, bác bác sĩ vẫn tin rằng kháng sinh có thể làm hài lòng người bệnh hơn. Vì thế, ngày càng nhiều những đơn thuốc lạm dụng kháng sinh.
Nghiên cứu cho thấy nhiều bác sĩ đang kê kháng sinh để làm hài lòng bệnh nhân
Thế nên, vấn đề cần tập trung giáo dục công chúng không phải là sự khác biệt giữa virus và vi khuẩn. Mọi người cần xóa bỏ hai nhận thức sai lầm: Thứ nhất là niềm tin rằng kháng sinh luôn mang đến một cơ hội khỏi bệnh. Thứ hai là kháng sinh không gây phản ứng phụ có hại. Chúng ta cần nhận thức được rằng sử dụng kháng sinh không phải chỉ có một chút mạo hiểm, đó là một sự mạo hiểm lớn.
Sử dụng kháng sinh là một sự mạo hiểm lớn
Kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh nhiễm trùng. Nhưng cũng giống như bất cứ một loại thuốc nào khác, kháng sinh chỉ hiệu quả khi được sử dụng một cách chính xác. Khi bị lạm dụng hoặc sử dụng sai, kháng sinh có thể gây hại nghiêm trọng.
Những loại kháng sinh thông thường đều có tác dụng phụ có hại. Clostridium difficile có thể gây ra dị ứng hoặc thậm chí là nhiễm trùng thứ cấp. Cứ khoảng 2.000 đơn thuốc được kê sẽ có 1 bệnh nhân gặp tình trạng nguy hiểm này.
Một số loại kháng sinh thông thường có nguy cơ khiến người sử dụng bong võng mạc. Một số khác gây loạn nhịp tim nghiêm trọng. Thuốc kháng sinh cũng có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, viêm đại tràng, trào ngược dạ dày, buồn nôn hoặc đau đầu.
Sử dụng kháng sinh khi bị cảm cúm là một sự mạo hiểm lớn
Lặp đi lặp lại việc sử dụng kháng sinh có thể gây ra nguy cơ kháng thuốc trên từng bệnh nhân. Kéo theo đó họ sẽ gặp khó khăn trong điều trị sau này, tăng thời gian nằm viện và chi phí y tế. Gen kháng thuốc có thể lây lan giữa các vi khuẩn và do đó sẽ gây hại cho cộng đồng.
Kết luận
Nói tóm lại, bây giờ là lúc chúng ta không nên coi kháng sinh là những viên “thần dược” trị bách bệnh nữa. Không những không có tác dụng trong việc điều trị bệnh do virus gây ra, kháng sinh còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có hại. “Đừng sử dụng kháng sinh khi bị cảm cúm”, khái quát câu khẩu hiệu, bạn nên biết rằng tiếp tục lạm dụng kháng sinh là gây hại cho chính mình và cả cộng đồng.
Tham khảo Theconversation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"