Tại sao các startup tỷ USD được gọi là kỳ lân?

    Linh Lam, Theo NDH 

    Ngày nay, thuật ngữ kỳ lân (unicorn) – chỉ các startup có mức định giá từ 1 tỷ USD – được sử dụng rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, không nhiều người biết nguồn gốc của tên gọi này.

    “Startup tỷ USD hiếm như kỳ lân”

    Thuật ngữ kỳ lân (unicorn) trong khởi nghiệp được sử dụng lần đầu tiên bởi Aileen Lee, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Cowboy Ventures tại Thung lũng Silicon (Mỹ) – công ty từng rót vốn vào một số startup như Bloom Energy, Dollar Shave Club và Rent the Runway.

    Năm 2013, trang công nghệ TechCrunch đăng tải một bài viết của Aileen Lee với tựa đề: “Chào mừng đến với câu lạc bộ kỳ lân: Học từ những startup tỷ USD”. Trong bài viết, Lee cho biết nhóm của bà đã tìm kiếm và đưa ra danh sách những công ty công nghệ tại Mỹ ra đời từ năm 2003 và có giá trị từ 1 tỷ USD.

    Tại sao các startup tỷ USD được gọi là kỳ lân? - Ảnh 1.

    Nhà đầu tư mạo hiểm Aileen Lee, người đầu tiên dùng thuật ngữ kỳ lân để nói về startup tỷ USD. Ảnh: Getty Images.

    Tại thời điểm đó, Lee nhận ra số startup đạt được 2 tiêu chí của bà rất ít, chỉ có khoảng 0,07% trong tổng số các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư đạt mức định giá tỷ USD trong vòng ít hơn 10 năm. Lee muốn tìm một thuật ngữ để nói về nhóm công ty khởi nghiệp thành công và hiếm có này.

    Chia sẻ trong một sự kiện, nhà đầu tư sinh năm 1970 cho biết bà đã cân nhắc một vài cái tên, trong đó bao gồm “home run” và “mega-hit”, nhưng cuối cùng Lee quyết định chọn “unicorn”. Trong truyền thuyết, kỳ lân là một loài vật hiếm, có hình dáng giống con ngựa trắng một sừng, một số phiên bản có thể mọc thêm cánh.

    Theo Lee, giống như loài kỳ lân hiếm có, trong hàng nghìn startup công nghệ trên thế giới chỉ có vài công ty có thể trở thành doanh nghiệp tỷ USD. Bên cạnh đó, hình ảnh kỳ lân cũng thể hiện sự khao khát thay đổi thế giới của các startup.

    “Nhiều doanh nhân và nhà sáng lập có những ước mơ lớn và đang thực hiện sứ mệnh xây dựng những thứ thế giới chưa từng có trước đây. “Home-run” hay những thuật ngữ tương tự không phản ánh được tinh thần này”, Lee nói.

    Bài báo của nhà đầu tư mạo hiểm này sau đó được rất nhiều người chia sẻ. Và cách gọi các startup tỷ USD là kỳ lân dần trở nên phổ biến trên thế giới.

    Thời của siêu kỳ lân

    Khi bài báo của Lee xuất bản, "câu lạc bộ kỳ lân" mà bà tìm ra chỉ có 39 thành viên. Tuy nhiên, số lượng các startup được định giá trên 1 tỷ USD đã tăng lên rất nhanh trong những năm qua. Theo thống kê của công ty chuyên theo dõi các startup CB Insight, chỉ riêng năm 2018, thế giới có thêm 119 startup kỳ lân, tăng 67% so với con số 71 của năm 2017.

    Cũng theo dữ liệu real-time (thời gian thực) của CB Insight, hiện có 348 unicorn trên toàn cầu với tổng tài sản 1.165 tỷ USD, trong đó một nửa đến từ Mỹ.

    Khi các công ty có giá trị trên 1 tỷ USD không còn hiếm như 6 năm trước, thế giới đang tập trung sự chú ý đến các siêu kỳ lân (decacorn) – thuật ngữ chỉ các startup có giá trị từ 10 tỷ USD.

    Tại sao các startup tỷ USD được gọi là kỳ lân? - Ảnh 2.

    Đồ thị: Linh Lam. Số liệu: CB Insight.

    Câu lạc bộ siêu kỳ lân hiện có 18 thành viên, trong đó dẫn đầu là Bytedance – startup Trung Quốc sở hữu ứng dụng TikTok với định giá 75 tỷ USD. Tiếp theo là ứng dụng gọi xe Uber với 72 tỷ USD; Didi Chuxing 56 tỷ USD; WeWork 47 tỷ USD; JUUL Labs 38 tỷ USD…

    Hơn 55% siêu kỳ lân có trụ sở chính tại Mỹ; 22% đến từ Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á có 2 đại diện là Grab (Singapore) với 14 tỷ USD và Go-Jek (Indonesia) với 10 tỷ USD. Ấn Độ và Hàn Quốc, mỗi quốc gia có một siêu kỳ lân.

    Ngoài ra, một số startup có giá trị đang tiến gần mốc 10 tỷ USD như Coupang (Hàn Quốc) và Guazi (Trung Quốc) với 9 tỷ USD, Coinbase (Mỹ) 8 tỷ USD…


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ