Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?

    Thanh Long,  

    Giống như một bào thai nằm yên ổn bên trong bụng mẹ, người lớn cũng sẽ cảm thấy ấm cúng, khi được nghỉ ngơi ở nhà ngày mưa bão.

    Một nồi lẩu sôi quây quần cùng gia đình, bạn bè ngày mưa gió có thể gợi lên khao khát thèm muốn của bất cứ ai. Hay nếu bạn là người hướng nội và đang độc thân, một ngày mưa bão tuyệt vời là một ngày cuối tuần mà bạn được nghỉ. Úp một hộp mì, pha một cốc trà đào rồi đọc sách ngắm mưa bên cửa sổ cũng đủ làm trái tim bạn tan chảy.

    Có lẽ tất cả mọi người - một khi được an toàn trong nhà ngày bão - ít nhiều đều cảm thấy cái cảm giác hồi hộp và bình yên đến lạ. Nhưng tại sao lại vậy?

    Tại sao cảm giác ở nhà đón bão lại bình yên đến vậy?

    Thức ăn, nước uống và chỗ trú ẩn

    Mọi chuyện có lẽ đã bắt đầu từ thời tiền sử, khi tổ tiên của chúng ta còn sống trong những hang động ở Châu Phi, kiếm ăn từng ngày trên những thảo nguyên bằng hoạt động săn bắn, hái lượm.

    Việc đối mặt với những cơn bão đôi khi ập đến đã giúp họ hiểu rằng mình cần phải tích trữ nước và thực phẩm.

    Có thể người tiền sử không cần dự trữ nước ở một thời đại mà nước mưa chưa bị axit hóa và bão hòa với các loại khí nhà kính, nó có thể uống ngay được. Nhưng một cái đùi hươu cất trong hang nông, có lẽ sẽ vỗ về được dạ dày của tổ tiên chúng ta, trong những ngày không thể ra ngoài săn bắn vì mưa bão.

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 1.

    Ảnh minh họa.

    Vì vậy, có thể người tiền sử không vào siêu thị mua xúc xích và thịt ba chỉ để ăn lẩu đón bão, nhưng họ biết mình cần phải tích trữ đồ ăn cho những ngày không ra ngoài. Nhu cầu tích trữ đó đã được cài đặt sẵn trong bộ gen của mỗi chúng ta.

    Không khó để giải thích tại sao siêu thị lại hết đồ ăn, chợ lại đóng cửa sớm khi mọi người đều về vội về nhà trong những ngày mưa bão. Bởi nếu thiếu một trong ba thứ, thức ăn, nước uống hoặc chỗ trú ẩn, con người sẽ không thể tồn tại.

    Đó cũng là lý do tại sao đến tận thế kỷ 20, khi nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow đúc kết ra tháp nhu cầu nổi tiếng mang tên ông, Maslow đã phải để thức ăn và nước uống xuống hàng cơ bản dưới cùng. Còn một chỗ trú ẩn sẽ nằm đâu đó, giữa những nhu cầu sinh lý đầu tiên và nhu cầu thứ hai là cảm giác được an toàn.

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 2.

    Tóm lại, không có gì ngạc nhiên khi việc được ở trong nhà – một ngôi nhà vững chãi- có đồ ăn và nước uống trong một ngày bão sẽ khiến tâm trí của chúng ta được xoa dịu.

    Ít nhất thì bạn không phải lo lắng về những nhu cầu cơ bản để tồn tại.

    Mưa gió, sấm chớp và serotonin

    Thế nhưng, rõ ràng sự yên bình trong những ngày mưa bão có thể vượt lên khỏi cảm giác có đủ đồ ăn và nước uống. Hẳn phải có một yếu tố bí ẩn nào đó khiến cho việc ngồi cạnh cửa sổ, ngắm những hạt nước lăn trên ô kính, nghe tiếng gió rít và tiếng sấm chớp xa xôi làm não bộ của chúng ta như được massage.

    Chẳng thế mà trên Youtube và Spotify đã có hàng triệu video và podcast chứa tiếng mưa gió, đi kèm với tiếng sấm chớp xa xôi dành cho những ai thèm khát được nghe chúng - trong khi làm việc, trong khi học, khi chuẩn bị ngủ và khi… chẳng làm gì cả.

    Thứ mà chúng ta đang nói đến là nền kinh tế "tiếng ồn trắng", những podcast đang đóng góp 3 triệu tiếng đồng hồ "chơi nhạc" mỗi ngày trên Spotify, tạo ra 38 triệu USD lợi nhuận cho nền tảng này nhờ bán quảng cáo và đem về thu nhập 18.000 USD (tương đương gần 450 triệu VNĐ/tháng) cho những nhà sáng tạo nội dung chỉ copy/paste tiếng mưa rơi, gió rít và âm thanh bão bùng lặp đi lặp lại cả tiếng:

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 3.

    165 triệu người đã bật một video dài 10 tiếng đồng hồ chứa tiếng mưa gió bão bùng trên Youtube.

    Và nếu như bạn phải trả 60.000 mỗi tháng cho Spotify hoặc gia hạn Youtube Premium 500.000 một năm để nghe tiếng bão bùng không gián đoạn, tại sao phải làm thế khi có một cơn bão thật ngoài kia, ngay bên cửa sổ nhà bạn?

    Những tiếng ồn trắng như tiếng mưa, tiếng gió, tiếng sấp chớp xa xôi hay âm thanh của một cơn bão sẽ giúp bạn làm dịu não bộ, xóa tan căng thẳng và mệt mỏi, đưa bạn đi vào giấc ngủ. Hiệu ứng này đã được hàng trăm thí nghiệm khoa học chứng minh và các nhà khoa học nghĩ rằng họ có thể giải thích được nó.

    Sự tình là não bộ của chúng ta luôn thèm khát những kích thích liên quan đến đầu vào cảm giác, từ thị giác, thính giác cho đến khứu giác và xúc giác. Về cơ bản, chúng ta không thể chịu đựng được sự im lặng.

    Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một phòng họp với tất cả đồng nghiệp và sếp bạn đều im lặng. Lúc đó, khao khát duy nhất bên trong não bộ của bạn là có một tiếng động nào đó phá tan bầu không khí im lặng đó.

    Sự khao khát kích thích cảm giác khiến não bộ phải căng lên tìm kiếm chúng mỗi khi thế giới bên ngoài không tạo cho nó bất kể một kích thích nào cả, như việc ở trong một phòng họp im lặng, một lớp học không có ai giơ tay xung phong, hay một căn phòng im lặng tuyệt đối trong cơn bão…

    Một video yên bình trên TikTok

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 4.

    Tiếng ồn trắng có thể làm dịu não bộ.

    Ơn trời, loài người đã phát hiện ra những âm thanh đều đều được gọi là tiếng ồn trắng có thể phá vỡ sự im lặng đó và khiến não bộ chúng ta thỏa mãn. Các nghiên cứu cho thấy tiếng ồn trắng có thể khiến não bộ tiết ra adrenaline, thư giúp bạn tăng cường sự tập trung.

    Đôi khi, nó kích thích hệ thống tưởng thưởng dopamine trong não bộ, một hormone tạo ra cảm giác dễ chịu. Và không thể không kể đến serotonin, một hóa chất cũng được tiết ra khi bạn nghe tiếng ồn trắng, thứ giúp não bạn được thả lỏng và đi vào giấc ngủ.

    Khi bộ ba hormone này được não bộ điều tiết và pha chế, sự căng thẳng của các đầu vào giác quan sẽ được làm dịu xuống. Bạn sẽ có cảm tưởng tiếng gió rít ngoài cửa sổ, tiếng mưa rơi trên mái tôn và tiếng sấp chớp xa xăm như đang massage, mơn man trên não bộ mình.

    Mưa bão trong văn hóa đại chúng

    Cuối cùng, có một lý do khiến hình ảnh những cơn bão, không chỉ bớt đáng sợ, mà ngược lại còn trở nên thơ mộng hơn, đó là khi nó được đặt dưới lăng kính của văn hóa đại chúng.

    Bạn còn nhớ cơn lốc xoáy đã đưa cô bé Dorothy đến xứ sở kỳ diệu Oz chứ? Cơn bão ấy không phải là một biểu tượng của sự tàn phá mà là cầu nối dẫn đến một thế giới đầy màu sắc, nơi Dorothy gặp được những người bạn mới đáng yêu, cùng trải qua vô vàn điều kỳ diệu.

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 5.

    Trong văn học, âm nhạc và điện ảnh, những cơn bão thường được sử dụng như một chất nền tạo ra cao trào. Bão có thể khốc liệt, tàn phá và tang thương. Nhưng một khi nó qua đi, người ta luôn thấy được những khoảnh khắc yên bình đến lạ.

    "Mưa" của Trần Đăng Khoa đã mở đầu bằng"Ông trời Mặc áo giáp đen Ra trận Muôn nghìn cây mía Múa gươm… Lá khô Gió cuốn Bụi bay Cuồn cuộn… Chớp Rạch ngang trời…Sấm Ghé xuống sân…Cây dừa Sải tay Bơi…Mưa Ù ù như xay lúa Lộp bộp Rơi Đất trời Mù trắng nước Mưa chéo mặt sân Sủi bọt". Nhưng bài thơ đã kết thúc bằng một khung cảnh đoàn viên không thể yên bình hơn: "Bố em đi cày về Đội sấm Đội chớp Đội cả trời mưa".

    Nếu như "Khoảng trời của bé", Thùy Chi,bắt đầu ngay bằng một khung cảnh tang thương: "Cơn bão chiều qua cuốn đi ngôi nhà Từ đây em bé bơ vơ Sẽ không còn cha sẽ không có mẹ nữa", thì bài hát cũng kết thúc bằng "Rộn ràng em bước thênh thang Hồn nhiên như chim bồ câu tung cánh Về một thế giới cho em những gì Tốt đẹp đó là tấm lòng Của bao người".

    Victor Vũ trong"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã tái hiện cảnh lũ về của Nguyễn Nhật Ánh bằng một trường đoạn đầy cảm xúc trên màn ảnh rộng, khi Tường chạy dưới mưa, ba đứa trẻ ngắm trời bão bên cửa sổ. Cuối cùng, sau khi gió kéo đổ nhà, lũ dâng ngập mái lá, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên ngồi trên giường chơi thả thuyền giấy:

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 6.
    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 7.
    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 8.
    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 9.

    Không chỉ có điện ảnh và âm nhạc, các sản phẩm văn hóa đại chúng khác như báo chí và mạng xã hội luôn biết cách gợi lên cảm giác yên bình của chúng ta khi được ở nhà trong một cơn bão.

    Chẳng hạn, dưới đây là một bài báo, liệt kê cho bạn tới 6 loại lẩu có thể ăn trong một ngày mưa bão:

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 10.

    Còn Facebook của một công ty sách sẽ giới thiệu đến bạn một khái niệm phi chính thống, được gọi làchrysalism: Nó được định nghĩa là"cảm giác tĩnh lặng tuyệt đối trong căn nhà ấm áp và an toàn, trong khi ngoài kia là mưa bão đang ập đến trên mái nhà".

    Từ này được John Koenig, tác giả một cuốn sách có tên là "Từ điển những nỗi buồn không tên" nghĩ ra trong lúc anh cố gắng mô tả những cảm xúc hiện sinh chưa từng được bất kỳ ai đặt tên.

    Nhưng ở đây, định nghĩa chrysalism được dịch không thực sự sát nghĩa:

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 11.

    "Cảm giác tĩnh lặng tuyệt đối" được dịch từ "amniotic tranquillity", trong định nghĩa gốc của Koenig, nó có nghĩa là "sự yên ổn trong nước ối", và sự yên ổn này không hề tĩnh lặng tuyệt đối như bản dịch.

    Hàm ý cụm từ "amniotic tranquillity" của Koenig muốn nhắc về một giai đoạn đầu đời, khi chúng ta còn là những bào thai ở trong tử cung của mẹ. Thính giác và thị giác của chúng ta đã phát triển để nghe thấy và nhìn thấy.

    Nhưng khi đi qua lớp nước ối, mọi âm thanh dù có chát chúa tới đâu và ánh sáng dù có chói lóa cỡ nào cũng sẽ bị bóp nghẹt lại, chỉ còn là những tiếng động "ì ùng"và sắc màu loang lổ xuyên qua tử cung người mẹ.

    Những thứ đó, với tầm số thấp giống như tiếng ồn trắng đã ru chúng ta ngủ, đem đến cảm giác ấm áp, được bao bọc và bảo vệ.

    Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?- Ảnh 12.

    Ở nhà ngày bão cũng giống như hồi nhỏ được nằm yên bình trong bụng mẹ.

    Có lẽ giống như một bào thai nằm yên ổn bên trong bụng mẹ, người lớn cũng sẽ cảm thấy một sự cộng hưởng tương tự khi được ở trong ngôi nhà vững chãi của mình. Một lớp tường và kính đủ dày có thể biến những tiếng mưa xối xả, tiếng gió gào thét và tiếng sấm chớp kinh hoàng ngoài kia trở thành những tần số dễ chịu.

    Nguồn: Tham khảo Independent, Discovery, Wikipedia
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ