Tại sao Facebook bỏ qua cơ hội "triệt" TikTok ngay từ trứng nước?

    Minh Bảo, Theo Vnreview 

    Vào năm 2016, Facebook đã suy nghĩ hàng tháng trời về quyết định mua lại Musical.ly, đây là ứng dụng đăng các đoạn video ngắn rất nổi tiếng trong giới trẻ vào thời điểm đó và đến nay, nó tiếp tục phát triển dưới cái tên TikTok.

    Theo một nguồn tin thì cuối cùng Facebook đã quyết định không thâu tóm nền tảng này dù nó có hệ người dùng trẻ. Nhưng điều này lại rất phù hợp với nghi vấn của chính phủ về việc Facebook đã mua lại các đối thủ trong quá khứ. Cuộc thương thuyết diễn ra khoảng 3 năm trước khi Kevinn Systrom, CEO Instagram, bất ngờ đến Thượng Hải và gặp gỡ nhà sáng lập Musical.ly. Thời điểm đó, ByteDance Inc trở thành startup lớn nhất thế giới với định giá 800 triệu USD.

    Thỏa thuận thất bại khiến nền tảng chia sẻ video ngắn này mất đi cơ hội phát triển tại cả Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường di động lớn nhất thế giới. Mark Zuckerberg, CEO Facebook, dù luôn muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc, tuy nhiên anh đã do dự khi Systrom cho biết nền tảng này đang phát triển rất chậm vào thời gian này và nó phổ biến trong giới trẻ là chủ yếu.

    Tại sao Facebook bỏ qua cơ hội triệt TikTok ngay từ trứng nước? - Ảnh 1.

    Sau đó, Zuckerberg vẫn tiếp tục với ý định đưa Musical.ly về phát triển tại đất nước của mình. Anh đã có buổi thảo luận với người điều hành Musical.ly tại trụ sở của Facebook vào mùa thu năm 2016. Cuộc thảo luận rất nghiêm túc nhưng lại không có bất cứ con số nào được đưa ra. Đó là vì Facebook nhận ra rằng việc sở hữu một công ty tại Trung Quốc rất phức tạp. Ngoài ra, việc Musical.ly hướng đến đối tượng khách hàng nhỏ tuổi lại rất khó tiếp cận với luật pháp của Mỹ với các yêu cầu về quyền riêng tư và an toàn cho trẻ em trên mạng Internet.

    "Chúng tôi muốn phát triển tại Trung Quốc vì chúng tôi hướng đến việc thiết lập kết nối toàn cầu. Nhưng chúng tôi không thể đưa ra bất cứ thỏa thuận nào", phát ngôn viên của Facebook cho biết, người này sau đó từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc gặp giữa hai bên. "Cuối cùng, Facebook đã quyết định rút khỏi cuộc mua bán này". BuzzFeed News sau đó cho biết người phát ngôn cho ByteDance từ chối bình luận về những yêu cầu của Facebook.

    Ưu tiên hàng đầu của Zuckerberg là tiếp cận thị trường Trung Quốc, việc này thể hiện qua các động thái như thăm Chủ tịch Tập Cận Bình và đăng ảnh về việc chạy bộ trong "làn sương" tại Bắc Kinh. Nhưng gần đây nhất, anh lại thể hiện sự chống đối TikTok và chính phủ Trung Quốc bằng việc cáo buộc quá trình kiểm duyệt trên nền tảng này vi phạm giá trị của người Mỹ. Một trong những quan điểm của Zuckerberg là mọi sự suy yếu của Facebook đều có thể khiến các công ty Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn.

    Thứ Tư vừa qua, Zuckerberg cho biết giờ đây việc Facebook tham gia vào thị trường Trung Quốc đã trở nên bất khả thi. "Chúng tôi gần như chẳng bao giờ có thể đạt được thỏa thuận để có thể hoạt động tại Trung Quốc. Giờ đây, Facebook đang ở vị trí mà chúng tôi sẵn sàng đứng lên bảo vệ cho những gì chúng tôi tin tưởng hơn là những gì công ty khác có thể làm để được hoạt động tại Trung Quốc".

    Năm 2019, TikTok gặp phải một số vấn đề với chính quyền Mỹ, lý do xung đột lại khác xa so với những gì Facebook lo ngại trước đó. Bloomberg đưa tin chính phủ Mỹ đã mở một cuộc điều tra liên quan đến việc ByteDance mua lại Musical.ly hai năm trước để hợp nhất với TikTok có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không. Dưới áp lực từ cuộc điều tra này, ByteDance đã phải vận động hành lang ở Mỹ nhằm vào cả những người lập pháp của nước này.

    Suy cho cùng thì việc TikTok có thể phát triển đến ngày hôm này cũng một phần nhờ vào Facebook. ByteDance đã phải trả rất nhiều tiền để chạy quảng cáo cho TikTok trên hai nền tảng Facebook và Instagram. Cũng có thể nói rằng, TikTok đã chi tiền để mua lại tệp người dùng từ những nền tảng lớn hơn nó. Tuy nhiên đến quý II/2019 thì số tiền TikTok chi cho quảng cáo đã giảm mạnh khi tốc độ phát triển của nền tảng này bắt đầu chậm lại.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ