Tại sao gọi 3G lại tốn pin hơn gọi 2G?
(GenK.vn) - Đàm thoại trên sóng 3G thường tốn pin hơn 2G.
Mỗi lần ra mắt sản phẩm mới hoặc cần tra cứu các tham số kỹ thuật của smartphone, nếu để ý chúng ta đều thấy trong các số liệu công bố của các hãng đều chia ra thời lượng pin khi gọi 2G và 3G, thông thường thì thời lượng gọi 3G ít hơn 2G.
Nếu không xét tới yếu tố truy cập các dịch vụ Internet trên smartphone, thì về cơ bản, mạng 3G và 2G không khác nhau về các dịch vụ thông thường như thoại hay SMS và một số dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng, ngoại trừ tốc độ truy cập Internet và... pin.
Nhưng tại sao gọi 3G lại tốn pin nhiều hơn 2G?
Khi thực hiện cuộc gọi ở chế độ 2G, hệ thống tín hiệu sẽ tập trung vào sóng radio (thoại) và hạn chế (thậm chí ngắt hẳn) tín hiệu truy cập dữ liệu do giới hạn về băng tần và slot tín hiệu. Do vậy khi sử dụng chế độ 2G (GSM) và đang gọi thì việc truy xuất Internet gần như là không thể. Chính vì việc ngắt sóng data và tập trung cho sóng radio khi gọi nên các cuộc gọi ở chế độ 2G tiết kiệm pin hơn hẳn.
Công nghệ 3G linh hoạt hơn nhiều so với 2G, công nghệ này cho phép sử dụng một loạt các dịch vụ như GPS (Global Positioning System – Hệ thống định vị toàn cầu), truyền hình di động và video thoại, không chỉ cho phép sử dụng chúng trên toàn thế giới mà còn cung cấp các dịch vụ với một mức băng thông tốt hơn và cải thiện tốc độ. Ngoài ra, nó có thể hỗ trợ các công nghệ viễn thông lớn được biết đến là CDMA, TDMA và FDMA. Chính vì hoạt động ở chế độ đa băng tần và khuếch đại tín hiệu nhằm mở rộng băng thông, nên các "sóng 3G" tiêu hao nhiều pin hơn so với 2G.
Khi thực hiện cuộc gọi ở chế độ sóng 3G, dù không dùng đến kết nối dữ liệu Internet nhưng smartphone của bạn vẫn duy trì cả "sóng dữ liệu" để sẵn sàng truy xuất vào Internet nên gây hao pin đáng kể. Thậm chí, các dịch vụ xác định vị trí và nhận diện danh tính như GPS vẫn liên tục cập nhật thông tin của bạn trong khi thực hiện cuộc gọi. Bạn có thể thử kiểm tra bằng cách trong khi thực hiện cuộc gọi thì bấm vào phím Home để quay về màn hình mặc định, và thử truy xuất Internet từ trình duyệt hoặc các dịch vụ khác.
Nhiệt độ! Yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc gọi 3G, vì sóng 3G có cường độ mạnh và đòi hỏi chip thu phát sóng 3G phải làm việc nhiều hơn so với sóng 2G, nên lượng nhiệt tỏa ra lớn hơn đáng kể, nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp tới mức tiêu hao pin (và dẫn tới chai pin nhanh hơn). Nhiệt độ cũng là lý do mà các cuộc gọi 3G trên các smartphone thường được thiết lập giới hạn tầm 1 tiếng đồng hồ, để đảm bảo an toàn cho chip 3G trên thiết bị không bị quá nóng.
Hiểu đơn giản, khi gọi 2G thì chỉ tập trung vào cuộc gọi, và ngắt các kết nối khác. Trong khi ở cuộc gọi trên mạng 3G, smartphone vẫn duy trì kết nối Internet và các kết nối khác do mạng 3G hỗ trợ nhiều slot kết nối hơn (8 slot), đó là lý do chính dẫn tới hao phí pin cho cuộc gọi 3G nhiều hơn hẳn so với 2G.
Cuộc gọi 3G và 2G tiêu tốn pin như thế nào?
Theo các nghiên cứu chi tiết trên Stack Exchange Inc và blog Famzah , mức tiêu hao ở chế độ chờ của smartphone sử dụng mạng 3G trung bình khoảng 15 mW và 10 mW đối với 2G, chưa tính tới lượng pin sử dụng khi bật màn hình.
Thế còn khi gọi điện? Ở đây chúng ta coi là gọi điện thông thường, không tính video call và tất nhiên là chả mấy ai vừa gọi vừa lướt web hay truy cập dữ liệu Internet, xét trong cùng mức âm lượng, loa/headphone. Trong thử thách này thì 2G có lợi thế hơn, cụ thể tiêu hao khi gọi 3G tầm 800 mW, trong khi con số này cho cuộc gọi 2G chỉ bằng một nửa, tức là 400 mW. Con số này cũng phù hợp với mức tiêu hao pin của iPhone.
Như bạn có thể thấy, khi vào cuộc gọi, 3G tiêu tốn gấp 2 lần năng lượng so với cuộc gọi 2G trong cùng một mốc thời gian, do vậy nếu bạn có nhu cầu gọi điện thường xuyên và ít truy cập dữ liệu Internet, hãy tắt 3G và chuyển hẳn sang 2G. Chỉ bật 3G (hoặc WiFi) khi cần đến kết nối nhanh.
Những yếu tố tiêu hao pin khác
Khi dùng công nghệ 2G, tất cả các tin nhắn văn bản được mã hóa số, chỉ có người cần nhận mới nhận được tin (đã giải mã). Các tín hiệu số này tiêu hao rất ít pin, do vậy về cơ bản công nghệ này giúp tiết kiệm pin cho điện thoại hơn so với 3G.
Còn với mạng 3G, bản thân quá trình thu phát sóng 3G cũng hao pin hơn, smartphone liên tục phải "nỗ lực" giữ sóng 3G và ưu tiên cho nó. Chưa kể như đã đề cập ở trên, thiết bị thu phát 3G trên smartphone cũng tỏa ra một lượng nhiệt đáng kể.
Ngay ở chế độ chờ, các dữ liệu sử dụng kết nối 3G liên tục được thu thập như GPS (nếu bật), các dịch vụ thống kê và cập nhật ngầm của hệ điều hành, các dịch vụ ứng dụng tin tức và thời tiết, các dịch vụ đồng bộ dữ liệu đám mây. Trong khi ở chế độ 2G, các dịch vụ thu thập, cập nhật và đồng bộ tự động này đều được các nhà sản xuất smartphone chủ động cắt giảm hoặc loại bỏ sẵn.
Có một nghịch lý khá thú vị là 3G tiêu hao ít năng lượng (pin) hơn tới 6 lần so với 2G khi tải cùng một lưu lượng dữ liệu, do tốc độ truy xuất 3G nhanh hơn 2G. Nhưng chính vì tốc độ truy xuất Internet nhanh nên sự lạm dụng của chúng ta với các dịch vụ mạng ở 3G trên smartphone nhiều hơn (và thời gian dùng màn hình cũng nhiều hơn), và do đó cũng thường tiêu hao nhiều pin hơn so với khi dùng 2G.
Ngoài ra, cần xét tới yếu tố thiết bị (cụ thể là smartphone), hiện nay thường có 3 chế độ băng tần trên máy di động là GSM (chỉ sử dụng 2G/2,5G), UMTS hay WCDMA (chỉ sử dụng 3G) và Dual Mode hay Auto (tự động chuyển đổi 2G/3G tùy vào cường độ và chất lượng sóng), chế độ tự động chuyển đổi này cũng gây hao pin không ít. Bên cạnh đó, chất lượng pin, các tiêu hao do mức độ tối ưu trong thiết kế, các điểm tiếp xúc và chất lượng thu phát sóng cũng như chất lượng sóng của nhà mạng cũng góp phần đáng kể trong việc "hút" cạn pin của smartphone.
Nên sử dụng 2G hoặc 3G khi nào?
Thiết lập thời gian sử dụng 2G/3G theo profile tự động bằng các ứng dụng quản lý profile là một giải pháp tối ưu pin.
Như đã đề cập ở trên, nếu bạn sử dụng smartphone chủ yếu để nghe gọi và nhắn tin (chẳng hạn như trong giờ hành chính), ít dùng đến các kết nối Internet tốc độ cao và ít di chuyển tới những khu vực sóng không ổn định thì nên chuyển hẳn sang chế độ 2G. Lúc này, bạn có thể sử dụng máy tính hoặc tablet dùng WiFi cho nhu cầu Internet. Khi cần, bạn có thể chuyển về chế độ tự động Auto/Dual Mode, mất khoảng 5-10s là smartphone bạn đã sẵn sàng hoạt động ở chế độ 3G.
Còn nếu bạn là người di chuyển nhiều, có nhu cầu tra cứu định vị GPS và dữ liệu di động thường xuyên (chẳng hạn như bạn đi du lịch hoặc làm nghề chuyển phát nhanh) thì nên để ở chế độ Auto/Dual Mode. Ở chế độ này, bạn sẽ luôn ưu tiên 3G và sẽ tự động chuyển về 2G ở những khu vực sóng 3G không có hoặc yếu.
Nếu đã xác định được nhu cầu sử dụng, bạn có thể vào thiết lập về chế độ 2G hoặc 3G riêng biệt sẽ ít hao pin hơn so với chế độ tự động chuyển đổi Auto/Dual Mode. Trong tất cả các trường hợp, bạn nên dùng các ứng dụng quản lý profile (bao gồm cả quản lý các chế độ kết nối) có sẵn trên các kho ứng dụng Google Play hoặc App Store để thiết lập tự động chế độ chuyển đổi 2G/3G/Auto tùy theo các mốc thời gian trong ngày nhằm tiết kiệm pin khi ở công sở hoặc khi đi ngủ.
Điều cuối cùng, nên nhớ rằng hao pin nhiều hay ít chủ yếu phụ thuộc vào thói quen sử dụng smartphone của bạn.
Theo VnReview
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4