Tại sao Google không thể khai tử Chrome OS ?

    Yến Thanh,  

    Trên thực tế, nếu đứng trên góc độ của một nhà kinh doanh, Google hoàn toàn có thể chia tay Chrome OS.

    Sau khi Google đưa ra những thông báo cho việc, công ty này sẽ sớm hợp nhất nền tảng Android và Chrome OS trong 2 năm tới. Rất nhiều nguồn tin đã lầm tưởng rằng, Google muốn khai từ Chrome OS, vốn là hệ điều hành mặc định trên các laptop Chromebook.

    Bởi với doanh số chỉ 7,9 triệu máy Chromebook được vận chuyển mỗi năm, thị phần mà Chrome OS sở hữu là quá ít ỏi. Tuy nhiên, theo những báo cáo mới đây, dường như Google chưa thể khai tử nền tảng này, vì những cam kết với các doanh nghiệp trước đó.

    Được biết, Google sẽ có trách nhiệm hỗ trợ về mặt tính năng, cũng như tung ra các bản cập nhật mới, vá lỗi cho Chrome OS tới năm 2020. Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, đây vẫn chưa phải lý do duy nhất khiến Google không nỡ xuống tay với Chrome OS trong 2 năm tới đây.

     Google vẫn chưa thể dứt khoát với Chrome OS

    Google vẫn chưa thể dứt khoát với Chrome OS

    Google và cuộc chơi lỡ dở

    Đứng trên góc độ của một nhà kinh doanh, khi các sản phẩm như Chrome OS không đem về hiệu quả, hoặc rất lâu mới đem về hiệu quả, Google hoàn toàn có thể khai tử Chrome OS.

    Tuy nhiên, với những cam kết mà Google từng đưa ra với các trường học, doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều vào Chromebook, với mong muốn thay thế các các laptop chạy Windows, hoặc iPad, hành động khai tử Chromes OS sẽ biến Google thành kẻ bội tín.

    Do đó, Google buộc phải xoa dịu những khách hàng này, bằng động thái hứa hẹn tiếp tục hỗ trợ Chrome OS. Về cơ bản, Chrome OS có thể hiểu như một trình duyệt, giúp người dùng dễ dàng xử lý các công việc văn phòng thông qua các ứng dụng trực tuyến mà Google cung cấp.

    Điều đáng nói là Google trước đó đã hứa hẹn rằng, họ sẽ ngày càng cải thiện tốc độ của Chrome OS, đồng thời liên tục hỗ trợ nền tảng này. Một khi thời hạn hỗ trợ Chrome OS bị đột ngột rút ngắn, sẽ hiếm có khách hàng nào muốn tin tưởng vào Google với những dịch vụ sau đó.

    Điều này đồng nghĩa, Google sẽ phải cùng lúc duy trì 3 nền tảng, Android trên di động, Android lai với Chrome OS và Chrome OS dành cho các doanh nghiệp. Tất nhiên, sẽ có nhiều người cho rằng, tại sao Google không thuyết phục các khách hàng chuyển sang sử dụng Android trên laptop Chromebook trong 2 năm tới?

     Chia tay Chrome OS không phải chuyện dễ dàng với Google

    Chia tay Chrome OS không phải chuyện dễ dàng với Google

    Trên thực tế, bất kì thay đổi nào liên quan tới các nền tảng cho doanh nghiệp đều diễn ra rất khó khăn và bị kiểm soát rất chặt chẽ. Đơn cử như việc Microsoft tung ra các bản vá cho Windows 10 trong doanh nghiệp, ít nhất, Microsoft phải mất tới 1 tháng để được chấp thuận sử dụng các bản cập nhật này.

    Nói vậy để thấy, việc thuyết phục, hoặc đưa ra các gợi ý thay đổi nền tảng trên Chromebook là không hề đơn giản. Đó cũng là lý do tại sao, Hải quân Mỹ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD / 1 năm cho Microsoft để công ty này duy trì việc hỗ trợ cho hệ điều hành Windows XP khá cũ kĩ.

    Nói cách khác, trước khi khiến các doanh nghiệp thực sự tin tưởng vào hệ sinh thái Android đồng nhất trên Chromebook vào năm 2017, Google vẫn tiếp tục bị trói buộc với Chrome OS. Vô hình trung, điều này sẽ khiến Google mắc kẹt ở giữa 2 ngã rẽ: tiến lên Android đồng nhất, hoặc tiếp tục cùng Chrome OS.

    Thêm vào đó, với những doanh nghiệp thực sự yêu thích hoặc đánh giá cao Chrome OS của Google, họ sẽ luôn muốn Chrome OS được Google phát triển. Phải nhấn mạnh rằng, ý nghĩa của việc phát triển là nâng cấp Chrome OS, chứ không phải chuyển sang một nền tảng lai tạp nào đó.

    Giải pháp ở đây là gì?

    Cách duy nhất khiến các đối tác buộc phải chấp nhận sự thay đổi từ Google, đó là hãng cần phát quang sức mạnh của nền tảng Android trong tương lai, đồng thời nhờ tới sự trợ giúp của nhà sản xuất phần cứng.

    Nhìn chung, Google sẽ cần tính tới 2 giải pháp sau đây:

     Google muốn tập trung thời gian cho các sản phẩm như Pixel C, thay vì Chrome OS

    Google muốn tập trung thời gian cho các sản phẩm như Pixel C, thay vì Chrome OS

    - Android trên di động cũng chính là Android trên máy tính. Cụ thể, trong sự kiện vừa qua, CEO Sundar Pichai từng tuyên bố:

    "Di động chính là cơ hội để chúng tôi hiểu rõ người dùng hơn. Tầm nhìn dài hạn của Google sẽ là hướng người dùng máy tính để bàn tới các thiết bị di động. Và đó sẽ chính là mục tiêu được Google tập trung phát triển trong 2 năm nay, hợp nhất Android và Chrome OS".

    Điều này đồng nghĩa, Google buộc phải tập trung vào di động, thay đổi xu hướng, thói quen người dùng, chuyển từ các máy tính để bàn sang smartphone, tablet. Tới lúc Android thành công, tự khắc các đối tác sẽ buộc phải rời bỏ laptop Chromebook và Chrome OS.

    - Chia sẻ gánh nặng cho các nhà sản xuất Chromebook. Cần phải nhấn mạnh rằng, để một chiếc laptop Chromebook có thể hoạt động tốt trên nền tảng Chrome OS, Google đã phải hợp tác rất chặt chẽ với các nhà sản xuất phần cứng, đặc biệt là trong khâu đóng gói phần mềm, thiết kế.

    Thế nhưng, có một yếu tố chưa bao giờ được Google chia sẻ với các đối tác, đó là mã nguồn của Chrome OS. Nếu Google chấp nhận chia sẻ gánh nặng với các nhà sản xuất phần cứng, họ sẽ biết cách tạo ra một chiếc laptop Chromebook sao cho phù hợp với người dùng.

    Ngoài ra, nếu các nhà sản xuất phần cứng sở hữu mã nguồn này, trách nhiệm với Chrome OS sẽ được chia đều cho cả Google và các đối tác. Với mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, Google sẽ giảm tải được chi phí, nhân lực cho Chrome OS, mà tập trung thực hiện việc đồng nhất Android.

    Tham khảo: Techinsider

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ