Hãy suy nghĩ một cách thận trọng trước khi mua những chiếc điện thoại, đừng mua nó vì sự hào hứng nhất thời, nhất là khi chiếc điện thoại là một tài sản có giá trị đối với cá nhân bạn.
Những chiếc điện thoại thông minh của chúng ta hiện tại, nếu nói theo một cách nào đó có thể được liệt vào nhóm mặt hàng "xa xỉ phẩm". Về cơ bản, giá trị của những chiếc điện thoại khiến chúng không thể lọt vào nhóm những sản phẩm "hứng lên là có thể mua được", mà yêu cầu bạn phải tìm hiểu và suy nghĩ kỹ trước khi chọn mua chúng.
Và trừ khi bạn là những người sở hữu hầu bao "rủng rỉnh", còn lại thì việc mua một chiếc điện thoại di động mới trong khoảng thởi gian một tháng đầu tiên sau khi chúng chính thức ra mắt là điều hết sức không nên. Dưới đây là những lý do cho điều này:
Loại bỏ những chiếc điện thoại có vấn đề
Hãy đến với ví dụ về chiếc điện thoại Google Pixel 2 XL mới ra mắt gần đây. Chiếc điện thoại này chứa đựng cả tá vấn đề, đặc biệt là ở màn hình, khi mà gặp đủ lỗi từ cháy hình, liệt cảm ứng, điểm chết, v...v... khiến cho nhiều người dù rất thích chiếc điện thoại này cũng dần cảm thấy chán nản. Google đã hứa hẹn rất nhiều về việc sẽ sửa hết lỗi của chiếc điện thoại Pixel 2. Tuy nhiên, chẳng phải với số tiền bạn bỏ ra cho một chiếc điện thoại di động thông minh, sẽ tốt hơn nếu như bạn sở hữu một chiếc điện thoại hoàn thiện ngay từ khi "đập hộp", hơn là bực mình vì hết lỗi nọ đến lỗi kia, sau đó dài cổ chờ đợi sửa lỗi từ các nhà sản xuất?
Những vấn đề về phần mềm của máy
Đối với những chiếc điện thoại thông minh, sự khó chịu mà chúng đem lại có thể không chỉ đến từ lỗi phần cứng. Hãy đành một chút thời gian để nói về trợ lý áo Bixby của Samsung. Samsung tự hào về Bixby đến mức, họ để hẳn một phím vật lý ở bên viền chiếc Galaxy S8 và S8 Plus dành riêng cho tính năng Bixby. Thế nhưng, khi chiếc điện thoại này chính thức ra mắt, Bixby chỉ được hỗ trợ ở Hàn Quốc mà thôi. Phải một tháng sau đó, tính năng này mới được hỗ trợ ở các quốc gia khác trên thế giới. Và cái nút Bixby trên thân máy đã trở thành một "nút thừa" khó chịu đến mức, mọi người đổ xô tìm cách để tắt cái nút này đi hoặc chuyển nó thành tính năng khác - kể cả khi Bixby chính thức đi vào hoạt động.
Đương nhiên, câu chuyện này hoàn toàn là lỗi của Samsung. Những người mua sớm không hề có lỗi. Thật lòng mà nói, Bixby là một trợ lý ảo hết sức đắc lực, ít nhất là ngang với Alexa hay Google Assistant. Thế nhưng những người sớm mua S8 có lẽ sẽ chẳng còn quan tâm đến Bixby nữa, bởi một bước đi sai lầm đến từ Samsung.
Điện thoại mất giá
Những chiếc điện thoại thông minh, đặc biệt là điện thoại Android, thường có tốc độ mất giá khá nhanh. Chúng ta tạm thời bỏ qua chênh lệch giá ngày đầu tiên xảy đến với những chiếc điện thoại xách tay, ví dụ như giá iPhone X xách tay tụt xuống chỉ con một nửa chỉ sau 1 ngày. Nhưng bỏ qua vấn đề này, thì kể cả những chiếc máy điện thoại được phân phối chính hãng cũng có giá tụt rất nhanh - chẳng hạn như chiếc Essential Phone mới đây đã hạ 200 USD.
Một trong nhiều chiến lược được các hãng sản xuất điện thoại ưa chuộng đó là hạ giá - thậm chí là hạ giá vĩnh viễn - để tăng doanh số cho sản phẩm của mình. Vậy thì những người mua điện thoại từ ngày đầu sẽ chịu thiệt, phải không?
Những người thử nghiệm
Những chiếc điện thoại trước khi ra mắt đã được thử nghiệm rất nhiều. Tuy nhiên, điều này không thể nào sánh được với hàng ngàn người cùng sử dụng điện thoại khi sản phẩm chính thức ra mắt thị trường. Những người mua sớm này được các nhà sản xuất coi là những người "thử nghiệm sản phẩm", giúp họ phát hiện những vấn đề có thể còn sót lại trong quá trình thử nghiệm.
Sự thật là những chiếc điện thoại chắc chắn không để lộ hết tất cả những lỗi mà chúng có thể gặp phải trong vòng 48 giờ đầu tiên, mà phải đến 1-2 tuần, thậm chí là cả tháng sau đó. Những vấn đề này có thể đến từ màn hình, từ pin, hoặc đến từ một số điều kiện ánh sáng và thời tiết đặc biệt. Nhìn chung, khoảng thời gian đảm bảo để một chiếc điện thoại bộc lộ hết tất cả lỗi có thể có là khoảng 1 tháng sau khi điện thoại ra mắt.
Đừng quá hào hứng
Chúng ta giờ đây rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy của việc marketing những chiếc điện thoại mới của các hãng sản xuất. Bạn rất dễ bị dụ dỗ nhấn vào nút "đặt trước", và lên mạng xã hội khoe với bạn bè mình rằng: "Đấy, tớ cũng vừa đặt mua trước một chiếc iPhone X cho bằng bạn bằng bè rồi này."
Giờ hãy thử lùi lại một bước và nhìn vào bức tranh toàn cảnh của những chiếc điện thoại mới. Chúng ta biết rằng, một số nhà sản xuất hạ giá điện thoại của mình rất nhanh - Sony là một ví dụ tương đối điển hình. Bên cạnh đó, nhiều hãng khác lại có thói quen tung ra bản nâng cấp chỉ sau một vài tháng. Tất cả những điều này đều là những điều bạn nên cân nhắc trước khi có ý định "móc hầu bao" ra để mua điện thoại.
Luôn luôn cẩn thận
Mỗi khi bạn có ý định mua một chiếc điện thoại mới, hãy cân nhắc đến những rủi ro có thể xảy đến khi mua một sản phẩm vừa mới được ra mắt. Dù xác suất có nhỏ đến đâu, vẫn luôn có khả năng chiếc điện thoại bạn mua vào ngày đầu tiên sẽ bị gặp lỗi - thậm chí giờ đây chuyện điện thoại gặp lỗi ngay khi vừa mới ra mắt là điều hết sức quen thuộc với chúng ta.
Vậy nên, hãy luôn suy xét một cách cẩn thận, để bạn thực sự cảm thấy vui vẻ và hài lòng khi mua một chiếc điện thoại mới, thay vì cảm thấy khó chịu và hối hận vì đã để lãng phí một đống tiền. Tiền của bạn, tiêu nó như thế nào cũng là do bạn quyết, nhưng tốt nhất là hãy cố gắng dùng nó để tạo ra niềm vui cho bản thân, chứ đừng mua thêm sự bực mình vào người.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời