Tại sao lại phải treo ngược tê giác khi di chuyển chúng bằng máy bay?

    Đức Khương,  

    Việc cố định và treo ngược tê giác vào trực thăng thường nhanh chóng và dễ dàng hơn so với việc đặt chúng lên cáng. Điều này giúp giảm thời gian tê giác phải chịu tác dụng của thuốc gây mê, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

    Trên bầu trời trong xanh của Nam Phi, một cảnh tượng kỳ lạ nhưng đầy ý nghĩa đang diễn ra: một con tê giác đen nặng gần một tấn rưỡi đang được trực thăng nâng lên, lơ lửng trong tư thế lộn ngược, với bốn chân bị trói bằng dây đai mềm, chiếc sừng chỉ thẳng xuống mặt đất.

    Trên thực tế, đây không phải hành động mang ý nghĩa ngươc đãi chúng mà là hiện thực của công tác bảo tồn hiện đại, một nỗ lực nhằm cứu lấy loài vật đang bị đẩy đến bờ tuyệt chủng này.

    Tại sao lại phải treo ngược tê giác khi di chuyển chúng bằng máy bay?- Ảnh 1.

    Tê giác đen từng có số lượng hàng trăm nghìn con dọc theo khắp các vùng hoang dã của châu Phi. Nhưng đến những năm 1990, vì nạn săn trộm để lấy sừng, sự xâm lấn của con người và mất môi trường sống, số lượng của chúng đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 2.500 cá thể.

    Nhờ những nỗ lực bảo tồn liên tục, hiện tại quần thể này đã phục hồi lên khoảng 6.500 con. Một trong những phương pháp then chốt góp phần vào sự hồi phục ấy chính là chuyển vị, di dời tê giác đến các khu vực an toàn hơn để tránh giao phối cận huyết, giảm áp lực tài nguyên và quan trọng nhất là bảo vệ khỏi những kẻ săn trộm.

    Thế nhưng, di chuyển một sinh vật nặng đến hàng tấn trong địa hình hoang dã không phải là việc đơn giản. Vận chuyển bằng đường bộ có thể chậm chạp, nguy hiểm, hoặc thậm chí bất khả thi ở nhiều nơi.

    Và đó là lúc trực thăng xuất hiện như một vị cứu tinh. Theo Ursina Rusch, người quản lý Dự án mở rộng phạm vi bảo tồn tê giác đen của WWF Nam Phi, trực thăng là công cụ không thể thiếu trong cả việc xác định vị trí và vận chuyển những con vật quý giá này ra khỏi các vùng xa xôi.

    Tại sao lại phải treo ngược tê giác khi di chuyển chúng bằng máy bay?- Ảnh 2.

    Từ đầu thập niên 2010, hình ảnh tê giác được treo lơ lửng từ trực thăng đã trở nên quen thuộc trong giới bảo tồn. Ban đầu là những thử nghiệm tại Namibia, sau đó trở thành phương pháp tiêu chuẩn trong các dự án di chuyển tê giác khắp lục địa.

    Điều trớ trêu là trong thập niên 1980, chính những chiếc trực thăng từng bị kẻ săn trộm sử dụng để truy sát tê giác. Nhưng ngày nay, phương tiện ấy đang được dùng để cứu sống chúng, một biểu tượng đảo ngược đầy ý nghĩa của lịch sử.

    Tại sao lại phải treo ngược tê giác khi di chuyển chúng bằng máy bay?- Ảnh 3.

    Quá trình di chuyển bắt đầu bằng việc bắn một mũi tên chứa thuốc an thần vào hông con tê giác từ trực thăng. Loại thuốc này là một dạng opioid mạnh, tác dụng gấp hàng nghìn lần morphine.

    Khi con vật đã mê man, đội bảo tồn sẽ tiếp cận để lấy mẫu máu, gắn chip và thiết bị GPS vào sừng. Sau đó, họ buộc bốn dây đai mềm vào mắt cá chân tê giác, nối vào dây cáp từ trực thăng và nâng bổng con vật lên không trung.

    Tư thế lộn ngược thoạt nhìn có vẻ không tự nhiên, thậm chí là khó chịu, nhưng thực tế lại là tư thế tối ưu cho sức khỏe của con vật.

    Tại sao lại phải treo ngược tê giác khi di chuyển chúng bằng máy bay?- Ảnh 4.

    Nghiên cứu được công bố năm 2021 trên Tạp chí Bệnh động vật hoang dã do bác sĩ thú y Robin Radcliffe từ Đại học Cornell và các cộng sự thực hiện cho thấy: khi được treo lộn ngược, các chỉ số oxy và khí carbon dioxide trong máu của tê giác đều tốt hơn so với khi để chúng nằm nghiêng trên cáng.

    Trọng lực trong tư thế thẳng đứng giúp kéo dài cột sống, thông thoáng đường thở và giảm áp lực lên phổi, điều không thể có khi con vật bị đặt nằm một bên.

    Thậm chí, chiếc sừng của tê giác cũng có vai trò trong quá trình vận chuyển này: nó hoạt động như một cánh đuôi tự nhiên, giúp giữ thăng bằng và giảm xoáy giữa không trung. Theo Radcliffe, về mặt khí động học, tê giác có cấu tạo cơ thể “hợp lý đến khó tin” để thực hiện chuyến bay lơ lửng kỳ quặc này.

    Tại sao lại phải treo ngược tê giác khi di chuyển chúng bằng máy bay?- Ảnh 5.

    Lợi ích của phương pháp di chuyển bằng đường hàng không không dừng lại ở khía cạnh sinh lý học. Trực thăng giúp rút ngắn thời gian vận chuyển xuống chỉ còn từ 10 đến 30 phút, giảm nguy cơ chấn thương do đường dài gồ ghề và hạn chế căng thẳng kéo dài cho con vật.

    Trong khi đó, di chuyển bằng xe tải, kể cả khi đã dùng thuốc an thần thì vẫn có thể gây tổn thương cơ, nghẽn mạch máu hoặc suy hô hấp nếu hành trình kéo dài nhiều giờ.

    Quá trình này luôn được theo dõi sát sao bởi các bác sĩ thú y và phi công giàu kinh nghiệm, những người có thể đánh giá tình trạng căng thẳng hay dấu hiệu bất ổn của từng cá thể.

    Ngoài ra, việc tạo ra các quần thể mới từ quá trình chuyển vị còn giúp đảm bảo tính đa dạng di truyền, điều sống còn trong các khu bảo tồn khép kín, nơi mà tê giác không thể tự do di chuyển để tìm bạn đời không cùng huyết thống.

    Tại sao lại phải treo ngược tê giác khi di chuyển chúng bằng máy bay?- Ảnh 6.

    Những chương trình như của WWF đã giúp gieo mầm hơn 18 quần thể tê giác đen mới tại Nam Phi, hiện bảo vệ hơn 400 cá thể, tương đương khoảng 15% tổng số lượng tê giác cả nước.

    Và điều tuyệt vời là chúng đang sinh trưởng, phát triển qua từng thế hệ. Rusch cho biết, từ những cá thể đầu tiên được thả ra, nay các nhà khoa học đã chứng kiến sự ra đời của thế hệ thứ hai và thứ ba, một minh chứng sống động cho thành công của phương pháp bảo tồn này.

    Mặc dù phần lớn các ca vận chuyển tê giác hiện nay vẫn diễn ra bằng đường bộ, nhưng phương pháp vận chuyển đường không đang ngày càng phổ biến, nhất là tại những nơi hiểm trở như vùng Kunene của Namibia, nơi không có bất kỳ con đường nào.

    Tính hiệu quả và nhân đạo của phương pháp này thậm chí còn được ghi nhận bằng Giải thưởng Ig Nobel năm 2021, một giải thưởng có phần hài hước nhưng lại vinh danh những nghiên cứu “làm bạn bật cười trước, rồi khiến bạn phải suy ngẫm”.

    Tại sao lại phải treo ngược tê giác khi di chuyển chúng bằng máy bay?- Ảnh 7.

    Tương lai, các nhà bảo tồn hy vọng sẽ mở rộng phương pháp này đến các quốc gia như Indonesia, nơi loài tê giác Sumatra quý hiếm cũng đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Kỹ thuật treo ngược bằng trực thăng cũng đã được áp dụng thử nghiệm với một số loài động vật lớn khác như voi và linh dương.

    Dĩ nhiên, bảo tồn không hề rẻ. Trực thăng tiêu tốn nhiều nhiên liệu và gây tiếng ồn lớn. Nhưng theo Radcliffe, sự đánh đổi là hoàn toàn xứng đáng. Bởi sự tồn vong của các loài tê giác và nhiều loài hoang dã khác không đến từ những quy luật tự nhiên, mà là kết quả trực tiếp của các hành vi con người. Và vì thế, con người có nghĩa vụ tìm mọi cách để sửa chữa những hậu quả đó.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ