Tại sao Microsoft nên mua lại một nhà phát hành game lớn?

    Vi Dũng, Vi Dũng 

    Không giống như Nintendo, “kẻ tử thù” bên kia bờ đại dương, Microsoft hầu như không có được một danh sách game “cây nhà lá vườn” đa dạng chủng loại với chất lượng đồng đều.

    Có thể nói, thành công mà gã khổng lồ xứ Redmond hiện đang có được với thị trường rõ ràng là không thể chối cãi và hết sức đáng khen ngợi. Bắt nguồn từ một tập đoàn có rất ít thông tin về thị trường game (chủ yếu chỉ thực hiện những tựa game dành cho PC như Ages of Empires), Microsoft đã có một khoảng thời gian hơn 1 năm ròng rã (2010-2011) đứng trên đỉnh vinh quang với danh hiệu nhà sản xuất console bán chạy nhất khu vực Bắc Mỹ. Nhờ vào những nỗ lực của họ, mà giờ đây, bản đồ ngành công nghiệp giải trí tương tác thế giới có hẳn một vị trí cực kỳ quan trọng được ghi tên Microsoft.
     
    Tuy nhiên, một vấn đề đã tồn tại song hành với Microsoft kể từ khi hãng này bắt đầu bước chân vào ngành công nghiệp game. Đó là không giống như Nintendo, “kẻ tử thù” bên kia bờ đại dương, Microsoft hầu như không có được một danh sách game “cây nhà lá vườn” đa dạng chủng loại với chất lượng đồng đều. Nhận định này hoàn toàn không hề có ý “phụ công” những studio trực thuộc Microsoft đã và đang giúp Xbox 360 đứng trên ngôi vị đỉnh cao như 343 Industries với siêu phẩm sắp ra mắt Halo 4.
     
     
    Nhận định khách quan cho thấy thực sự Microsoft cần thêm những tựa game tự phát triển để đối chọi lại với những cái tên độc quyền của các đối thủ như Infamous, Uncharted hay Resistance của Sony, cũng như Zelda, Mario của Nintendo. Để làm được điều này, có lẽ phương pháp “nhanh gọn” nhất là gã khổng lồ vung tiền mua một nhà phát hành game có tên tuổi ở thời điểm hiện tại.
     
    Dĩ nhiên, việc mua lại một nhà phát hành game lớn sẽ không hề rẻ một chút nào. Microsoft hoàn toàn có thể vung tiền tấn để mua lại một “ông lớn” khác trên thị trường giải trí tương tác như 2K hay thậm chí là cả… Activision! Tuy nhiên việc ‘mua lại’ không đồng nghĩa với việc hệ máy đến từ nước Mỹ sẽ có những cái tên chất lượng để thêm vào bộ sưu tập game độc quyền trong ngày một ngày hai.
     
     
    Một số không ít gamer hiện tại vẫn mang tư tưởng đánh giá thấp những tựa game “first party”, cho rằng chúng chỉ có tác dụng PR cho một hệ máy chơi game. Họ đã nhầm, nhầm to. Hãy nhìn vào chính bản thân Nintendo. Điều gì đã khiến cho tập đoàn Nhật Bản này vẫn “sống tốt” ngay cả trong thời kỳ thị trường game đã và đang có dấu hiệu xuống dốc do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế vừa chấm dứt? Đó chính là ‘dàn’ game do chính các studio trực thuộc Nintendo phát triển. Mặc dù những tựa game đến từ những nhà phát triển thứ ba luôn đem tới luồng gió mới cho các hệ máy của Nintendo, thế nhưng chính những phiên bản của những series game huyền thoại như Super Mario hay The Legend of Zelda mới là thứ khiến cho gamer dán mắt vào màn hình hàng giờ, thậm chí là hàng ngày.
     
     
    Quay trở lại với Microsoft. Ông trùm xứ Redmond có thể không cần danh sách game “first party” dài dằng dặc như của Nintendo, tuy nhiên với những cái tên xuất hiện tại E3 hàng năm như Gears Of War, Halo hay Fable, thì rõ ràng là họ cần nhiều hơn thế. Việc mua đứt lại một nhà phát hành game sẽ đỡ được rất nhiều công sức cho Microsoft khi muốn “kiếm tiền” từ hệ máy của chính mình thông qua những tựa game độc quyền.
     
    Thật may mắn cho Microsoft, ngay trong lúc “cấp bách” (hoàn toàn có thể nói như vậy dựa vào tình trạng thị trường game đang xuống dốc như hiện nay), thì bỗng xuất hiện một tia sáng cuối đường hầm theo đúng nghĩa đen. Theo báo cáo mới đây của trang tin kinh tế Bloomberg, Vivendi Universal đang có dự định bán toàn bộ số cổ phần trong Activision với giá 8,1 tỉ USD. Điều đáng nói ở đây là, đã có thông tin cho rằng Vivendi đã trực tiếp liên lạc với Microsoft để bàn bạc về điều này. Vấn đề hiện tại có lẽ chỉ phụ thuộc vào chính bản thân Microsoft,, xem liệu họ có chịu bỏ khoản tiền khổng lồ nói trên ra để chiêu mộ một trong những nhà phát hành game lớn nhất thế giới về dưới mái nhà của mình hay không.
     
     
    Một lần nữa, câu hỏi về sự cần thiết của việc mua lại một nhà phát hành game này lại được dấy lên từ cộng đồng người hâm mộ. Quả thực, trong thời gian qua Microsoft đã rất mạnh tay trong những thương vụ đầu tư của họ: 8,5 tỉ USD để mua lại Skype vào tháng 5/2011, và đã ngã giá 1,2 tỉ USD để mua lại Yammer, một mạng xã hội dành cho các doanh nghiệp vào cuối tháng 6 vừa qua. Thêm nữa, dường như Xbox 360 lại bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi” trước những đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, việc tìm một chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp giải trí tương tác bằng sự đầu tư mạnh tay âu cũng là điều dễ hiểu với một tập đoàn lớn như Microsoft.
     
    Vấn đề rõ ràng đã không còn nằm ở chuyện tiền bạc, mà là: Đâu mới là nhà phát hành xứng đáng để Microsoft “yên tâm” trao số phận của Xbox 360 cũng như thế hệ Xbox kế tiếp vào tay? “Cô nàng đỏng đảnh” Electronic Arts chắc hẳn đã nằm ngoài sự lựa chọn của gã khổng lồ, liên minh Activision Blizzard thì lại là cái tên “quá tầm với” (ở trên mới chỉ đề cập đến cổ phần của Activision nói riêng). “Anh chàng người Pháp” Ubisoft cũng là một lựa chọn không tồi, nhưng liệu “anh” có chịu để bị mua lại? Take-Two Interactive, giống như Ubisoft, hẳn cũng sẽ có tên trong danh sách lựa chọn của Microsoft, với cái giá để sở hữu hẳn sẽ rẻ hơn con số 8,1 tỉ USD mà Vivendi đã “hét” để sở hữu cổ phần tại Activision.
     
     
    Ngoài EA ra, thì tất cả những cái tên được liệt kê ở trên đều là những lựa chọn khó có thể bỏ qua để Microsoft có được một chỗ đứng vững chắc hơn trong ngành công nghiệp giải trí tương tác, và quyết định đều thuộc về họ.
     
    Tham khảoSlashGear.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ