Tại sao nhà vệ sinh "sang chảnh" công nghệ cao này có giá đến 12.500 USD?

    Bạch Đằng, Theo Báo diễn đàn đầu tư 

    Tại sao nhà vệ sinh này lại có giá đến 12.500 USD (khoảng 285 triệu đồng)?

    Theo mô tả của BBC, bạn chạm vào một cây đũa thần robot, ánh điện và tia cực tím sẽ tuôn ra, trong khi người khác có thể kết nối Bluetooth và điều khiển mọi thứ bằng điện thoại thông minh. Vâng, chào mừng bạn đến với tương lai của nhà vệ sinh.

    Một nhà vệ sinh với chỗ ngồi "ấm áp" không còn là ý tưởng chỉ có trong các bộ phim khoa học giả tưởng nữa. Khi quay sang bên cạnh, bạn không tìm thấy giấy vệ sinh và xung quanh chỉ là những bức tường trơn tru cùng một chiếc điều khiển từ xa. Một tình huống nan giải chăng? Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng, điều khiển từ xa này có thể giúp bạn rửa và sấy khô mà không cần dùng giấy. Khi bạn đứng lên, bồn vệ sinh sẽ tự động đóng nắp lại, xả sạch và sau đó tự làm sạch bằng tia cực tím.

    Series sản phẩm Washlet (robot tự động rửa cồn cầu) của Toto Actilite hiện được thương mại hóa với giá 12.500 USD. Không có gì khó hiểu vì đây là một thương hiệu Nhật Bản và người Nhật thường có những ý tưởng mà không ai có thể ngờ tới. Kể từ khi lập văn phòng ở London vào năm 2009, công ty đã cố gắng để chinh phục thị trường khó tính ở châu Âu dù phải cạnh tranh với nhiều đối thủ sừng sỏ khác. Trước mắt, những sản phẩm với công nghệ cao này chỉ phục vụ cho giới siêu giàu nhưng đây là tương lai của chăm sóc vệ sinh trên toàn thế giới.

    Nhưng trước tiên, nó hoạt động như thế nào? Bạn có thể quan ngại về việc cho một con robot ở gần vùng kín của mình nhưng Floyd Case, người đứng đầu Cơ quan quản lí thông số kỹ thuật và dự án của Toto châu Âu cam đoan người dùng không có gì phải lo lắng: "Nó không giống như việc rửa xe, bạn không phải ngồi xuống và hi vọng nó hoạt động tốt. Khi bạn ngồi xuống một cảm biến sẽ nhận biết rằng bạn đã an vị. Bạn sẽ biết rằng đây là một chỗ ngồi tuyệt vời có sưởi và hệ thống khử mùi làm việc tốt. Nếu bạn muốn rửa, bạn có một điều khiển từ xa với 2 lựa chọn: rửa phía sau hoặc rửa từ phía trước (dành riêng cho phụ nữ)".

    Con robot này khi rửa sẽ phun khoảng 70 giọt nước mỗi giây bằng áp lực, bạn có thể điều chỉnh vị trí của "cây đũa phép thuật", cường độ nước và tất nhiên là nhiệt độ bằng cách sử dụng điều khiển từ xa. Sau đó bạn có thể sử dụng khí nóng để hong khô.

    Thiết bị này cũng rất vệ sinh khi sử dụng muối hòa tan để tạo ra một giải pháp có tính axit nhẹ để giết chết vi khuẩn. Ngay khi đóng nắp, thiết bị cũng chiếu tia UV để khử trùng một lần nữa.

    Hack nhà vệ sinh

    Satis G-Type, sản phẩm của Lixil – một công ty khác của Nhật Bản – cũng có chức năng tương tự nhưng chỉ có giá khoảng 5000 USD (113 triệu đồng). Với kết nối Bluetooth, bạn có thể điều khiển các chức năng tẩy rửa cá nhân (sử dụng áp suất để phun nước hoặc khí khô) thông qua ứng dụng "My Satis" trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này bao gồm một "nhật ký vệ sinh" và nếu bạn muốn thiết bị sẽ theo dõi sự hoạt động ruột của bạn để đánh giá tình hình sức khỏe.

    Như bất cứ điều gì liên quan đến Internet of Things (IoT), Lixil đã phải xem xét đến khả năng "bị hack" trong trường hợp ai đó kiểm soát vòi phun của bạn. Martin Mizutani, Giám đốc phát triển sản phẩm công nghệ nước của Lixil cho biết: "Có một số bước cần thiết để kiểm soát một nhà vệ sinh Satis từ xa. Hoạt động của nhà vệ sinh Satis sử dụng điện thoại thông minh nên đòi hỏi phải hoàn thành một quá trình kết nối. Các chức năng chỉ hoạt động khi nắp bồn vệ sinh được mở, trong khi phần mềm "My Satis" chỉ có thể được sử dụng bởi một người duy nhất tại một thời điểm. Điều này giúp ngăn chặn các cuộc truy cập của bên thứ 3 vào bồn vệ sinh tại thời điểm đó".

    Cả Toto và Lixil đều là những thương hiệu phổ biến tại Nhật Bản. Theo Lixil, các bồn vệ sinh sử dụng nước ấm được trang bị cho khoảng 80% gia đình tại Nhật Bản. Tất nhiên, thị trường châu Âu tương đối khó chinh phục hơn. Mặc dù vậy, Toto cũng đã bán được 40 triệu nhà vệ sinh công nghệ cao này cho thị trường quốc tế, với giá bán trung bình khoảng 1870 USD (42,5 triệu đồng). Ngoài các biệt thự giàu có, các thiết bị này còn phổ biến trong các nhà hàng sang trọng và cao cấp. Case cho biết: "Sử dụng Washlet là một trải nghiệm đáng nhớ".

    Điều này nghe có vẻ như chúng ta đang đề cao quá đáng sự sang trọng nhưng phải thừa nhận rằng thị trường có nhu cầu lớn cho các thiết bị vệ sinh thông minh và một số tiến bộ trong lĩnh vực này có thể cho cả người nghèo và giàu trên thế giới hưởng lợi. Garv Toilets, sản phẩm sử dụng cho các nhà vệ sinh công cộng tại các đô thị nghèo của Ấn Độ được thiết kế với mục tiêu sử dụng bền vững nguồn năng lượng, xử lí chất thải và bảo trì. Sản phẩm tích hợp các công nghệ thông minh như cảm biến và nhận dạng tần số vô tuyến (RFID). Chúng được làm từ thép không gỉ, đèn LED và quạt hút tự bật khi người sử dụng mở cửa phòng vệ sinh. Khi việc sử dụng kết thúc, công nghệ tự động sẽ kích hoạt các hệ thống rửa bồn cầu và sàn nhà vệ sinh. Một bảng điều khiển từ xa theo dõi dữ liệu về số người sử dụng và bao nhiêu lần họ gặp khó khăn khi sử dụng máy rút xà phòng.

    Nhà vệ sinh thông minh hơn cũng có thể là một yếu tố quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Theo Toilet Board Coalition, một mạng lưới kinh doanh chuyên thúc đẩy vệ sinh tốt hơn thì nhà vệ sinh thậm chí có thể cứu sống bạn.

    Tương lai sẽ như thế nào? Theo Floyd Case: "Chúng tôi đã bán được hàng ngàn nhà vệ sinh cho các bệnh viện ở Nhật Bản, với chức năng rửa sạch, hong khô và có thể theo dõi, phân tích nước tiểu người dùng". Trong thời gian tới, nhà vệ sinh sẽ tải dữ liệu về điện thoại của bạn. Nhưng họ chưa vội vàng tung công nghệ này ra thị trường khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng, ông nói: "Tại thời điểm này, người ta vẫn còn bị gây ấn tượng mạnh bởi một công nghệ của Nhật Bản cách đây 30 năm".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ