Thuế thu nhập và thừa kế tài sản quá cao đã ngăn chặn việc quá nhiều tiền tập trung vào tay của một nhóm người nhỏ trong xã hội.
6 tháng sau khi Thomas Piketty xuất bản cuốn sách “Tư bản mới của thế kỷ 21” tạo được nhiều tiếng vang tại Mỹ và châu Âu, cuốn sách cũng được bán rất chạy tại Nhật. Cuốn sách đã so sánh về sự khác biệt giữa tầng lớp giàu có tại Mỹ, châu Âu với Nhật. Và theo quan điểm của Piketty, người giàu tại Nhật có những điểm rất riêng.
Yếu tố chính tạo ra sự khác biệt giữa người giàu tại Nhật và người giàu các nước phát triển chính là việc người Nhật tích lũy được ít của cải của xã hội hơn, chính vì vậy, bất bình đẳng trong xã hội Nhật cũng ít hơn các xã hội phương Tây khác. Dù Nhật đã phát triển theo con đường công nghiệp hơn một trăm năm nay nhưng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Nhật thấp hơn bất kỳ một nước phát triển nào khác trên thế giới.
Chính phủ Nhật đánh thuế rất cao với người giàu, theo đó, mức thuế thu nhập đối với người được coi là giàu lên đến 45%. Khi người giàu muốn cho con cái thừa hưởng tài sản, họ cũng sẽ phải chịu mức thuế rất cao, lên đến 55%. Chính vì vậy, sẽ rất khó cho bất kỳ gia đình nào muốn tích lũy tài sản từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ vậy mà bất bình đẳng trong xã hội được giảm bớt.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kể cả đối với những gia đình giàu nhất của Nhật cũng khó mà giữ được tài sản của họ sau 3 thế hệ. Chính vì điều này mà những năm gần đây, ngày một nhiều nhà giàu của Nhật chuyển đến sống ở Singapore hay Úc, nơi mức thuế thừa kế thấp hơn.
Người siêu giàu ở Nhật cũng “nghèo” hơn người siêu giàu ở các nước phát triển khác rất nhiều. Ở Mỹ, mức thu nhập trung bình của những hộ gia đình giàu nhất khoảng 1,264 triệu USD trong năm 2012, theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu Sadoff Investment Research. Trong khi đó tại Nhật, khoảng 1% hộ gia đình giàu nhất kiếm được trung bình 240 nghìn USD/năm.
Người giàu Nhật tiêu tiền như thế nào?
Ở Nhật, sẽ không hề dễ dàng để phân biệt giữa người giàu và người bình thường. Nước Nhật nổi tiếng là nơi có đời sống cao với mức chi tiêu đắt đỏ. Ở Nhật, phải có bao nhiêu tiền mới được coi là "giàu"?
Theo ông Atsushi Miura, tác giả cuốn sách “The New Rich”, một người được xếp vào hàng giàu ở Nhật là người có khối tài sản ít nhất là 100 triệu yên (tương đương 18,7 tỷ đồng) và thu nhập hàng năm không ít hơn 30 triệu yên (tương đương 5,6 tỷ đồng).
Hiện ở Nhật có khoảng 1,3 triệu người, tương đương 1% dân số Nhật đạt mức tiêu chuẩn của người giàu, một số trong đó còn được xếp vào dạng siêu giàu.
Dù giàu có như vậy nhưng người Nhật rất ngại phô trương tài sản của mình. Sẽ chẳng mấy ai đến Nhật mà được chứng kiến hàng dãy siêu xe, biệt thự khổng lồ, du thuyền hay máy bay riêng, các khu nhà giàu kiểu như Beverly Hills hay Palm Beach.
Trong nhiều trường hợp, thậm chí người ta còn không biết hàng xóm của mình là một người cực giàu bởi thực tế thì nhà của họ trông cũng chẳng khác gì nhà của mình và khi ra ngoài họ cũng sử dụng phương tiện công cộng bình thường như bao nhiêu người khác.
Một trong những ví dụ điển hình nhất của việc người Nhật ngại khoe khoang tài sản chính là câu chuyện ông Hakura Nishimatsu, cựu chủ tịch kiêm CEO của hãng hàng không Japan Airlines có một cuộc sống vô cùng giản dị.
Ông thường xuyên ăn trưa với nhân viên trong căng tin của công ty và đi lại bằng tàu điện thường. Cách sống này khác biệt hoàn toàn với các ông chủ tập đoàn lớn tại Trung Quốc luôn có lối sống rất khoa trương.
Cách sống kín đáo của người Nhật xuất phát từ quan niệm luôn sẵn sàng chấp nhận mọi hoàn cảnh, dễ thích nghi luôn được đề cao trong văn hóa Nhật. Tuy nhiên điều gì cũng có mặt xấu mặt tốt của nó, bởi người Nhật đề cao sự chịu đựng và thích nghi, vì thế nên suốt hơn 2 thập kỷ nước Nhật đối diện với giảm phát, thất nghiệp tăng cao và thu nhập người dân sụt giảm hơn so với giai đoạn trước mà chẳng có cuộc biểu tình nào.
Và phản ứng từ phía chính phủ hay quan chức chính phủ cũng chẳng khác mấy, họ cứ cố gắng sống chung với giảm phát mà không quyết liệt cố gắng tìm cách giải quyết nó triệt để.
Theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"