Ở rất nhiều nơi trên thế giới, hệ thống những trung tâm Arcade (Game thùng) đang ngày một "chết dần chết mòn", trước sự phát triển không ngừng của Game Console và PC. Thế nhưng, tại xứ sở hoa anh đào, các trung tâm Arcade vẫn còn đó - vẫn phát triển mạnh mẽ và chưa hề có dấu hiệu suy tàn.
Với sự phát triển ngày một mạnh mẽ của những chiếc máy Console, cùng việc Steam đã góp một phần không hề nhỏ trong việc "hồi sinh" lại thị trường game PC đầy tiềm năng; những chiếc máy điện tử thùng (Arcade) cũng theo đó mà lùi về phía sau sân khấu - cùng với sự suy tàn các trung tâm Arcade ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Thế nhưng, tại Nhật Bản, những trung tâm Arcade vẫn ở đó - "sống khỏe", và thậm chí, vẫn đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Theo như báo cáo gần đây của tạp chí Financial Times, trên khắp toàn bộ xứ sở hoa anh đào có tổng cộng 4.856 máy game thùng đã được đăng ký, cùng với trên dưới 9.000 trung tâm Arcade lớn nhỏ khác nhau.
Tất nhiên, những con số này không thể nào sánh bằng với con số 44.000 trung tâm Arcade trên khắp Nhật Bản vào giữa những năm 80 của thế kỉ trước - thời kỳ hoàng kim của chiếc máy điện tử thùng. Nhưng, điều đáng nói ở đây là, những chiếc máy game thùng tại Nhật vẫn luôn được cập nhật các tựa game mới nhất, trước cả khi game được phát hành cho Console, Handheld hay PC - như Dissidia Final Fantasy, Pokken, hay thậm chí, cả Kantai Collection.
Và thế là, những trung tâm Arcade của Nhật, vẫn tiếp tục "sống vui, sống khỏe", và thậm chí, còn luôn được ưu ái trải nghiệm trước tiên nhiều tựa game mới. Tại sao lại như vậy?
Các hãng sản xuất game lớn cũng là chủ của nhiều trung tâm Arcade
Đầu tiên, chúng ta hãy thử điểm tên của một vài tập đoàn Arcade lớn nhất tại Nhật Bản: Sega, Namco, Taito, Capcom. Điểm chung của các tập đoàn này là gì? Họ đều là những hãng phát triển game có tiếng, không chỉ tại xứ sở hoa anh đào, mà còn trên toàn thế giới.
Chính vì lý do này, những trung tâm Arcade của họ cũng không bao giờ lo bị rơi vào tình trạng "thiếu game". Hơn nữa, các trung tâm Arcade như Namcoland, Taito Station, Plaza Capcom, hay Club Sega, cũng đóng góp một phần không nhỏ doanh thu cho các tập đoàn này. Vậy nên, lựa chọn tiếp tục đầu tư vào phát triển game cho những chiếc máy thùng cũng là điều hết sức dễ hiểu, và điều này giúp cho những trung tâm Arcade tiếp tục tồn tại ở Nhật Bản.
Ngoài ra, rất nhiều nhà phát triển game tại xứ sở hoa anh đào bắt đầu đặt chân vào thế giới trò chơi từ những trung tâm Arcade. Bởi vậy, họ cảm thấy mình vẫn còn khá nhiều "duyên nợ" với những chiếc máy chơi game thùng, và điều này trở thành một phần bản sắc và văn hóa của tập đoàn. Điều này hoàn toàn trái ngược với ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Mỹ, khi mà các nhà phát triển chủ yếu đi lên từ thị trường Console và PC. Những tên tuổi Arcade của ngày xưa, như Midway, hay Atari, giờ chỉ còn là câu chuyện của quá khứ.
Bên cạnh đó, có một yếu tố khác, cũng góp phần "kéo dài sự sống" cho các trung tâm Arcade tại Nhật Bản, đó chính là hệ thống cơ sở hạ tầng.
Các trung tâm Arcade của Nhật Bản là một phần của không gian sống
Tại các thành phố lớn như Osaka hay Tokyo, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều trung tâm Arcade ở gần những tuyến tàu điện chính. Vậy nên, mọi người hoàn toàn có thể tạt qua đây trên đường đi đâu đó, làm vài ván game, rồi lại tiếp tục công việc của mình. Chính bởi sự thuận tiện này, mà các trung tâm Arcade trở thành một hình thức giải trí tương đối phổ biến tại Nhật Bản sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng.
Tuy nhiên, bạn có thể tìm thấy các trung tâm Arcade tại nhiều khu vực khác tại Nhật Bản, chứ không chỉ của riêng những thành phố lớn. Và cũng như ở nhiều quốc gia khác, trên thế giới, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những thùng máy Arcade trong các trung tâm thương mại - nơi mà các gia đình hay cho trẻ nhỏ lui tới vào mỗi dịp cuối tuần.
Và, đương nhiên, tùy thuộc vào vị trí của trung tâm Arcade, những trò chơi trong đó cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với các "khách hàng" thường xuyên qua lại. Chẳng hạn như, với các trung tâm thương mại, nơi mà phụ huynh và trẻ nhỏ ghé thăm nhiều nhất, các trò chơi trong Arcade sẽ thuộc nhóm "dễ chơi, dễ trúng thưởng": đua xe, gắp thú, đánh trống, v...v... Còn ở những trung tâm Arcade mà nhiều người trẻ hay lui tới, hệ thống trò chơi trong đó thường mang nặng tính chất thi đấu và đòi hỏi nhiều kỹ năng cá nhân hơn. Các tựa game đối kháng như Street Fighter, Guilty Gear, Blazblue, Tekken, v...v... là những tựa game có thể dễ dàng được bắt gặp tại nhiều trung tâm Arcade như vậy. Cũng bởi lý do này, mà...
Các trung tâm Arcade tại Nhật Bản thường xuyên thay đổi để bắt kịp xu hướng
"Xu hướng" ở đây, không chỉ là việc theo dõi tựa game nào đang nổi, tựa game nào không; mà còn nằm ở sự thích ứng với sự thay đổi của các nhóm khách hàng. Chẳng hạn như, từ năm 2010, có nhiều báo cáo chỉ ra rằng, ngày càng nhiều người lớn tuổi thường xuyên lui tới những trung tâm Arcade ở Nhật. Chính vì lý do này, một số trung tâm còn cung cấp chăn cho những khách hàng lớn tuổi nếu như họ cảm thấy lạnh, thay đổi ghế ngồi để khách thấy thoải mái hơn, hay tăng giảm âm lượng của các trò chơi xung quanh để tránh gây ra ảnh hưởng với những người chơi khác. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ điển hình về việc liên tục thay đổi để thích ứng với khách hàng của các trung tâm Arcade tại Nhật.
Và những trải nghiệm mà không nơi đâu có được
Hàng chục năm trôi qua, các trung tâm Arcade của xứ sở hoa anh đào cũng liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, có một điều vẫn mãi không hề thay đổi trong suốt chiều dài lịch sử: đó là những trải nghiệm "không thể thay thế" mà những trung tâm này tạo ra cho người chơi của mình.
"Gắp thú" vẫn sẽ luôn có mặt trong các trung tâm Arcade, bởi trải nghiệm mà nó đem lại
Lấy ví dụ như trò chơi gắp thú - vốn là thứ "còn sót lại" từ những trung tâm Arcade cổ xưa. Thế nhưng, đến bây giờ, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những chiếc máy gắp thú ở tất cả mọi nơi, vì đơn giản, những trải nghiệm của người chơi gắp thú sẽ không thể nào có thể tái hiện lại tại nhà riêng. Một vài tựa game, được thiết kế để người chơi có được những trải nghiệm "không có ở nơi đâu khác", cũng ngày một trở nên phổ biến vì lý do này.
Và sự sáng tạo không ngừng
Các trung tâm Arcade luôn liên tục thay đổi theo thời gian. Nhật Bản đã chứng kiến sự thay đổi của trung tâm Arcade, từ tọa lạc trên nóc các siêu thị vào những năm 60, đến các trung tâm lớn được mở chuyên để phục vụ người chơi như ngày nay. Và theo đó, những trò chơi cũng thay đổi để bắt kịp xu hướng thị trường - từ phong trào rầm rộ của game bắn súng, đến sự phát triển mạnh mẽ của game âm nhạc, tới các giải đấu game đối kháng lớn như ngày nay. Tương lai của Arcade tại Nhật Bản, rất có thể, sẽ là game thực tế ảo, để bắt kịp với xu hướng giải trí hiện đại.
Ngay cả khi ngành công nghiệp này đang ngày môt trở nên khó khăn hơn, các nhà phát triển game Arcade tại Nhật vẫn luôn tiếp tục thích ứng, bằng những ý tưởng mới hơn, sáng tạo hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cuối tháng trước, tại Hội chợ Giải trí Nhật Bản được tổ chức tại Makuhari Messe, thành phố Chiba (cũng là nơi tổ chức Tokyo Game Show), nhiều tựa game Arcade mới tiếp tục được giới thiệu với người chơi. Ngay cả Koei Techmo, vốn mạnh về thị trường game Console, cũng tuyên bố sẽ phát hành một hệ thống thực tế ảo mới được thiết kế riêng cho các trung tâm Arcade tại Nhật. Các giải đấu game đối kháng với giá trị giải thưởng ngày một tăng cũng liên tục được diễn ra, thu hút một lượng không nhỏ người chơi đến với những trung tâm Arcade trên khắp mọi miền của xứ sở hoa anh đào.
Tất nhiên, rồi đến lúc nào đó, các trung tâm Arcade tại Nhật Bản cũng sẽ suy tàn. Nhưng, đó có lẽ là câu chuyện của một tương lai rất, rất xa. Và cho đến khi đó, những game thủ Nhật vẫn sẽ tiếp tục đến với các trung tâm Arcade, chơi, và chơi, và chơi không ngừng.
Tham khảo Kotaku
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời