Những thông tin rò rỉ mới nhất về Pixel 4a đã tiết lộ rằng mẫu flagship tiếp theo của Google, Pixel 5, có thể được trang bị chipset cận cao cấp của Qualcomm là Snapdragon 765.
Ẩn sâu trong những dòng code của bản cập nhật tiếp theo dành cho ứng dụng Google Camera, trang tin 9to5Google đã tìm thấy những thông tin liên quan đến mẫu flagship năm 2020 và con chip tầm trung mà nó có thể sẽ sử dụng.
Nếu chính xác, đây hiển nhiên sẽ là một sự thay đổi lớn trong chiến lược của Google. Việc công ty tìm kiếm lựa chọn một chipset ấn tượng – nhưng hiệu năng kém hơn – so với chipset Snapdragon 865 mà Samsung, Apple, và mọi nhà sản xuất khác dự kiến sử dụng, sẽ tạo nên một lằn ranh phân định rõ ràng giữa Pixel và các đối thủ của nó.
Nhưng mọi thứ đều có vẻ hợp lý. Đầu tiên, Snapdragon 765 mang đến nhiều tính năng tiên tiến phù hợp với một chiếc điện thoại Pixel. Đáng chú ý nhất chính là hiệu năng xử lý hình ảnh ngang ngửa với Snapdragon 855 (vi xử lý của Pixel 4) và một phiên bản của engine AI thế hệ 5 trên 865. Cả hai sẽ ăn khớp hoàn hảo với chip Pixel Neural Core "nhà trồng" của Google – thứ đã giúp tạo nên một trong những camera smartphone tốt nhất trên thị trường (tốt hơn cả Samsung S20 trong một vài tiêu chí), cùng những tính năng AI hàng đầu trong ngành công nghiệp di động.
Tiếp theo là 5G, một thứ mà 765 mang đến cho người dùng dù có mức giá khá rẻ. Chúng ta đã thấy 5G khiến giá bán của các mẫu flagship năm 2020 tăng cao thế nào. Chiếc S10 của Samsung khởi điểm ở mức 749 USD, trong khi S10 5G có giá lên đến 1.299 USD, và S20 5G thì lên đến 999 USD. Apple, OnePlus, và các hãng khác có thể cũng sẽ như vậy.
Chưa rõ Pixel 5 sẽ rẻ hơn bao nhiêu so với các đối thủ nếu được trang bị vi xử lý Snapdragon 765, nhưng chắc chắn nó sẽ rẻ hơn, và đó là điều cực kỳ quan trọng trong thời đại mà smartphone có giá trên 1.000 USD đã trở thành điều hết sức bình thường.
Những thiết bị của Google luôn nổi bật vì một loạt các tính năng độc đáo cùng giá bán rẻ. Những chiếc điện thoại Nexus ngày xưa – dù hiệu năng không đồng đều – vẫn được nhiều người yêu thích, giống như điện thoại Pixel vậy. Nhưng khi giá bán leo thang – và Google buộc phải loại bỏ những tính năng giúp người dùng tiết kiệm chi phí, như lưu trữ ảnh lên đám mây miễn phí ở chất lượng cao – thì ngày càng khó để người dùng quyết định bỏ tiền cho điện thoại Pixel thay vì các thiết bị khác có sức mạnh không hề kém cạnh.
Những khiếm khuyết kể trên chỉ có thể được bỏ qua khi chiếc điện thoại có giá dưới 600 USD – không phải khi nó có giá 800 USD hoặc hơn nữa. Thời lượng pin kém cỏi của Pixel 4? Chỉ là một vấn đề khó chịu nhưng có thể giải quyết được khi điện thoại có giá 500 USD, còn nếu nó có giá 800 USD, đó là một sai lầm phải trả giá bằng tiền. Vấn đề quản lý bộ nhớ trên Pixel 3? Chỉ là một chút sai sót trên một chiếc điện thoại xuất sắc giá 500 USD – nhưng lại là một vấn đề có thể khiến một chiếc điện thoại giá 800 USD mất đi cái nhìn thiện cảm.
Và chúng ta còn có chiếc Pixel 3a ra mắt năm ngoái, với doanh số bán ra tốt hơn dự đoán, còn Pixel 3 (và khả năng là Pixel 4 nữa) không đạt được doanh số kỳ vọng – cả hai cho thấy Google đã đúng khi đi theo chiến lược thiết bị cao cấp giá rẻ.
Điểm chính khiến Pixel đáng mua không phải là cấu hình gây sửng sốt hay công nghệ màn hình tiên tiến bậc nhất. Người ta mua điện thoại Google vì những tính năng AI, camera, và mức giá rẻ của nó. Pixel 3a đã chứng minh công thức này và cho Google biết hướng đi nào là tốt nhất.
Quay về với gốc rễ ban đầu, và mang lại cho người dùng những trải nghiệm độc nhất – trải nghiệm AI – trên một chiếc điện thoại giá tốt là điều hoàn toàn hợp lý mà Google nên làm với Pixel 5. Càng hợp lý hơn khi các đối thủ của họ đang tung ra những mẫu máy đắt đỏ rồi lấy lý do đã trang bị cho chúng vô vàn những tính năng mới (nhưng vô nghĩa) để biện hộ cho mức giá cao.
Google có thể đang chuẩn bị để đưa ra những thay đổi lớn đối với bộ phận smartphone nếu quyết định đi theo hướng mới – và họ sẽ buộc các đối thủ phải sớm thay đổi chiến lược theo mình!
Tham khảo: Forbes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"