Tại sao tương lai của phát triển front-end lại gắn liền với thiết kế?

    Ngocmiz,  

    Thời kỳ bùng nổ tiếng Anh đã qua, giờ thì các ông bố bà mẹ có lẽ lại đang chuyển sang phân vân liệu có nên cho con em mình học phát triển phần mềm từ sớm?

    Nếu các bậc phụ huynh chỉ đang hình dung ra con cái mình nên học code để sau này tạo dựng những ứng dụng và phần mềm thì tôi không nghĩ đó là một việc nên làm. Với sự phát triển không ngừng của các công cụ thiết kế và dịch vụ hạ tầng dành phục vụ cho việc phát triển phần mềm, lập trình trong tương lai có thể sẽ rất khác với lập trình ở hiện tại.

    Trên thực tế, ranh giới giữa thiết kế và lập trình front-end sẽ sớm bị xóa mờ, cùng với đó là sự thay đổi trong yêu cầu về các kỹ năng cần có ở các nhà phát triển trong tương lai.

    Những rào cản sẽ sớm bị đẩy lùi

    Trong suốt thập kỷ vừa qua, chi phí xây dựng và ra mắt sản phẩm phần mềm giảm mạnh rất nhiều so với thập kỷ trước đó. Vào thời kỳ bùng nổ bong bóng dotcom những năm 2000, những chi phí như hệ thống máy chủ, băng thông, bản quyền phần mềm, trụ sở văn phòng,… khiến cho việc thành lập một công ty Internet phải tiêu tốn hàng chục ngàn USD. Thế nhưng kể từ đó, với sự ra đời của các dịch vụ hạ tầng đám mây như Amazon Web Services, các công cụ phát triển như GitHub, các framework nguồn mở như Ruby on Rails hay các dịch vụ back-end như Algolia, con người ta đã có thể thiết kế sản phẩm chỉ với kinh phí chỉ bằng một phần rất nhỏ so với 10 năm trước. Ngày nay, nếu có đủ thời gian và kỹ năng lập trình, thiết kế (có thể học qua các khóa online miễn phí), bạn hoàn toàn có thể xây dựng và ra mắt một sản phẩm chỉ với vài trăm USD.

    Thiết kế và lập trình đang ngày càng gần nhau hơn

    Mặc dù thiết kế sản phẩm chưa bao giờ dễ dàng như lúc này nhưng tạo ra được một sản phẩm người dùng yêu thích lại không phải chuyện dễ dàng. Bạn phải cực kỳ thấu hiểu người dùng và có một tầm nhìn rõ ràng về cách mang lại những trải nghiệm tuyệt vời mà họ mong đợi. Thiết kế được sản phẩm nhiều người yêu thích cũng đòi hỏi một quy trình tỉ mỉ và linh hoạt trong đó đội ngũ phát triển có thể thử nghiệm và chỉnh sửa sản phẩm, mô hình kinh doanh cũng như định vị giá trị giá trị sản phẩm một cách nhanh chóng.

    Những năm vừa qua, giới khởi nghiệp cũng tôn thờ xu hướng thiết kế sản phẩm qua nhiều khâu thử nghiệm và chỉnh sửa, xuất phát từ nguyên lý “Lean startup” (khởi nghiệp tinh gọn). Lean startup cho rằng bạn không cần phải tạo ra một sản phẩm hoàn hảo ngay từ giai đoạn đầu mà chỉ cần một sản phẩm MVP (Minimum Viable Product - sản phẩm tối thiểu hoạt động được với các tính năng cơ bản nhất, chưa cần đồ họa đẹp hay tính năng nâng cao) để nhanh chóng tung nó ra test thử phản ứng của thị trường rồi tiếp tục nâng cấp và sửa đổi cả sản phẩm lẫn mô hình kinh doanh theo những phản hồi của người dùng.

    Một hệ sinh thái các công cụ đã được sinh ra để hỗ trợ phương thức khởi nghiệp và kinh doanh mới này. Những công cụ đó cho phép các nhóm làm sản phẩm có thể dễ dàng cộng tác và làm việc hiệu quả hơn.

    Cụ thể là các nhóm thiết kế sản phẩm đã không còn phải thiết kế độc lập nhau trên Photoshop mà đã chuyển sang sử dụng những bộ công cụ cộng tác thiết kế như Sketch, Figma, hay những ứng dụng cho phép làm prototype (sản phẩm thử nghiệm) như InVision, Marvell; các công cụ test thử như UserTesting, Validately, Lookback hay các công cụ giúp coder làm việc hiệu quả với designer như Zeplin.

     InVision - công cụ giúp các startup nhanh chóng cho ra nguyên mẫu sản phẩm trước khi bắt tay vào code

    InVision - công cụ giúp các startup nhanh chóng cho ra nguyên mẫu sản phẩm trước khi bắt tay vào code

    Các công cụ này đều hỗ trợ một hay nhiều phần trong quy trình thiết kế sản phẩm ngày nay, và điều tuyệt vời nữa là chúng có thể hoạt động cùng nhau một cách mượt mà. Kết quả cuối cùng là việc biến một ý tưởng nào đó thành một sản phẩm mẫu có thể đem ra thử nghiệm với khách hàng trước khi chính thức bắt tay vào làm đã dễ dàng hơn rất nhiều.

    Điều này có ý nghĩa gì với phát triển front-end?

    Những năm tới đây, ranh giới phân biệt giữa “thiết kế sản phẩm” và “phát triển front-end” sẽ ngày càng mờ đi. Nhiều công ty hiện đã tiếp cận hướng đi và bắt đầu thuê về các chuyên gia “creative technologist” – những người giỏi cả thiết kế sản phẩm lẫn công nghệ web front-end. Các công ty này cũng không yêu cầu họ phải biến thiết kế thành những dòng code ngay lập tức.

    Sự tiệm cận này cũng đang ngày một hiển hiện rõ trên các công cụ mà những người làm sản phẩm đang sử dụng. Sẽ sớm thôi, các công cụ thiết kế và prototype có thể thay thế tất cả mảng phát triển front-end và cho phép người dùng tạo ra những đoạn code front-end chất lượng cao dựa trên framework họ lựa chọn.

    Một ví dụ điển hình là Squarespace – sản phẩm cho phép người dùng thiết kế website bằng các template có sẵn. Trong khi đó, Webflow cung cấp cho họ giao diện kéo thả để tạo ra các website tương tác chú trọng nội dung. Atomic Origami lại cho phép người dùng thực hiện những ý tưởng thú vị qua việc thử nghiệm các template khác nhau cho từng khối nội dung định sẵn trên site/ứng dụng.

     Atomic - một trong những công cụ prototype phố biến cho team thiết kế sản phẩm

    Atomic - một trong những công cụ prototype phố biến cho team thiết kế sản phẩm

    Đây đều là các công cụ chú trọng mặt thiết kế nhưng lại cho phép người dùng dễ dàng chỉnh sửa và thêm code để hoàn thiện sản phẩm của mình. Hãy tưởng tượng những công cụ này sẽ ra sao trong 5 năm tới?

    Sự đồng nhất về mặt quy trình, công cụ và kỹ năng này sẽ dẫn tới những thay đổi lớn trong thiết kế sản phẩm như:

    - Đội ngũ thiết kế sản phẩm sẽ thay đổi: Trong tương lai, các nhóm thiết kế sản phẩm sẽ không nhất thiết phải có cả designer và nhà phát triển front-end nữa mà có thể tinh gọn hơn khi tuyển những người có cả hai kỹ năng này.

    - Chỉnh sửa real-time sẽ trở nên phổ biến hơn: Các nhóm làm sản phẩm có thể cùng nhau chỉnh sửa nó trong một công cụ cộng tác thiết kế để cải thiện sản phẩm và đưa ra những tính năng mới ở tốc độ nhanh nhất có thể.

    - Kết quả kinh doanh sẽ được nâng cao: Các nhóm làm sản phẩm nay đã có thể tiếp cận trực tiếp với kết quả kinh doanh để kịp thời tận dụng được các cơ hội mới hay giải quyết những vấn đề tiềm tàng trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.

    Kết

    Cuối cùng, câu trả lời cho thắc mắc liệu có nên cho trẻ học code từ sớm là gì? Không thể phủ nhận những giá trị mà đứa trẻ nhận được khi sớm tiếp cận với việc phát triển phần mềm, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa code thuần túy với phát triển front-end, và sự khác biệt này đang ngày càng lớn dần cùng với sự phát triển của các công cụ hỗ trợ thiết kế và front-end. Nếu con em bạn có khả năng xây dựng và mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng rõ ràng là nên được định hướng theo học design và kinh doanh thay vì ngụp lặn trong các kiến thức lập trình chuyên sâu.

    Tham khảo TechCrunch

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ