Tại sao TV Xiaomi dùng công nghệ QLED mà không phải OLED
Công ty Trung Quốc có đủ cả lý do khách quan và chủ quan, để sử dụng công nghệ tấm nền QLED từ Samsung thay vì OLED của LG.
Xiaomi vừa công bố 2 dòng TV mới trong sự kiện hôm nay là Mi TV 5 (bản tiêu chuẩn) và Mi TV 5 Pro. Trong đó, Mi TV 5 Pro được trang bị tấm nền sử dụng công nghệ chấm lượng tử Quantum Dot do Samsung sản xuất, với độ phân giải 4K, hỗ trợ phát nội dung có độ phân giải lên tới 8K. Đây là một dấu mốc đáng nhớ trên thị trường TV toàn cầu.
Xiaomi chính thức gia nhập lĩnh vực sản xuất TV từ năm 2013, đạt được nhiều thành công nhưng chủ yếu ở phân khúc giá rẻ và tầm trung. Mãi tới 6 năm sau, tức là ở thời điểm hiện tại, công ty Trung Quốc này mới chính thức bước vào phân khúc sản phẩm cao cấp, nhắm tới đối tượng có hầu bao rủng rỉnh.
Và lựa chọn công nghệ mà nhà sản xuất này tin tưởng là chấm lượng tử của Samsung.
Có nhiều lý do để giải thích cho sự lựa chọn này. Đầu tiên, đây là xu thế bắt buộc mà Xiaomi không thể né tránh. Thị trường TV đang ngày càng sôi động, với sự góp mặt mới đây từ OnePlus, thương hiệu con của tập đoàn khổng lồ BBK Trung Quốc. Xông vào thị trường với cái mác "flagship killer" của thị trường TV, hai mẫu sản phẩm mới Q1 và Q1 Pro của hãng này sử dụng tấm nền QLED. Xiaomi không thể trơ mắt đứng nhìn kẻ khác đến giành giật miếng bánh ở ngay trước mắt mình. Để có thể cạnh tranh, trước mắt là với OnePlus và sau này là Samsung, LG hay bất cứ nhà sản xuất nào khác, công ty phải có sản phẩm cao cấp cùng phân khúc, với mức giá ngang bằng hoặc thấp hơn.
Công nghệ OLED ở hiện tại chưa cho phép Xiaomi làm điều đó. Nếu không lựa chọn QLED, công ty sẽ buộc phải sử dụng công nghệ OLED của LG. Và rõ ràng, không thể tạo ra một sản phẩm với mức giá tốt hơn đối thủ, khi bạn đang phải muối mặt đi mua linh kiện cốt lõi sản phẩm từ người ta. Cho dù có tạo ra được sản phẩm ngang giá với LG, Xiaomi sẽ phải tiếp tục đau đầu tìm biện pháp so găng cùng với Samsung và OnePlus ở cùng phân khúc, với mức giá thấp hơn.
Trở ngại thứ hai này rõ ràng không dễ để vượt qua, bởi chính LG cũng đang "sứt đầu mẻ trán" trước áp lực từ các dòng TV QLED của Samsung.
Vấn đề tiếp theo là việc đối mặt với người dùng. Là một hãng TV xuất thân từ phân khúc giá rẻ, rất khó để Xiaomi có thể thuyết phục được người dùng trung thành bỏ số tiền lớn mua TV cao cấp. Và trên thực tế, với hầu hết người tiêu dùng, công nghệ không phải là thứ gì đó quá quan trọng. Một chiếc TV to, đẹp, hiển thị hình ảnh rõ nét chất lượng, độ phân giải cao là điều họ mong muốn. Nếu nó rẻ thì càng là điều tuyệt vời hơn nữa.
QLED ở hiện tại, đáp ứng được điều này. Về cơ bản, các mẫu TV QLED vẫn là TV sử dụng đèn nền LED thôn thường như các dòng TV khác trên thị trường, nhưng được thêm một lớp nền chấm lượng tử. Lớp nền này được cấu thành từ rất nhiều các tinh thể nano (đường kính 2 - 10 nano mét), với mỗi chấm cho khả năng hiển thị màu sắc riêng biệt và chính xác.
Nhờ công nghệ Quantum Dot của Samsung, chất lượng hình ảnh hiển thị vượt trội, sắc nét và trung thực hơn so với TV LED thông thường. Người dùng bị ấn tượng và thuyết phục từ khả năng tái tạo màu sắc, độ chi tiết của vùng sáng tối cho tới độ tương phản. Tất nhiên về mặt kỹ thuật, nó chưa thể so sánh với công nghệ OLED, nhưng đã thỏa mãn yêu cầu của người dùng về một sản phẩm chất lượng hơn, "cao cấp" hơn.
Chưa kể đến, công nghệ này còn có độ bền cao, độ sáng lớn và hạn chế hiện tượng lưu ảnh so với OLED. Do đó, với sự lựa chọn OLED, Xiaomi có thể đi theo con đường của Samsung, sử dụng chiến lược về giá và tiếp thị, cùng phong cách thiết kế trẻ trung hiện đại vốn có của mình, để thuyết phục khách hàng.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Mi TV 5 Pro có thiết kế tràn viền, tỷ lệ màn hình so với thân máy gần như hoàn hảo (99%), phần viền bezel siêu mỏng chỉ khoảng 1,8mm. Độ dày cũng ấn tượng không kém, chỉ khoảng 5,9mm. Toàn bộ thân vỏ được làm từ hợp kim nhôm cứng cáp, với chân đế kim loại, cùng thiết kế nguyên khối không có các phụ kiện ốc vít.
Lợi thế về cấu hình cũng mang lại cho TV của Xiaomi những lợi thế nhất định, vốn mang tính truyền thống của hãng công nghệ Trung Quốc này. Dù không có nhiều hiểu biết về công nghệ, rõ ràng người tiêu dùng vẫn sẽ dễ bị thuyết phục hơn bởi một chiếc TV có chip, RAM đồ sộ như một chiếc máy tính.
Và đúng là cũng chỉ có QLED, mới giúp Mi TV 5 Pro bản 55 inch của Xiaomi có thể được bán với giá khoảng 537 USD. Phiên bản 65 inch và 75 inch sẽ có giá bán lần lượt khoảng 713 USD và 1.425 USD. Đây là điều mà công nghệ OLED chắc chắn không thể tạo ra, ở thời điểm hiện tại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"