Tâm sự của các shipper về mặt trái của ngành công nghiệp "thời trang điện tử": Liều mạng mỗi ngày, đi nhiều mà lương chẳng được bao nhiêu
Một vấn nạn đang hình thành trong cuộc đua "ai rẻ nhất" của các hãng thời trang điện tử. Và nạn nhân ở đây không ai khác chính là các shipper.
Với Hassan Muhammad lúc này, mỗi ngày đối với anh là nhũng chuyến đi bạt mạng. Chàng trai 25 tuổi hiện là shipper (người giao hàng) của Zalora, hãng thời trang thương mại điện tử khổng lồ tại châu Á, và nguy hiểm là một phần công việc của anh.
Từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày Hassan phải di chuyển ít nhất 35km từ kho của hãng đến các điểm giao hàng tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia. Anh giao hàng bằng một chiếc xe máy, luồn lách qua những chiếc ôtô nặng hàng chục tấn trên cung đường đứng thứ 6 trong danh sách "hệ thống giao thông chết chóc nhất châu Á" của Liên Hợp Quốc. Và anh phải làm điều này thật nhanh, càng nhanh càng tốt.
Nhân viên giao hàng trên con đường rất đông xe ô tô tại Kuala Lumpur
Trung bình mỗi ngày, Hassan phải giao khoảng 40 gói đồ, những ngày lễ hoặc dịp giảm giá thì nhiều hơn. Anh không thể đi chậm hơn được, vì điều đó đồng nghĩa với việc giảm thu nhập, thậm chí là còn bị phạt nếu không may phải nhận lời phàn nàn từ khách hàng. Càng giao được nhiều, thu nhập của anh càng cao.
"Kỷ lục của tôi là 160 kiện hàng 1 ngày. Phải mất vài chuyến quay lại kho rồi đi ngược trở lại thành phố." - Muhammad chia sẻ.
Đi nhiều nhưng những gì anh nhận được thì không hề tương xứng. Hãng chỉ trả cho anh khoản tiền cao hơn lương tối thiểu một chút mà thôi. "Tiền cơ bản chúng tôi được nhận là 1.200 ringgit (287 USD - khoảng 6,6 triệu đồng)."
Giao càng nhiều, tiền càng nhiều
Cộng thêm tiền thưởng, mỗi tháng anh mang được về thêm khoảng 300 - 400 USD. Nhưng để được thưởng, anh sẽ phải đi bạt mạng, giao hàng liên tục, nhanh chóng và một ngày làm việc có thể kết thúc vào khuya muộn. Mức thưởng cũng không cố định, vì nó phụ thuộc vào doanh thu hàng tháng.
"Chẳng có ngân hàng nào đồng ý cho tôi vay tiền mua nhà với thu nhập như vậy cả," - Muhammad chia sẻ.
Thời trang điện tử - cuộc đua "ai rẻ nhất" và nạn nhân
Ở Malaysia, việc mua bán các mặt hàng thời trang chưa bao giờ rẻ, nhanh và dễ dàng như hiện tại. Trên các trang thương mại điện tử nổi tiếng, một chiếc quần dài có thể được bán với giá chưa đầy 1 USD. Họ cạnh tranh thông qua việc hãng nào có khả năng cung cấp hàng giá rẻ nhất, và giao hàng với tốc độ nhanh nhất.
Thời trang điện tử chưa bao giờ dễ dàng như thế tại Malaysia
Việc mở rộng đội ngũ công nhân viên không được xét đến, vì mục tiêu vẫn là làm sao để giữ chi phí ở mức thấp nhất. Bởi vậy, các nền tảng thương mại điện tử sẽ ký hợp đồng số lượng lớn với các công ty chuyển phát nhanh bên ngoài, nhằm giảm thiểu chi phí cố định và phúc lợi cho người lao động.
Trên đường đua "ai rẻ nhất", nạn nhân không ai khác là những công nhân làm tại kho phân phối của chuỗi cung ứng, và những nhân viên giao hàng như Hassan.
Trong một bài phỏng vấn từ SCMP với một số nhân viên giao hàng của các công ty chuyển phát nhanh, phần lớn đều mong muốn có mức lương cơ bản cao hơn. Hiện tại, mức lương cố định của họ dao động trong khoảng 1.000 - 1.800 ringgit mỗi tháng (tương đương 5,5 - 6,6 triệu đồng tiền Việt). Con số này thấp hơn mức lương tối thiểu cho người Malaysia là 1.960 ringgit do AFWA quy định, hoặc 2.600 ringgit theo định mức của ngân hàng trung ương Malaysia.
Một nhân viên của DHL Malaysia (hãng chuyển phát lớn của quốc gia này) cho biết anh có thể kiếm được khoảng 5000 ringgit/tháng (trên 1.100 USD). Khoản tiền được anh đánh giá là "khá cao", nhưng cái giá phải trả là mỗi ngày phải giao được ít nhất 100 đơn hàng. Ngoài ra thì không có nghỉ ốm, không phúc lợi, không trợ cấp.
"Không làm việc thì khỏi có tiền," - người này chua chát.
Các nhân viên giao hàng trong buổi phỏng vấn kỳ vọng rằng sẽ được trả thêm khoảng 100 - 200 ringgit mỗi tháng ($25 - $50). Nghe thì có vẻ nhỏ bé, nhưng với những người không được chi trả bảo hiểm, không phúc lợi, không trợ cấp, khoản tiền này đủ họ tìm đến những phòng khám tốt hơn phòng khi bất trắc xảy ra.
Chẳng hạn như câu chuyện của Fahmi - nhân viên của một công ty giao hàng hợp tác cùng 2 trang thương mại điện tử lớn. Cuối năm 2018, Fahmi gặp tai nạn khi vừa kết thúc ca làm và trở về nhà. Cú ngã khiến anh bị trầy xước nghiêm trọng ở tay, phải vào viện nhiều lần, kèm theo 3 tuần nghỉ chờ bình phục.
Và khi đi làm, tất cả những gì công ty trả cho anh là... 20 ringgit (khoảng 20 USD - 440.000 VNĐ) tiền hỗ trợ y tế thường niên.
Fahmi và các nhân viên giao hàng khác khi trả lời phỏng vấn đã yêu cầu phải giấu tên, vì họ sợ bị sa thải. Ở Malaysia, người lao động có thể bị sa thải hết sức dễ dàng là một vấn nạn không thể bác bỏ. Công đoàn tại đây hoạt động rất yếu, không có nhiều ý nghĩa về quyền lợi của người lao động.
Trả lời cho vấn đề này, hãng thương mại điện tử Lazada tại Malaysia cho biết: "Trọng tâm của hoạt động vận chuyển của chúng tôi chính là các nhân viên giao hàng. Điều kiện làm việc của họ luôn được đặt ưu tiên cao nhất, đó là lý do chúng tôi đưa ra các gói thù lao đầy cạnh tranh. Sự an toàn của họ - và những người xung quanh họ - sẽ luôn được để tâm."
Zalora không đưa ra bình luận gì.
Theo báo cáo tài chính mới nhất thì vào quý thứ 2 của năm 2019, doanh thu của Zalora và công ty chị em của họ hoạt động trong ngành thời trang bán lẻ rơi vào khoảng 143 triệu USD. Trong khi đó, thị trường thời trang điện tử của Malaysia ước tính trị giá khoảng 1,8 tỉ USD vào cuối năm 2019.
Vấn nạn chung của ngành thời trang điện tử thế giới
Điều kiện làm việc nguy hiểm mà không được trả quyền lợi xứng đáng là những gì đang xảy ra trong ngành thời trang điện tử của Malaysia. Có điều, đó không phải là vấn nạn của riêng quốc gia này.
Shipper và nhân viên kho chính là các nạn nhân khi thời trang điện tử lên ngôi
Theo một khảo sát do ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) cùng công ty Alibaba thực hiện trên 40.000 nhân viên giao hàng, có đến gần 1/4 đang làm việc hơn 12h/ngày.
Tại Indonesia, câu chuyện cũng tương tự như vậy. Theo một khảo sát kéo dài 6 tháng của Aulia Nastiti - hiện đang hoàn thành đồ án tiến sĩ tại ĐH Northwestern (Anh Quốc), người lao động phải làm việc rất lâu trong ngày với mức lương thấp, phải chịu áp lực giao hàng nhanh.
"Công việc ấy rất nguy hiểm. 70% đơn hàng được giao bằng xe máy trên những con đường chật hẹp của Indonesia. Với sự cạnh tranh khủng khiếp về tốc độ và giá cả, khách hàng ngày càng mong đơn của mình được giao nhanh hơn, thậm chí là giao vào ban đêm. Họ coi đó là điều hiển nhiên và nằm trong chi phí mà người lao động chấp nhận gánh chịu," - Aulia cho biết.
Một số quốc gia như Anh đang đề xuất điều luật yêu cầu các sàn thương mại điện tử đối xử với nhân viên giao hàng giống như nhân viên chính thức, từ đó giúp quyền lợi của họ được bảo hộ. Theo Patsy Perry, giảng viên marketing tại ĐH Manchester (Anh Quốc), dự luật này được đưa ra sau khi các tài xế đồng loạt đứng ra kiện công ty chuyển phát vì cái chết của một đồng nghiệp.
"Nghĩa là chúng ta cần một điều luật để tạo ra sự khác biệt." - Perry chia sẻ.
Cũng theo Perry thì những nhân vật nắm "quyền lực" chính là người tiêu dùng, trong bối cảnh các nhãn hàng rất sợ nhận phải bão chỉ trích trên internet và mạng xã hội nói riêng. Nếu người tiêu dùng đồng lòng lên tiếng, các nhãn hàng có thể buộc phải thay đổi chính sách họ vẫn đang áp dụng bấy lâu nay.
Tham khảo: SCMP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời